Viettel khẳng định vẫn đáp ứng nhu cầu khách hàng cả giờ cao điểm dù AAG gặp sự cố

Viettel khẳng định vẫn đáp ứng nhu cầu khách hàng cả giờ cao điểm dù AAG gặp sự cố

Thông tin mới nhất về sự cố ngày 23/8 trên tuyến cáp quang biển AAG / Viettel khẳng định vẫn đáp nhu cầu khách hàng cả giờ cao điểm dù AAG gặp sự cố / Chưa có kế hoạch khắc phục sự cố xảy ra ngày 23/8 trên tuyến cáp biển AAG

Viettel cho biết, do dung lượng trên tuyến cáp AAG không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 20% tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel nên khách hàng của nhà mạng này không bị ảnh hưởng bởi sự cố xảy ra ngày 23/8 trên tuyến cáp quang biển AAG (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Như ICTnews đã đưa tin, sự cố lần thứ tư trong năm 2018 trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway - AAG đã xảy ra vào khoảng 14h30 ngày 23/8/2018, ảnh hưởng đến kết nối Internet quốc tế từ Việt Nam qua AAG đi các hướng HongKong, Singapore và Mỹ. Tuyến cáp quang biển này hiện vẫn được các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, NetNam… sử dụng, khai thác, dù dung lượng sử dụng trên tuyến nhiều ít khác nhau.

Trong thông tin chia sẻ với ICTnews hôm nay, ngày 25/8/2018, Viettel Telecom cho biết các khách hàng sử dụng mạng Viettel không bị ảnh hưởng bởi sự cố xảy ra với tuyến cáp biển AAG ngày 23/8 vừa qua.

Đại diện Viettel Telecom cho hay, với 4 hướng kết nối còn lại qua cáp biển Liên Á (IA), Asia Pacific Gateway (APG), Asia Africa Europe 1 (AAE-1) và đất liền, Viettel vẫn đáp ứng được nhu cầu khách hàng kể cả vào các khung giờ cao điểm.

“Khách hàng Viettel không bị ảnh hưởng do dung lượng trên tuyến cáp AAG không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 20% tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel. Các hướng kết nối còn lại qua cáp biển IA, APG, AAE-1 và đất liền hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của khách hàng Viettel, kể cả vào khung giờ cao điểm từ 19h đến 21h. Do đó, khách hàng của Viettel có thể yên tâm sử dụng dịch vụ”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

Cũng trong thông tin chia sẻ với ICTnews ngày 25/8, Viettel Telecom cho biết hiện tại nhà mạng này vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể từ Ban quản trị tuyến cáp quang biển quốc tế AAG về nguyên nhân và thời gian khắc phục sự cố.

Trước đó, chiều ngày 24/8, VNPT đã thông tin, ngay sau khi nắm được việc tuyến cáp AAG tiếp tục gặp sự cố, VNPT đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác đang hoạt động ổn định để đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho các khách hàng. Tính đến trưa ngày 24/8/2018, VNPT đã hoàn tất việc chuyển dung lượng trên tuyến cáp AAG sang các hướng cáp khác, đảm bảo khách hàng của VNPT có thể sử dụng các dịch vụ quốc tế như Gmail, Facebook bình thường.

Cũng theo VNPT, nguyên nhân của sự cố xảy ra chiều ngày 23/8 trên tuyến cáp biển AAG vừa qua được xác định là do dò nguồn điện hệ thống AAG, với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ Vũng Tàu 250 km. Hiện VNPT vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất có thể.

Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG được đưa vào vận hành chính thức kể từ tháng 11/2009. Có tổng chiều dài 20.191 km và tổng dung lượng lên đến 2Terabit/giây, tuyến cáp biển này có các điểm cập bờ là Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Currimao (Philippines), South Lantau (HongKong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)…Tại Việt Nam, AAG cập bờ ở Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.

Sau khi được đưa vào khai thác, trong gần 10 năm qua, tuyến cáp biển AAG đã rất nhiều lần gặp sự cố, được sửa chữa, bảo dưỡng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cung cấp dịch vụ của các ISP cũng như việc sử dụng các dịch vụ quốc tế của người dùng Internet tại Việt Nam. Thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng trong năm nay, tuyến cáp AAG đã có tới 4 lần gặp sự cố hoặc được bảo dưỡng, lần lượt vào các ngày 6/1, 22/5, 16/6 và 23/8. Đến nay, tổng số thời gian cáp AAG bị gián đoạn liên lạc trên tuyến do gặp sự cố hoặc được bảo dưỡng trong năm 2018 đã lên tới hơn 2 tháng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận