Trẻ nguy cơ tiểu đường độ 2 nếu ngồi trước màn hình quá 3 giờ mỗi ngày

Trẻ nguy cơ tiểu đường độ 2 nếu ngồi trước màn hình quá 3 giờ mỗi ngày

Trẻ nguy cơ tiểu đường độ 2 nếu ngồi trước màn hình quá 3 giờ mỗi ngày

Ảnh minh họa

Chúng ta đều biết dành quá nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình có liên quan đến nguy cơ tiểu đường ở người lớn. Dường như, với trẻ em, nó cũng có tác động tương tự.

Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Archives of Disease in Childhood. Theo Mark Tremblay, chuyên gia bệnh béo phì ở trẻ em và chuyên gia sống khỏe tại Viện nghiên cứu Eastern Ontario, báo cáo củng cố kết luận “thời gian xem màn hình quá mức có hại đến sức khỏe con người”. Những đứa trẻ Mỹ đang dành quá nhiều thời gian trước màn hình thiết bị. Một báo cáo năm 2015 của Common Sense Media chỉ ra trẻ từ 13 đến 18 tuổi trung bình “dán mắt” vào máy tính, smartphone, tivi tới 9 tiếng/ngày, trẻ từ 8 đến 12 tuổi khoảng 6 tiếng.

Chuyên gia Tremblay nhận định “dường như chúng ta đã mất đi sự cân bằng cần thiết để sống khỏe mạnh”.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra thời gian xem màn hình có liên quan đến chỉ số cơ thể BMI tăng (chỉ số xác định tình trạng cơ thể của một người qua chiều cao, cân nặng) ở độ tuổi 9 đến 16. Một nghiên cứu cho thấy xem tivi quá lâu tăng nguy cơ mắc tiểu đường độ 2 ở người lớn. Còn đồng tác giả Claire Nightingale của nghiên cứu mới nhất lại muốn xem ảnh hưởng của nó đến trẻ em.

Các chuyên gia phân tích dữ liệu từ gần 4.500 trẻ từ 9 đến 10 tuổi từ 200 trường tiểu học tại Luân Đôn, Birmingham, Leicester từng tham gia vào nghiên cứu Child Heart and Health tại Anh từ năm 2004 đến năm 2007. Những đứa trẻ được hỏi số giờ xem tivi hay chơi game video mỗi ngày. Theo đó, trẻ xem quá 3 tiếng mỗi ngày kháng insulin cao hơn 11% so với trẻ xem ít hơn 1 tiếng mỗi ngày. Kháng insulin xảy ra khi tế bào của mô đích không đáp ứng hoặc bản thân các tế bào chống lại sự tăng insulin máu, có thể tăng nguy cơ bị tiểu đường độ 2.

Nightingale viết trong email gửi The Verge: “giảm thời gian ngồi trước màn hình ở trẻ nhỏ có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường độ 2”. Nghiên cứu cũng có hạn chế vì nó chỉ cho thấy mối liên quan chứ không phải nguyên nhân trực tiếp giữa thời gian xem và tiểu đường. Do dữ liệu thu thập từ giữa năm 2004 đến 2007, nghiên cứu không bao gồm thời gian dành cho smartphone, tablet, do đó kết quả có thể chưa phản ánh được thời gian trẻ xem màn hình ngày nay.

Dù vậy, các phát hiện góp phần khẳng định ngồi trước màn hình không phải thói quen có lợi nhất cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, ngay cả khi chưa thể hiện được mối liên hệ trực tiếp, nó cũng đủ để nâng cao cảnh báo.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận