Tự chế phono box để chơi đĩa than

Tự chế phono box để chơi đĩa than

Không khí cuộc thi Phono preamplifier DIY Festival 2017.

Trong 17 sản phẩm được gửi về dự thi có phono box chạy đèn điện tử chỉ khuyếch đại tín hiệu MM, chạy kim MC qua bộ biến thế step-up. Mỗi kiểu phono box cho những màu sắc âm thanh khác nhau, tùy theo sở thích và sở trường của người chơi.

Cuộc thi của Mạng Nghe Nhìn Việt Nam được tổ chức theo hình thức kiểm tra "mù" (blind test) để đảm bảo tính khách quan. Thiết bị tham gia "tranh tài" sẽ giấu sau sân khấu. Ban giám khảo, thí sinh và hơn 70 người chơi đến nghe đều không biết sản phẩm nào đang trình diễn.

Khác với các chương trình trước của VNAV, chủ nhân của sản phẩm tham dự được trực tiếp tham gia chấm điểm, bên cạnh hai giám khảo từ Ban tổ chức.

Hệ thống tham chiếu "khủng" sử dụng mâm đĩa than Kronos Sparta, kim Audio-Technica AT33 GPT/II, phono tube MC Active của Rhea, pre-power tube Octave, loa Gauder Isophon Cassiano...

tu-che-phono-box-de-choi-dia-than

Sản phẩm DIY được đo kiểm nhằm đảm bảo an toàn khi dùng, không gây hư hại cho thiết bị phối ghép.

Trước khi thi đấu, loạt thiết bị được đo kiểm bằng các máy chuyên dụng và phải vượt qua chuẩn kỹ thuật do Ban tổ chức đề ra. Trong đó, một sản phẩm bị loại do chạm điện AC ra vỏ, vài thiết bị khác được điều chỉnh tại chỗ. 

"Các anh em 'cấp cứu' đứa con của mình mà quên cả ăn trưa, cho kịp trình diễn vào đầu giờ chiều", anh Sơn đến từ Long Biên (Hà Nội) kể lại. "Gọi là cuộc thi nhưng mọi người vẫn sang sản phẩm của 'đối thủ' để sửa chữa, tối ưu cho nhau".

Anh Thành, một người chơi từ Hải Phòng, cho biết sản phẩm anh đem đến học hỏi từ phono box của hãng Clearaudio nhưng đã được điều chỉnh về mạch cũng như các linh kiện thành phần. "Chơi DIY quan trọng nhất vẫn là đam mê, ban ngày tôi đi làm, đêm về vọc vạch đến gần sáng, có lúc tưởng như bỏ cuộc", anh chia sẻ.

"Mỗi thiết bị là một đứa con tinh thần của người chơi mà chỉ có bắt tay vào tự chế mới hiểu được nguyên lý hoạt động của từng đường mạch, từng loại linh kiện", anh Minh (Hà Nội) cho biết. "Nó cũng giống như cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng mới thực sự thấu hiểu tính cách của mỗi đứa con".

tu-che-phono-box-de-choi-dia-than-1

Những sản phẩm DIY lần này mộc mạc, ít cầu kỳ về hình thức. Ảnh: Bạch Dương.

Theo ông Nguyễn Đức Duy, đại diện Ban tổ chức, cuộc thi lần này nhằm thúc đẩy phong trào DIY trong nước, đồng thời đón chào một diện mạo mới của diễn đàn VNAV. Sân chơi là nơi để những người yêu thiết bị analog nói riêng và mê âm thanh nói chung có dịp gặp gỡ thi tài, học hỏi kinh nghiệm, tăng thêm tình gắn kết.

Kết quả, phono box bán dẫn (MM SS Phono) của thành viên Nguyễn Đình Thủy đã giành giải nhất. Sản phẩm này được đánh giá cao về âm trầm, độ chi tiết, không gian và đặc biệt là độ động. Đây cũng là một trong 5 thiết bị được gửi đến chương trình mà chủ nhân không thể có mặt, chủ yếu do điều kiện địa lý.

Chia sẻ về "đứa con" của mình, anh Thủy cho biết đã nhen nhóm ý tưởng tự chế phono box cho riêng mình cả năm trước nhưng bị trì hoãn vì nhiều lý do. "Biết có cuộc thi, tôi gấp rút làm và vừa kịp hoàn thiện 2 ngày trước khi diễn ra. Tôi ở TP HCM, không đến được nên phải gửi ra và nhờ người bạn đem đến".

tu-che-phono-box-de-choi-dia-than-2

Một người chơi hiệu chỉnh sản phẩm trước giờ "lên đài".

Giải nhì và giải ba lần lượt thuộc về thành viên Ngô Hoàng Dương (MC Digital Phono) và Đoàn Thanh Liêm (MC U50 Phono) đến từ Hà Nội.

Theo anh Liêm, DIY phono box không quá khó so với việc tự chế các đồ âm thanh khác, dù anh mới "nghiện" thú chơi này khoảng 3 năm gần đây. "Tôi mất 3 ngày để hoàn thiện sản phẩm, dựa trên mạch tham khảo. Sử dụng các linh kiện phổ thông nên việc chế tác tương đối dễ dàng, chi phí các thành phần hết tầm 2 triệu đồng".

Nói về kết quả cuộc thi, anh Liêm cho biết rất vui vì thiết bị của mình được đánh giá cao. Anh cho rằng cách thức tổ chức, chấm điểm đảm bảo tính công bằng và hoàn toàn "tâm phục khẩu phục" khi "con đẻ" của anh xếp sau hai sản phẩm kia.

Tuy nhiên, tính thẩm mỹ của loạt sản phẩm dự thi lần này chưa được chú trọng nhiều. "Người chơi DIY thích mày mò, thêm thêm bớt bớt nên ngoại hình ít để ý đến, nhiều khi làm sao cho tiện tháo lắp là được", anh Liêm tâm sự.

tu-che-phono-box-de-choi-dia-than-3

Bên trong sản phẩm đạt giải nhất của tác giả Nguyễn Đình Thủy. Xem chi tiết.

Quán quân cuộc thi cũng cho rằng anh muốn hoàn thiện hơn nữa cho "đứa con" của mình trước khi sắm "áo mới" cho nó. "Linh kiện tôi cóp nhặt mỗi lúc một ít, nhưng không phải hàng 'độc' gì cả. Vỏ máy tận dụng những gì sẵn có trong nhà nên chưa bóng bẩy như hàng hãng", anh Thủy nói.

Với mong muốn phát triển cộng đồng DIY tại Việt Nam, anh Thủy cho biết sẽ công bố sơ đồ mạch sản phẩm để những người chơi giao lưu, tham khảo. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận