VNNIC: Vẫn còn có quan niệm sai lầm về quản lý tên miền .VN, tên miền quốc tế

VNNIC: Vẫn còn có quan niệm sai lầm về quản lý tên miền .VN, tên miền quốc tế

Internet đến nay đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của nhiều người. Trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư , website chính là “cánh cửa” quan trọng đầu tiên để các doanh nghiệp, tổ chức bước vào nền kinh tế số. Doanh nghiệp đã quen thuộc với việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa của mình ở đời thực, nhưng vấn đề bảo vệ thương hiệu trên mạng Internet sẽ ra sao là vấn đề không ít doanh nghiệp Việt còn chưa hiểu rõ.

Để bạn đọc có thêm thông tin về việc bảo vệ tên miền – thương hiệu của doanh nghiệp trên Internet, ICTnews vừa có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ TT&TT:

Tên miền - Thương hiệu khi nào có tranh chấp? | Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân: Tên miền và sở hữu trí tuệ là 2 vấn đề hoàn toàn độc lập | Chuyển nhượng tên miền cũng giống như chuyển nhường quyền sử dụng đất

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC (Nguồn ảnh: VNNIC)

Xin ông cho biết khi doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hàng của mình thì tên miền của họ có được vệ trên môi trường mạng không?

Chúng ta cần hiểu rõ tên miền và sở hữu trí tuệ là hai vấn đề hoàn toàn độc lập. Tên miền không chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký tên miền phải theo thông lệ chung quốc tế: ai đăng ký trước, được quyền sử dụng trước. Do vậy, với một chuỗi ký tự, chỉ có duy nhất một chủ thể có thể đăng ký được tên miền. Việc này sẽ rất khác với đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, ngoài phần nhận dạng bằng phần chữ còn được phân biệt qua các nhận dạng về hình ảnh, mầu sắc và nhóm sản phẩm dịch vụ.

Ví dụ như cùng một chuỗi tên miền Quê Hương, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng đăng ký bảo hộ ở các nhóm dịch vụ khác nhau như: Khách sạn Quê Hương, nhà hàng Quê Hương, hay sản vật địa phương bánh đậu xanh Quê Hương. Vì vậy, việc xác định tên miền này là của ai hoàn toàn không có ý nghĩa; mà nguyên tắc sẽ là ai đăng ký trước được quyền sử dụng trước. Tất nhiên là trong số tên miền này phải loại trừ những tên miền trong danh sách thuộc nhóm tên gọi của các địa danh liên quan đến chủ quyền quốc gia, tên gọi của các tổ chức, cơ quan nhà nước được bảo vệ theo quy định.

Vậy việc nhiều người vận dụng quy định trên để đăng ký trước những tên miền trùng hoặc gần giống với nhãn hiệu mà các doanh nghiệp chưa kịp đăng ký có bị coi là vi phạm về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh không, thưa ông?

Nhu cầu đăng ký đón đầu các tên miền còn trong trạng thái tự do để sử dụng cho mục đích quảng bá của mình trên Internet là nhu cầu thiết thực và chính đáng của mỗi tổ chức, cá nhân nhằm bắt kịp được với các thay đổi của cuộc sống trong kỷ nguyên Internet. Tương tự như vậy, nhu cầu đăng ký tên miền để phát triển các ý tưởng kinh doanh hoặc để có thể chuyển nhượng lại quyền sử dụng tên miền cho các tổ chức, cá nhân khác là có thực và đây còn là một lĩnh vực đầu tư trong ngành công nghiệp tên miền.

Pháp luật Việt Nam hiện nay đã cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền “.VN”. Việc này cũng giống như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giống như đầu tư để bán lại những “khu đất vàng” trong ngành bất động sản. Có nghĩa là, tùy theo hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng website, chủ thể đăng ký có thể duy trì sử dụng tiếp hoặc chuyển nhượng lại quyền sử dụng tên miền của mình cho người khác có nhu cầu sử dụng hiệu quả hơn.

Và như tôi đã chia sẻ, với tên miền, ai đăng ký trước được quyền sử dụng trước. Do vậy việc đăng ký các tên miền đẹp để chuyển nhượng sau thời điểm Luật Viễn thông có hiệu lực đã được coi là một hình thức kinh doanh hoàn toàn hợp lệ, không thể coi đây là hành vi vi phạm hay cạnh tranh không lành mạnh.

Ông nghĩ sao khi có quan niệm cho rằng tên miền quốc tế có thể đăng ký tự do không ai quản lý, còn đăng ký tên miền “.VN” trùng với tên công ty, nhãn hiệu đã được bảo hộ sẽ luôn có nguy cơ bị thu hồi?

Có thể trả lời ngay rằng đây là một quan niệm hoàn toàn sai. Để xét một tên miền có vi phạm về sở hữu trí tuệ hay vi phạm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh hay không, cần phải xem xét kỹ nội dung của website đi kèm theo tên miền.

Nhu cầu đăng ký trùng 1 tên miền của các chủ thể khác nhau là rất nhiều và đương nhiên ai đăng ký trước sẽ được quyền sử dụng trước. Vấn đề mấu chốt ở đây sẽ phải phụ thuộc vào việc chủ thể đăng ký được tên miền rồi sử dụng tên miền đó như thế nào? Nếu chủ thể sử dụng tên miền để lập website đăng tải các nội dung nói xấu sản phẩm dịch vụ của người khác, đăng tải thông tin bán hàng giả, hàng nhái… thì rõ ràng là vi phạm, không chỉ là vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ mà còn vi phạm cả về cạnh tranh không lành mạnh.

Trường hợp chủ thể chỉ đăng ký tên miền trùng tên công ty, trùng tên theo cách thể hiện phần chữ của một nhãn hiệu nào đó mà chưa đăng tải nội dung hoặc chỉ đăng tải các nội dung quảng bá cho công ty của mình, hay các nội dung khác theo sở thích của mình mà không liên quan đến nhãn hiệu đã được bảo hộ thì như tôi vừa trình bày, theo nguyên tắc ai đăng ký trước được quyền sử dụng trước rõ ràng là hợp lệ và không vi phạm.

Tên miền - Thương hiệu khi nào có tranh chấp? | Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân: Tên miền và sở hữu trí tuệ là 2 vấn đề hoàn toàn độc lập | Chuyển nhượng tên miền cũng giống như chuyển nhường quyền sử dụng đất

Đại diện VNNIC khuyến nghị, các doanh nghiệp cần bảo vệ giá trị thương hiệu của mình trên môi trường mạng bằng cách sớm đăng ký bảo vệ các tên miền có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Việc xem xét một tên miền có vi phạm hay không không thể nhìn nhận một cách cảm tính từ cái tên na ná giống nhau mà phải tuân thủ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Chủ thể đăng ký tên miền có thể hoàn toàn yên tâm rằng, tên miền mà mình đăng ký (kể cả đăng ký với mục đích để kinh doanh nhằm chuyển nhượng lại cho người khác) mà không đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin nói xấu sản phẩm dịch vụ của bên khác, không sử dụng để chào bán hàng giả, hàng nhái hay để làm công cụ thực hiện các hành vi gây mất an toàn mạng Internet thì sẽ được pháp luật bảo vệ và không ai có thể thu hồi.

Còn đương nhiên, nếu có vi phạm rõ về nội dung đăng tải thì sẽ phải bị xử lý theo khung pháp lý đã được quy định rõ tại Điều 5, Nghị định 72 ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, áp dụng chung cho cả tên miền quốc gia, lẫn tên miền quốc tế.

Đối với việc đăng ký tên miền quốc tế, chúng ta đã có quy định rõ tại Điều 19 Thông tư 24 ngày 18/8/2015 của Bộ TT&TT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Không có chuyện đăng ký tên miền quốc tế sẽ không có ai quản lý. Theo Thông tư 24, các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam khi có nhu cầu sử dụng tên miền quốc tế sẽ phải nộp đầy đủ bản khai thông tin và đăng ký tên miền thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.

Hiện tại hệ thống các doanh nghiệp này đảm bảo không độc quyền và đảm bảo có cạnh tranh về giá dịch vụ cho người sử dụng được hưởng lợi từ dịch vụ đăng ký. Việc này cũng giống như nhà nước không cấm mua xe nhập khẩu về Việt Nam, nhưng trước khi xe lăn bánh trên đường của Việt Nam thì bắt buộc phải đi đăng ký xe, được cấp biển số để quản lý ai là chủ sở hữu và chịu trách nhiệm quản lý chiếc xe đó theo quy định. Vì vậy các tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền quốc tế phải lưu ý, hoàn tất việc đăng ký thông tin bản khai này tại Nhà đăng ký tên miền quốc tế mà mình đã mua tên miền.

Vậy với trường hợp có tranh chấp, xin ông cho biết doanh nghiệp cần làm gì nếu họ muốn lấy lại tên miền liên quan đến đơn vị mình?

Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức muốn lấy lại quyền đăng ký sử dụng một tên miền mà tổ chức cho rằng mình có quyền lợi hợp pháp hơn, để tạo công bằng và bảo vệ quyền và lợi ích tối đa của các bên liên quan, hiện pháp luật quy định thực hiện thông qua việc giải quyết tranh chấp tên miền.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 76 Luật CNTT, các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” gồm: thông qua thương lượng, hòa giải; thông qua Trọng tài; và khởi kiện tại Tòa án. Các bên liên quan phải thống nhất để lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền phù hợp.

Với vai trò người đứng đầu cơ quan quản lý tên miền Internet tại Việt Nam, ông có lời khuyên gì với các doanh nghiệp khi họ chưa đăng ký tên miền về hoạt động công ty?

Các doanh nghiệp hãy bảo vệ giá trị thương hiệu của mình trên môi trường mạng bằng cách sớm đăng ký bảo vệ các tên miền có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình và thực hiện đăng ký “bao vây” đối với một số tên miền cần thiết để đảm bảo không bị các tổ chức, các nhân khác đăng ký, lợi dụng việc tên miền giống nhau để đăng tải các thông tin gây hiểu nhầm. Việc này sẽ tốn chi phí ít hơn nhiều lần so với việc phải đi giành lại tên miền có tranh chấp khi đã mất, và quan trọng là tránh những rắc rối không đáng có về sau.

Xin cảm ơn ông!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận