2 mặt của vị hoàng đế thác loạn, ngông cuồng khét tiếng Trung Quốc

2 mặt của vị hoàng đế thác loạn, ngông cuồng khét tiếng Trung Quốc

Vị hoàng đế này đã cho xây dựng hẳn một kỹ viện trong cung để ăn chơi trụy lạc.

Một trong những vị hoàng đế khét tiếng nhất triều đại nhà Minh của Trung Quốc chính là Minh Vũ Tông, hay còn gọi là Chính Đức Đế. Cầm quyền 16 năm, ông để lại tiếng xấu vì sự hoang dâm và nhiều sở thích kỳ quái. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng ông là một nhà cai trị có năng lực và quyết đoán.

Trụy lạc và ngông cuồng

Minh Vũ Tông, hay còn gọi là Chính Đức Đế.
Minh Vũ Tông, hay còn gọi là Chính Đức Đế, là một trong những hoàng đế khét tiếng nhất Trung Quốc.

Vũ Tông sinh ngày 26/10/1491, là con trai cả của hoàng đế Minh Hiếu Tông. Minh Vũ Tông được tôn làm thái tử ngay từ nhỏ vì cha không có phi tần. Thái tử được dạy dỗ một cách toàn diện và có thành tích xuất sắc. Rất nhiều quan chức thời đó dự đoán Vũ Tông sẽ trở thành hoàng đế nhân từ và tài giỏi như cha. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Vũ Tông lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Chính Đức và kết hôn ở tuổi 14. Khác với cha, Chính Đức Đế không quan tâm đến việc trị vì hay hoàng hậu được chỉ định của mình. Ông là người hoang dâm, sống xa hoa lãng phí, có nhiều hành động liều lĩnh, ngu ngốc và thiếu trách nhiệm, theo trang World Heritage Encyclopedia.

Nhiều khi, ông biến mất nhiều tháng khỏi cung điện của mình, có thể đi du lịch khắp đất nước hoặc chỉ ra khỏi Tử Cấm Thành. Trong khi bị thúc giục trở lại cung điện và tham gia bàn bạc vấn đề triều đình, ông thường làm ngơ tất cả kiến nghị của quan tướng.

Chính Đức Đế dần trở nên nổi tiếng vì các hành động trẻ con cũng như lạm dụng quyền lực. Ví dụ, ông cho làm một khu chợ trong cung điện, ra lệnh cho quan, binh lính và đầy tớ ăn mặc và hành động như người bán hàng. Trong khi đó, hoàng đế đóng giả làm thường dân. Bất kỳ người nào không muốn tham gia, đặc biệt là quan lại (những người coi đây là hành động xúc phạm), sẽ bị trừng phạt hoặc bãi nhiệm.

Hậu cung của hoàng đế đông cung tần mỹ nữ đến mức nhiều người đã chết đói vì không đủ đồ ăn.
Hậu cung của hoàng đế đông cung tần mỹ nữ đến mức nhiều người đã chết đói vì không đủ đồ ăn. (ảnh minh họa).

Hậu cung của ông đông cung tần mỹ nữ đến mức nhiều người đã chết đói vì không đủ đồ ăn. Người ta nói rằng ông thường xuyên lui tới các kỹ viện và thậm chí cho xây dựng cung điện mang tên Báo Phòng, nơi có tới hơn 200 gian nhỏ và mất tới 5 năm để xây. Ban đầu nơi đây dùng để chứa động vật như hổ báo. Sau đó nó trở thành nơi ở của các mỹ nữ để hoàng đế ăn chơi trụy lạc.

Chính Đức Đế rất thích người nước ngoài và đã mời nhiều người Hồi giáo làm cố vấn, hoạn quan.

Theo tác giả Bret Hinsch – người viết sách về quan hệ đồng tính trong các triều đại Trung Quốc, Chính Đức được tin là có quan hệ đồng tính với một nhà lãnh đạo Hồi giáo có tên là Sayyid Husain. Tuy nhiên không có bằng chứng về mối quan hệ này ở Trung Quốc.

Chính Đức Đế cũng có quan hệ với nhiều phụ nữ Hồi giáo, đặc biệt là con gái của các quan trong triều. Nhiều vũ công người Hồi giáo cũng được đưa đến cung điện để phục vụ ông. Ngoài ra, hoàng đế cũng thích phụ nữ Mông Cổ và Duy Ngô Nhĩ.

Theo các sử gia, một người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã lọt vào danh sách các phi tần yêu thích nhất của hoàng đế. Người này có họ Ma, được học bắn cung, cưỡi ngựa, hát, cũng như có thể nói nhiều thứ tiếng.

Cung điện Báo Phòng
Chính Đức Đế được cho là đã cho xây dựng cung điện mang tên Báo Phòng, nơi ở của các mỹ nữ để hoàng đế ăn chơi trụy lạc.

Vị hoàng đế quyết liệt

Bên cạnh nhiều “tính xấu”, Vũ Tông cũng được nhiều nhà sử học nhận định là một người quản lý giỏi. Mặc dù sống xa hoa và từ chối tham gia hầu hết các cuộc họp, ông tỏ ra có năng lực trong các quyết định và cách quản lý của mình. Dưới thời cai trị của Chính Đức, kinh tế tiếp tục phát triển, và người dân nhìn chung rất thịnh vượng.

Năm 1518, Chính Đức còn dẫn dắt một đoàn quân về phía bắc để đẩy lùi quân Mông Cổ. Ông đã gặp kẻ thù bên ngoài thành phố Yingzhou và đánh bại họ trong một trận chiến lớn. Một thời gian dài sau trận đánh này, quân Mông Cổ đã không dám xâm lược lần nào vào lãnh thổ nhà Minh.

Một năm sau, Chính Đức Đế tiếp tục dẫn đầu một cuộc viễn chinh đến tỉnh Giang Tây ở phía nam để dập tắt cuộc nổi dậy của Hoàng tử Ning, người đã hối lộ nhiều nhân vật quan trọng trong triều đình. Nhưng khi đến nơi, hoàng đế phát hiện cuộc nổi dậy đã được dẹp bởi quan chức địa phương. Bực bội vì không được dụng quân, hoàng đế cho thả Hoàng tử Ninh và bắt ông ta một lần nữa. Tháng 1 năm 1521, Chính Đức Đế cho xử tử Hoàng tử Ning ở Tống Châu.

Chính Đức Đế cũng được nhận định là rất quyết đoán khi xử hoạn quan biến chất. Thời đó, thống lĩnh đội ngũ gọi là "Bát hổ", bao gồm 8 thái giám lộng hành quyền lực nhất triều đình.

Lưu Cẩn khét tiếng vì việc lợi dụng hoàng đế trẻ để biển thủ số lượng lớn vàng bạc, lên tới hơn 16 triệu kg vàng bạc.

Có tin đồn cho rằng Lưu Cẩn định giết hoàng đế và cho cháu lên thừa kế. Chính Đức phát hiện điều này và cho hành quyết Lưu Cẩn vào năm 1510 bằng hình thức lăng trì. Theo sử sách Trung Quốc, án tử hình thi hành suốt ba ngày mới chấm dứt. Lưu Cẩn bị phanh thây bởi 3.357 nhát chém. Hoạn quan họ Lưu chết vào ngày thứ hai, khi bị chém 300-400 nhát.

Cái chết trẻ

Chính Đức Đế qua đời vào năm 1521 ở tuổi 29. Người ta nói rằng ông đã say rượu khi chèo thuyền trên hồ nước vào một ngày mùa thu năm 1520. Ông ngã khỏi thuyền, suýt chết đuối và được cứu. Tuy nhiên, ông qua đời vì nhiễm bệnh từ vùng nước này.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận