Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa các tòa soạn báo

Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa các tòa soạn báo

Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa các tòa soạn báo

Csc chuyên gia tại tọa đàm

Ngày càng nhiều tin được viết bởi máy tính, trí tuệ nhân tạo

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang góp phần thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống, trong đó có hoạt động thông tin, báo chí.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, AI đã dần xuất hiện và tác động đến hoạt động thu thập, cung cấp, truyền tải và thói quen tiếp nhận thông tin của các đối tượng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tại tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo và ngành công nghiệp tin tức” do NDH.vn tổ chức ngày 21/3, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ cách đây hơn 3 năm, vào ngày 21/1/2015, khi hãng AP cho ra bản tin đầu tiên do máy viết đã khiến cho giới truyền thông xôn xao.

“Vả chỉ trong giai đoạn 2015-2016 lĩnh vực này diễn ra rất nhanh chóng. Theo các tài liệu tôi đọc được, chỉ trong 5-10 năm tới, lượng tin do máy tạo ra sẽ chiếm khoảng 80% tổng số tin tức được sản xuất. Việc mới xuất hiện mà đã có những bước tiến nhanh như vậy cho thấy máy móc đang chứng tỏ những vai trò vô cùng to lớn”, ông Lê Quốc Minh nói.

Dù cũng có những điểm hạn chế không thể bằng con người, không thể viết những bài phóng sự, bình luận nhưng trong lĩnh vực thể thao, tài chính, chứng khoán... con người đang thấy những bước tiến rất nhanh của trí tuệ nhân tạo.

“Hiện không chỉ có AP, mà Kyodo, Yonhap và gần đây nhất là Xinhua... đã sử dụng trí tuệ nhân tạo ở mức độ rất cao. Trước đó, chúng ta có thể kể đến một loạt tên tuổi như Reuters, New York Times, Washington Post đã áp dụng, giúp giải quyết từ những việc rất nhỏ, rất tỉ mẩn vốn tốn nhiều công sức của con người. Tính ra chi phí để sản xuất một cái tin bằng AI thấp hơn rất nhiều so với dùng con người. Con người có thể được giải phóng để làm nghiên cứu sâu, các công việc quan trọng hơn”, ông Minh nói.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Vòng Thanh Cường, Tổng giám đốc Boomerang cho hay doanh nghiệp của ông hàng ngày quét hàng triệu thông tin trên các diễn đàn, trang tin tức... để đưa ra thông tin hữu ích cho các nhà quảng cáo, marketer, thương hiệu... trong vòng 1-2 tiếng.

“Với công việc như vậy thì sức người là không thể, nên việc áp dụng AI là tất yếu. Từ năm 2011, chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu và bắt đầu lọc các dữ liệu đó. Có thể nói AI đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng công ty của chúng tôi”, ông Cường nói.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen Vietnam chia sẻ, trong 14 xu hướng công nghệ được chỉ ra trong báo cáo của Nielsen năm 2017 thì nổi bật là công nghệ AI, công nghệ AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

“Khi thu thập dữ liệu của người mua hàng thay vì viết thủ công bây giờ chúng ta chỉ cần có máy quét và từ đó tự tổng hợp ra được báo cáo. Năm 2017, chúng tôi đã cho ra được hệ thống để kết nối được người tiêu dùng để xem thói quen truyền thông của người tiêu dùng và điều này giúp cho cho các marketer tiếp cận khách hàng chính xác hơn”, bà Hà chia sẻ.

Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa các tòa soạn báo

Trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng mạnh lên nhiều lĩnh vực, trong đó có truyền thông, báo chí

Tuy nhiên trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người

Theo nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm, trong nhiều hoạt động máy móc, trí tuệ nhân tạo có thể đóng góp vào công việc làm báo nhưng không thể thay thế hoàn toàn. Ở chừng mực nào đó, con người có thể dựa vào máy nhưng để đưa ra những bài phân tích sâu sẽ không có, máy không thể phỏng vấn, làm phóng sự...

Ví dụ, khi phỏng vấn cũng không thể hiệu quả bằng giao tiếp trực tiếp người với người, nhiều trường hợp cần sự phán đoán, nhận định như của con người máy móc cũng không làm được.

“Hiện nay nhiều quan ngại về AI được dấy lên vì AI có thể giúp chúng ta hoàn thiện nhiều công đoạn, việc sản xuất hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những báo cáo tự động tạo ra vẫn rất cơ bản trong khi nhận định của người làm báo, góc nhìn thì máy móc chưa làm được”, bà Đặng Thúy Hà nói.

Còn theo ông Vòng Thanh Cường, AI là do con người tạo ra và con người hoàn toàn kiểm soát được công nghệ đó.

“Tại công ty chúng tôi, phần AI và máy móc đã giúp được 60% công việc so với trước. AI có thể tự động nhận dạng nội dung hàng triệu bài viết mỗi ngày. Tuy nhiên, một số bài viết sử dụng ngôn ngữ tuổi teen hoặc từ ngữ phức tạp vẫn cần con người. Con người phải huấn luyện máy móc. Máy móc chỉ đưa ra 60%, phần còn lại để kết nối các thông số là do con người”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Minh cũng cho rằng, nếu trước đây, trong tin tức yếu tố nhanh là quan trọng, nhưng trong thời buổi hiện nay thì sự chính xác là quan trọng nhất. Trong đó, AI có thể giúp nhà báo đạt được tốc độ ở dạng tin thô, cơ bản, phần nào giúp các cơ quan báo chí tăng tốc độ và tăng độ chính xác của tin tức.

Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều cơ quan báo chí Việt Nam chưa chú trọng đầu tư cho công nghệ, chỉ coi đầu tư máy tính, máy ảnh… là xong. Nhưng về bản chất, vẫn còn thô sơ, đơn giản. Chính vì thế theo các chuyên gia tại tọa đàm, các cơ quan báo chí cần có tư duy chiến lược, bắt kịp xu thế của sự phát triển. Nếu không quan tâm, các cơ quan truyền thông sẽ bị tụt hậu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận