Việt Nam đã có 3,5 triệu thuê bao 4G, Viettel chiếm 52% thị phần

Việt Nam đã có 3,5 triệu thuê bao 4G, Viettel chiếm 52% thị phần

Thông tin trên được ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, cho biết tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 tổ chức vào sáng 27/7, tại Hà Nội.

Việt Nam đã có 3,5 triệu thuê bao 4G, Viettel chiếm 52% thị phần

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT

Theo ông Trần Tuấn Anh, tính đến nay Việt Nam đã có xấp xỉ 60 triệu thuê bao băng thông rộng, trong đó có 48 triệu thuê bao di động băng rộng. Qua 6 tháng triển khai dịch vụ 4G, đã có 6,3 triệu thuê bao đổi sim 4G nhưng hiện mới có 3,5 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ 4G. Ông Tuấn Anh nhận định trong thời gian ngắn triển khai 4G thì tỷ lệ phát triển thuê bao như trên cũng là tương đối nhanh. Tuy vậy, so với một số nước trên thế giới, tốc độ phát triển 4G so với 3G tại Việt Nam lại không phải cao.

Đồng quan điểm, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT, cũng cho rằng con số 3,5 triệu người dùng 4G không phải là lớn nhưng trong thời gian tới số thuê bao 4G sẽ phát triển mạnh mẽ. Theo ông Thảo Nguyên, các nhà mạng triển khai 4G mới chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tăng (dung lượng) của mạng 3G, do vậy, để đáp ứng chất lượng dịch vụ như mong muốn thì doanh nghiệp cần phải có thời gian để triển khai mạng và cần thêm băng tần để triển khai trong thời gian tới. 

Năm 2016, Bộ Thông tin Truyền thông đã cấp phép cho doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 4G trên băng tần 1800 MHz và 2600 MHz. Hiện đã có 4 doanh nghiệp được cấp phép chính thức là Viettel, VinaPhone-VNPT, MobiFone và Gmobile. Trong đó 3 doanh nghiệp Viettel, VinaPhone và MobiFone đã chính thức cung cấp dịch vụ băng rộng 4G LTE ra thị trường.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp triển khai 4G vẫn trên băng tần 1800 MHz. Theo báo cáo, các nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 43.000 note B (trạm BTS) trên toàn quốc, và theo tính toán, số lượng trạm BTS này đủ để đảm bảo nhu cầu phục vụ được khoảng 95% dân số.

Còn theo khảo sát của IDG về dịch vụ 4G tại Việt Nam từ 13.828 người tham gia, có tới 88% người dùng 4G sống tại Hà Nội và TP.HCM, 74% là học sinh, sinh viên, tiểu thương, người nội trợ, 51% số họ có thu nhập ở mức 5-10 triệu đồng/tháng và 38% người dùng này đang trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi.

Cũng theo báo cáo này, trong 3 nhà mạng đã kinh doanh thương mại dịch vụ 4G LTE tại Việt Nam, có tới 52% người dùng 4G sử dụng mạng Viettel, 21% sử dụng dịch vụ 4G của Mobifone và 27% người dùng sử dụng dịch 4G của VinaPhone.

Việt Nam đã có 3,5 triệu thuê bao 4G, Viettel chiếm 52% thị phần

Viettel hiện chiếm 52% thị phần 4G tại thị trường Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự triển khai mạnh mẽ mạng 4G LTE sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng 4G nhằm thoả mãn kỳ vọng và nâng cao trải nghiệm khách hàng trong quá trình sử dụng như: các dịch vụ nội dung số, các dịch vụ IoT, dịch vụ truyền hình, nghe nhìn trực tuyến, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng phát triển thành phố thông minh… Tuy nhiên, để thực hiện các quy định quản lý của Bộ TT&TT về các dịch vụ giá trị gia tăng đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng; đồng thời đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Bên cạnh đó, các nhà mạng viễn thông phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: nâng cấp hệ thống mạng lưới kỹ thuật, các đường truyền tốc độ cao, quản trị lưu lượng hiệu quả, cải tiến các phần mềm quản lý thuê bao, phát triển các thiết bị đầu cuối tương thích công nghệ 4G và bảo mật thông tin trên nền tảng mạng 4G LTE.

G.L

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận