"Bão Mặt Trời xảy ra cuối tháng 9 chỉ là tin đồn phóng đại"

"Bão Mặt Trời xảy ra cuối tháng 9 chỉ là tin đồn phóng đại"

Chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn khẳng định, thông tin bão mặt trời khủng khiếp nhất thập kỷ sắp xảy ra vào cuối tháng 9 chỉ là tin đồn phóng đại và hoàn toàn sai sự thật.

Không chỉ có động đất hay siêu bão nhiệt đới, thời gian gần đây, các nhà khoa học trên thế giới còn cảnh báo về một hiện tượng thiên nhiên khác có thể gây ảnh hưởng lớn đến con người sắp xảy ra vào cuối tháng 9, đó là bão Mặt Trời.
Xung quanh thông tin khiến nhiều người lo ngại này, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam.
Bão Mặt Trời xảy ra cuối tháng 9 chỉ là tin đồn phóng đại
 Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
- Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng bão Mặt Trời sẽ xảy ra vào cuối tháng 9. Vậy thực hư thông tin này thế nào, thưa ông?
Hiện tượng bão Mặt Trời sẽ xảy ra vào cuối tháng 9 này chỉ là một tin đồn phóng đại và hoàn toàn sai sự thật. Mặt Trời đã xuất hiện một quầng lửa (solar flare) khá lớn và sáng vào hồi đầu tháng 9, đạt cực đại hôm 10/9.
Trong khoảng 10 ngày đấu tháng 9 này đã có khá nhiều vụ bùng sáng của những quầng lửa Mặt Trời, và tất nhiên điều đó cũng góp phần làm gió Mặt Trời mạnh thêm.
Tuy nhiên, hiệu ứng nó gây ra đối với Trái Đất là rất nhỏ và không ảnh hưởng đáng kể tới sinh hoạt của con người. Hiện tượng đó cũng đã kết thúc và theo tôi được biết thì hiện nay không có dự báo nào cho thấy có hiện tượng như vậy sẽ xảy ra trong tháng 9 này cũng như trong năm nay.
Những quầng lửa Mặt Trời xảy ra thường xuyên và mỗi năm đều có khá nhiều trong số đó được ghi nhận. Tuy nhiên những trường hợp đủ mạnh để gây ra sự phun trào nhật hoa và ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng ta thì không nhiều.
Nhưng theo tôi thấy thì chưa đến mức để được gọi là “bão” và chúng đều không gây ra tác động nào đáng lo ngại.
Bão Mặt Trời xảy ra cuối tháng 9 chỉ là tin đồn phóng đại
"Hiện nay, không có dự báo nào cho thấy có hiện tượng bão Mặt Trời xảy ra trong tháng 9 này cũng như trong năm nay." - ông Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.
- Vậy bão Mặt Trời xảy ra khi nào, thưa ông?
Bão Mặt Trời trên thực tế là sự bùng nổ bất thường của các hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời – một hiện tượng được gọi chính xác là sự phun trào nhật hoa (CME).
Những dòng hạt mang điện từ Mặt Trời thường ngày vẫn liên tục phóng vào không gian và va chạm với Trái Đất. Dòng hạt mang điện đó được gọi là gió Mặt Trời.
Thông thường chúng không gây ảnh hưởng gì tới chúng ta do Trái Đất có từ trường bao quanh làm lệch hướng chúng.
Còn bão Mặt Trời, hay sự phun trào nhật hoa trên thực tế là sự tăng cường độ đột ngột của gió Mặt Trời do hoạt động bất thường ở một khu vực nào đó trên Mặt Trời với sự xuất hiện của những quầng lửa hoặc các vết đen.
- Bão Mặt Trời gây ảnh hưởng thế nào tới Trái Đất, thưa ông?
Những vụ bùng nổ hoạt động ở một số khu vực của Mặt Trời thường gây ra những hiệu ứng từ ảnh hưởng tới sinh hoạt của con người ở Trái Đất. Thông thường các hạt mang điện trong gió Mặt Trời bị lệch hướng khi va chạm với từ trường của hành tinh chúng ta.
Nhưng đối với những vụ phun trào nhật hoa, các hạt đó được gia tốc đủ mạnh để một số hạt có thể xuyên qua từ trường và va chạm với Trái Đất. Việc đó có thể gây ra hư hại cho các vệ tinh nhân tạo, hệ thống điện và thông tin liên lạc, thậm chí khiến chúng ta – nhất là những ai đi máy bay vào thời điểm đó – bị phơi dưới các bức xạ không có lợi cho sức khỏe.
Mặc dù vậy, những lần mà sinh hoạt của con người bị ảnh hưởng thực sự đáng kể từ bão Mặt Trời không hề nhiều.
Thường thì những vụ phun trào nhật hoa nhỏ, thường dẫn tới những hiệu ứng chúng ta gọi là bão từ hay bão Mặt Trời chỉ gây ảnh hưởng ở mức độ thấp, chẳng hạn như làm gián đoạn sóng truyền hình, radio, điện thoại…, có ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng mức độ không đáng ngại.
- Gần đây, Việt Nam thường xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài. Sự nóng lên của Trái Đất cũng được các chuyên gia thời tiết liên tục cảnh báo. Liệu điều này có liên quan tới hiện tượng bão Mặt Trời không, thưa ông?
Hoạt động dạng này của Mặt Trời, như tôi đã nói, chỉ mang hiệu ứng từ, nên không có vai trò gì đáng kể trong sự biến đổi khí hậu của Trái Đất.
Sự biến động của thời tiết trong năm nay và cả những năm trước là do những biến đổi trong chính bản thân khí quyển Trái Đất vì cả lí do tự nhiên cũng như nhân tạo, không phải do hoạt động của Mặt Trời.
- Liệu chúng ta có thể ngăn chặn được bão Mặt Trời từ việc đưa ra dự báo sớm?
Hoạt động của Mặt Trời cùng tác động của nó là không thể ngăn cản được. Tuy nhiên nếu dự báo sớm, các cơ quan chức năng có thể sớm có kế hoạch bảo trì và sẵn sàng sửa chữa những hư hại về kỹ thuật mà hiện tượng này gây ra.
Trong những giai đoạn Mặt Trời đang hoạt động mạnh, người dân cũng nên hạn chế thời gian bị phơi quá lâu dưới ánh nắng và nếu có thể thì hạn chế việc di chuyển bằng máy bay.
Tắt thiết bị điện ngay sau khi sử dụng, tắt định vị vệ tinh, sạc sẵn tất cả điện thoại, máy tính và backup dữ liệu cũng là một cách để bảo vệ đồ dùng khi có những hoạt động đặc biệt mạnh của Mặt Trời.
Tuy nhiên, việc dự báo chính xác những hiện tượng trên Mặt Trời cần được hỗ trợ bởi những quan sát rất chi tiết từ các kính thiên văn hiện đại ở mặt đất cũng như ngoài không gian.
Với công nghệ hiện có của Việt Nam thì chúng ta không thể tự theo dõi và dự đoán được chính xác hoạt động của Mặt Trời.
- Ở nước ta, người ta còn quảng cáo về chiếc vòng đeo tay có xuất xứ từ Trung Quốc có thể chống được từ trường của bão Mặt Trời. Theo ông, những quảng cáo này có đáng tin cậy?
Các hạt mang điện từ Mặt Trời va chạm với mặt đất sẽ tác động tới toàn bộ những vùng được chiếu sáng. Do đó mỗi người muốn hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe thì nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Hiện tại, tôi thấy chưa có công nghệ nào có thể giúp con người tránh được những bức xạ đó chỉ bằng một chiếc vòng tay. Mặt khác những sản phẩm chưa được kiểm định chi tiết, lại có hiệu ứng từ sẽ không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kim Thược/VTC News

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận