Trong cuộc chiến smartphone, camera chính là "chiến trường" duy nhất còn sót lại

Trong cuộc chiến smartphone, camera chính là "chiến trường" duy nhất còn sót lại

Samsung là một trong những hãng điện thoại hiếm hoi cho ra mắt được chiếc điện thoại "chấp nhận được" tại MWC2018, nhưng camera mới là nơi mà những sự đổi mới đang điễn ra.

Trong cuộc chiến smartphone, camera chính là chiến trường duy nhất còn sót lại

Máy ảnh Samsung Galaxy S9 cho phép ánh sáng đi tới ống kính nhiều hơn 28% so với S8. (ảnh: Wired)

Triển lãm di động toàn cầu MWC 2018 đã trôi qua, nhưng chúng ta hầu như không thấy bất kì sự tiến triển gì có tính đột phá trong ngành smartphone. Huawei và HTC đều không ra mắt một chiếc smartphone mới nào, và cả LG cũng chỉ mang lại những cải tiến rất nhỏ cho chiếc điện thoại V30 sáu tháng tuổi của mình.

Theo trang Wiredđ, có lẽ điểm sáng lớn nhất tại sự kiện chính là cặp đôi flagship mới nhất của Samsung: Galaxy S9 và S9+. Nhưng thực lòng mà nói, bộ đôi siêu phẩm này của Samsung cũng chẳng có gì đặc sắc hơn so với phiên bản tiền nhiệm Galaxy S8. Chiếc S9 có cùng màn hình Quad HD Super AMOLED 5,8-inch và viên pin 3.000 mAh mà chúng ta đã từng nhìn thấy trong Galaxy S8 năm ngoái. Ngay cả chip xử lý của máy cũng chỉ là bản nâng cấp nhẹ, và thay đổi lớn nhất về thiết kế là việc dời cảm biến vân tay xuống phía dưới cụm camera.

Trở lại năm 2016, LG và Google đã tiến hành những thử nghiệm với điện thoại mô-đun với hy vọng có thể chứng minh rằng tương lai của ngành di động không nằm ở những đường cắt kim cương chính xác từng mili-mét. Google và LG đã thất bại, bằng chứng là doanh số ảm đạm của LG G5 và những sự thay đổi về chiến lược phần cứng của Google. Thay vào đó, toàn bộ ngành công nghiệp smartphone đã quay về với một ý tưởng quen thuộc trong thiết kế phần cứng: màn hình lớn và viền màn hình nhỏ. Như ông Rick Osterloh, phó chủ tịch cấp cao mảng phần cứng của Google từng nói, "sự đấu đá nhau về phần cứng đang dần hạ nhiệt". Các nhà sản xuất, thay vì tạo ra các tính năng mới thú vị, thì lại đang chạy trong cuộc đua để tạo được ra những sản phẩm càng giống với đối thủ càng tốt.

Một trong số những lĩnh vực ít ỏi mà ở đó sự đổi mới vẫn chưa dừng lại chính là camera. Đặc biệt với Samsung, chiếc Galaxy S9 cuối cùng đã tìm ra công thức để chụp ảnh "bất chấp bóng đêm" bằng việc kết hợp hai ngưỡng khẩu độ khác nhau trên cùng một ống kính. Giờ đây, Galaxy S9 có thể chụp ảnh thu được nhiều sáng hơn ngay cả trong điều kiện trời thiếu sáng mịt mù. Cụ thể, chiếc camera 12 megapixel này có thể chụp 12 bức hình ở mức sáng khác nhau liên tục chỉ với một lần bấm, sau đó máy tự động kết hợp những ảnh này để giảm tình trạng mờ phông nền với chất lượng tốt hơn 30% so với S8.

Trong cuộc chiến smartphone, camera chính là chiến trường duy nhất còn sót lại

Bộ đôi siêu phẩm Samsung Galaxy S9 và S9+ 

Từ đó, ngay cả những phần mềm và đoạn code đứng đằng sau chiếc camera cũng trở nên quan trọng như ống kính và cảm biến máy ảnh. Vào tháng 2 năm 2018, Google đã ra mắt bộ xử lý Visual Core trong chiếc smartphone Google Pixel 2, khiến nó làm việc tốt với các ứng dụng của bên thứ ba như Snapchat, WhatsApp, Instagram và Facebook. Trước đó, các bức ảnh chụp qua các ứng dụng này trông khá xấu bởi vì nó không thể truy cập vào quá trình hậu kì ảnh phụ trợ với bộ xử lý hình ảnh 8 nhân của Google. Giờ đây, khi được kích hoạt, chipset này cho phép dùng tính năng HDR+ và tăng chất lượng zoom trên ảnh chụp trong bất kỳ ứng dụng nào được kết nối qua Visual Core API. 

Trong cuộc chiến smartphone, camera chính là chiến trường duy nhất còn sót lại

Chiếc điện thoại Pixel 2 của Google (ảnh: Wired)

Tuy nhiên, những lợi ích của phần mềm tốt hơn không chỉ dừng lại ở những bức ảnh sắc nét hơn. Ứng dụng Google Translate cho phép mọi người dịch văn bản ngoại ngữ thông qua máy ảnh điện thoại thông minh, một tính năng mà Samsung đã tích hợp trong Bixby Vision - nỗ lực của gã khổng lồ Hàn Quốc trong việc đưa AI lên máy ảnh của họ. Bên cạnh dó, Bixby Vision cũng có thể sử dụng khả năng nhận dạng hình ảnh để phát hiện ra một miếng thức ăn và ước tính có bao nhiêu calo trong đó. Mặc dù sự kết hợp của camera và phần mềm này vẫn còn rất mới, nhưng đó là các dấu hiệu cho thấy những khả năng mà camera trên smartphone của chúng ta có thể đạt được, nhất là khi chúng được đầu tư một cách nghiêm túc.

Trong cuộc chiến smartphone, camera chính là chiến trường duy nhất còn sót lại

Google Translate dịch trực tiếp trên hình ảnh từ tiếng Anh - tiếng Nhật (ảnh: Wired)

Ngoài ra, công nghệ thực tế tăng cường (AR) cũng là một trong những lĩnh vực rất mới mẻ được các nhà sản xuất smartphone đón nhận. Apple là một trong những nhà "tiên phong" trong công nghệ này với Animoji. Samsung cũng tung ra tính năng của riêng mình với tên gọi AR Emoji trên Galaxy S9/S9+, nói rằng đây là một phần của công cuộc xây dựng phần mềm "dành cho cách chúng ta giao tiếp ngày hôm nay". Cho dù đó là một tính năng hơi kỳ lạ, nhưng đây là một cách để chứng minh cho đà phát triển các tính năng AR của công ty này.

Trong cuộc chiến smartphone, camera chính là chiến trường duy nhất còn sót lại

Công nghẹ AR biến Animoji trên Iphone X trở thành một xu hướng khiến các nhà sản xuất phải chạy theo.

Ngày 05/03/2017, Google đã cho ra mắt ARCore, cho phép các nhà phát triển Android xuất bản các ứng dụng AR vào Cửa hàng Google Play và gửi lời "cảnh báo" cho Apple rằng, Google cũng sẽ khiến công nghệ AR trở thành một phần quan trọng trong cách người sử dụng tương tác với điện thoại của họ.

Cho dù chúng ta không nhận thấy nhiều sự thay đổi ở điện thoại di động trong vòng nửa thập kỷ qua, việc trí tuệ nhân tạo và AR ngày càng có vai trò quan trọng sẽ buộc các nhà sản xuất không được phép lười biếng và chạy theo sự phát triển của công nghệ. Nếu AR trở nên to lớn như Apple và Google kỳ vọng, các nhà sản xuất sẽ buộc phải tìm cách khai thác tiềm năng của nó bằng phần mềm và ứng dụng nếu không muốn bị bỏ lại ở phía sau.

Duy Nguyễn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận