Chất độc nhân tạo đã ngấm tới các sinh vật ở nơi sâu nhất của đại dương

Chất độc nhân tạo đã ngấm tới các sinh vật ở nơi sâu nhất của đại dương

Các sinh vật ở những vùng biển sâu nhất của đại dương, nơi tưởng chừng như nằm ngoài các tác động của con người, lại đang bị ô nhiểm bởi các chất độc nhân tạo ở mức độ cao.

Chất độc nhân tạo đã ngấm tới các sinh vật ở nơi sâu nhất của đại dương

Tôm Hirondella gigas vàng, một loài sống ở đáy đại dương đang bị nhiễm độc.

Theo Reuters, các nhà khoa học tới từ Đại học Aberdeen đã phát hiện thấy nhiều loài giáp xác nhỏ, như loài tôm Hirondella gigas vàng sống ở độ sâu 10.000 m dưới đáy Thái Bình Dương, đã bị nhiễm các chất độc nhân tạo như PCB và PBDE.

Được biết, PCB là một hợp chất hữu cơ nhân tạo đã từng được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện và ngành sơn, trong khi PBDE được sử dụng như một loại chất chống cháy. Cả hai chất này đều đã bị cấm sử dụng vì chứa độc tính và khó phân hủy trong môi trường. "Các chất ô nhiễm được tìm thấy ở mọi mẫu thử chúng tôi có được, bất kể độ sâu hay giống loài", Alan Jamieson, tác giả của báo cáo cho biết.

Các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu thử của các loài sinh vật ở hai nơi có độ sâu được coi là sâu nhất Thái Bình Dương là vực Mariana ở phía đông Philippine có độ sâu 11.033 m và vực Kermadec ở phía bắc New Zeland có độ sâu khoảng hơn 10.000 m.

Tại đây, họ đều đã bị sốc khi phát hiện ra mức độ cao ở của các chất độc nhân tạo ở một khu vực được đánh giá là nguyên sơ như đáy đại dương. Trong một mẫu thử, nồng độ PCB được tìm thấy ở một loài giáp xác cao hơn tới 50 lần so với loài cua ở một trong những con sông ô nhiễm nhất của Trung Quốc.

Việc này được cho là do rác thải công nghiệp hoặc xác của những con cá bị nhiễm độc trước đó đã bị chìm xuống đáy đại dương và trở thành thức ăn cho các sinh vật ở đây. Các chất độc được tìm thấy đều là các chất hữu cơ khó phân hủy nên đây thật sự là một điều đáng ngại cho môi trường ở đáy đại dương.

Vào năm 2001, hiệp ước Stockholm được kí kết giữa các Chính phủ đã đồng ý cấm việc sử dụng nhiều chất hữu cơ nhân tạo khó phân hủy , trong đó có PCB. PCB được cho là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cũng như tác động xấu lên hệ thống sinh sản cũng như miễn dịch của người và động vật.

Tới năm 2009, chất chống cháy PDBE đã được thêm vào và đưa danh sách cấm lên 26 chất. "Các chất hữu cơ khó phân hủy đang được tìm thấy ở khắp mọi nơi", Maria Witt, thư ký của hiệp ước cho biết. Vào tháng 4 này, hiệp ước sẽ tổ chức một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để quyết định xem có nên cho thêm hai chất hữu cơ khó phân hủy khác vào danh sách cấm hay không.

Không chỉ đáy đại dương, một vùng nguyên sơ khác của Trái Đất là Bắc Cực cũng đang bị ô nhiễm bởi các chất POP. Nhiều chất độc hữu cơ đã được tìm thấy trong các mô mỡ, thậm chí là sữa mẹ của người dân tộc Inuit sống ở Bắc Cực. Nguyên nhân được cho là do gió và dòng chảy đại dương đã đưa chất thải của các khu công nghiệp ở phía nam lên.

Nguyễn Long

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận