Chết đuối ngoài vũ trụ: Khoảnh khắc "tử thần" ngủ quên, ám ảnh phi hành gia trẻ suốt đời!

Chết đuối ngoài vũ trụ: Khoảnh khắc "tử thần" ngủ quên, ám ảnh phi hành gia trẻ suốt đời!

Sự cố trên Trạm Vũ trụ Quốc tế năm đó trở thành một trong những khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong lịch sử của ISS.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, năm 1992, Nga và Mỹ nhanh chóng bắt tay nhau thực hiện dự án vũ trụ có 1-0-2 trong lịch sử: Xây dựng một trạm không gian quy mô quốc tế ngoài quỹ đạo Trái Đất.

Với kinh phí lên đến 100 tỷ USD, Trạm Vũ trụ Quốc tế chính thức đi vào hoạt động năm 1998, đồng thời trở thành vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái Đất đắt đỏ nhất và lớn nhất trong lịch sử nhân loại tính cho đến nay.

20 năm sau khi ra đời, ISS đã đóng góp rất nhiều thành tựu vũ trụ có ích cho con người ở các lĩnh vực như khí tượng học, thiên văn học, vật lý, sinh học... nhằm tạo cơ sở khoa học phục vụ cho việc du lịch vũ trụ hoặc sinh sống ngoài vũ trụ của con người trong tương lai.

ISS là vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái Đất đắt đỏ nhất và lớn nhất trong lịch sử nhân loại tính cho đến nay
ISS là vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái Đất đắt đỏ nhất và lớn nhất trong lịch sử nhân loại tính cho đến nay.

Là một trạm không gian quốc tế nên ISS hiện là nơi sinh sống và làm việc của rất nhiều phi hành gia đến từ nhiều nước khác nhau, trong đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đóng vai trò rất lớn trong việc đưa - đón người lên ISS.

Cách mặt đất khoảng 400km, "ngôi nhà di động" nặng 465 tấn luôn ẩn chứa những hiểm họa mang tầm vũ trụ mà thế hệ các phi hành gia và NASA nói riêng luôn đề cao ý thức.

Chỉ mới xảy ra cách đây 5 năm, sự cố người Italia suýt tử nạn ngay trên chính trạm ISS trở thành một trong những khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong lịch sử NASA.

Một buổi sáng năm 2013 trên Tram vũ trụ Quốc tế

Chris Cassidy, phi hành gia NASA đồng thời là một lính đặc nhiệm của Hải quân Mỹ Navy SEAL, thức dậy vào buổi sáng thứ 43 của mình ngoài không gian. Việc đầu tiên anh làm là mở laptop để đọc báo cáo hàng ngày.

Trên màn hình, Chris Cassidy nhanh chóng nhận được báo cáo đột xuất từ trung tâm điều khiển: Xuất hiện sự cố bên ngoài trạm ISS.

Không phải là sự cố khẩn cấp nhưng Chris Cassidy tự nhủ trường hợp này phải được sửa chữa càng sớm càng tốt. Sau khi bàn bạc với 5 phi hành gia còn lại trong khoang phi hành (CAPCOM), Chris Cassidy quyết định đợi phi hành gia người Ý Luca Parmitano, người sắp lên ISS, cùng ra ngoài EVA (khu vực hoạt động ngoài không gian) để đánh giá và khắc phục vấn đề.

Là một kỹ sư hàng không trẻ tuổi tài năng thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), người có kinh nghiệm 4 năm ngoài không gian, đồng thời từng là cựu phi công chiến đấu thuộc Không quân Ý với 2.000 giờ bay trên 40 loại máy bay khác nhau và là một thợ lặn có kinh nghiệm, Luca Parmitano sớm có được thiện cảm từ Chris Cassidy.

Đó là lý do, người chỉ huy khoang CAPCOM quyết định cùng Luca Parmitano thực hiện sứ mệnh EVA lần này.

Khi Luca Parmitano "cập bến" thành công lên ISS, hai phi hành gia sớm tham gia luyện tập trước khi chính thức thực hiện sứ mệnh EVA đi bộ ngoài không gian để khắc phục sự cố bên ngoài ISS.

Những giây đếm ngược từ cõi chết

Một tuần sau, vào ngày 16/7/2013...

Sau khi chuẩn bị đầy đủ trang phục, Chris Cassidy và Luca Parmitano thực hiện nhiệm vụ đi bộ ra bên ngoài trạm ISS để khắc phục sự cố. Trong khi Chris Cassidy bám theo lan can thiết kế dọc theo trạm ISS đến khu vực nguồn cáp dữ liệu để sửa chữa phần chập mạch thì ở phía dưới, Luca Parmitano đang tiến đến khu vực đầu nối và đường ống dẫn bên ngoài một phần khung của trạm có tên là giàn Z1.

Cả hai đều hoàn thành nhiệm vụ nhanh 5 phút so với 45 phút dự kiến ngoài EVA. Khi Luca Parmitano chuyển đến khu vực khác của ISS để hàn các khe nứt xuất hiện ở mô-đun thì anh bỗng cảm thấy có chất lỏng ở sau gáy mình.

Lơ lửng ở độ cao cách mặt đất 400km, bên ngoài là khoảng không rộng lớn với đầy rẫy nguy hiểm mà chỉ một sơ suất dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến phi hành gia bỏ mạng cộng thêm cảm giác có điều không ổn đang diễn ra khiến Luca Parmitano buộc phải trấn tĩnh mình nhanh nhất có thể.

Luca Parmitano nhận định tình hình: Mũ bảo hộ của anh có một lỗ nhỏ phía sau, nơi oxy được vận chuyển từ balo phía sau. Và tất nhiên, thứ mà lỗ nhỏ đó vận chuyển không thể là nước!

Hiểu rõ bộ đồ phi hành, anh biết rõ rằng, nước được bơm chảy liên tục qua hệ thống làm mát trong bộ đồ anh đang mặc nhưng chất lỏng đó được bọc kín hoàn toàn, không thể có trường hợp nước rò rỉ và xuất hiện ở gáy anh thế này được.

Điều tồi tệ nhất đã xảy ra khi nước bắt đầu dâng cao dần trong mũ bảo hộ của Luca Parmitano. Ban đầu nước xâm nhập vào bộ phận micro gắn trong tai nghe của anh khiến cho việc liên lạc với trung tâm cũng như với Chris Cassidy bị gián đoạn. Lúc này, Luca Parmitano quyết định quay trở về khoang ISS.

Tuy nhiên, việc di chuyển tỉ lệ thuận với mực nước dâng lên trong mũ bảo hiểm của Luca Parmitano. Nước bắt đầu xâm chiếm mũi và mắt của người phi hành gia 36 tuổi.

Thay vì được hít thở nguồn oxy tinh khiết, Luca Parmitano lúc này cảm nhận nước xâm nhập cả vào phổi anh. Do mất tầm nhìn vì nước, anh buộc phải lần bám theo hệ thống dây cáp và lan can dọc ISS để trở về khoang.

Nước xâm chiếm tai, mũi rồi đến mắt anh.
Nước xâm chiếm tai, mũi rồi đến mắt anh. "Cái chết đến rồi sao?" - Anh nhủ thầm cay đắng. Ảnh minh họa.

Là một thợ lặn nhiều kinh nghiệm, Luca Parmitano có thể nhịn thở được trong vài phút, tuy nhiên, trong tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" này, từng khoảnh khắc có giá bằng chính tính mạng của người phi hành gia.

Khi Chris Cassidy nhận ra sự bất thường của đồng đội, anh đã cố gắng di chuyển đến bên Luca Parmitano để giải cứu. Tuy nhiên, bản năng sống mạnh mẽ cùng bộ óc còn đủ tỉnh táo của một Trung tá Không quân đã giúp anh chiến đấu đến phút cuối cùng với tử thần.

Cuối cùng, Luca Parmitano đã chạm tay được đến chốt gió. May mắn thay, Chris Cassidy cũng vừa đến, anh giúp đồng đội trở vào khoang và nhanh chóng giải thoát Luca Parmitano khỏi chiếc mũ bảo hộ kín đầy nước.

Tuy nhiên, do là môi trường không trọng lực nên mũi, tai của Luca Parmitano vẫn đầy nước. Nhờ kỹ năng cấp cứu của đồng đội khác trong khoang, cuối cùng Luca Parmitano đã sống sót và tỉnh táo trở lại.

"Cảm giác lúc đó thật khủng khiếp. Tôi chưa bao giờ từng trải qua thứ gì đó tương tự trong đời. Giống như người bị bịt mắt rồi di chuyển ở độ cao 400km, trong khi nước cứ thể ngập miệng, mũi và mắt bạn. Tôi nghĩ mình sẽ bất tỉnh và rồi chuyện tồi tệ nhất (là cái chết) sẽ xảy ra chẳng sớm thì muộn.

Đã có lúc tôi muốn mở mũ bảo hiểm ra. Tôi biết việc làm đó thật khủng khiếp, nó sẽ khiến tôi mất đi ý thức ngay lập tức. Thế nhưng, cảm giác chết chìm ngay trong chiếc mũ nhỏ thực sự là một trải nghiệm ám ảnh suốt đời." - Luca Parmitano kể lại sự kiện khủng khiếp trong đời vài ngày sau đó.

Phi hành gia người Ý Luca Parmitano
Phi hành gia người Ý Luca Parmitano.

"Sự bình tĩnh cao độ cùng bản lĩnh được tôi luyện của Luca Parmitano đã giúp anh thoát nạn trong gang tấc." - theo ghi chép báo cáo dày 222 trang của ban điều tra Mishap Investigation Board của NASA.

Sau sự cố vũ trụ mà NASA gọi là "trường hợp cực kỳ nghiêm trọng" và trở thành một trong những khoảnh khắc đáng sợ nhất trong lịch sử của ISS thì cơ quan này đã lập hẳn một ban nhằm điều tra nguyên nhân khiến nước rò rỉ vào mũ bảo hộ của phi hành gia người Ý Luca Parmitano.

Tuy nhiên, 6 tháng sau sứ mệnh EVA của Luca Parmitano và Chris Cassidy, các kỹ sư vũ trụ vẫn không xác định được chính xác nguyên nhân nước rò rỉ, mặc dù họ nhanh chóng phát hiện phần bị hỏng và tiến hành cải tiến cho bộ đồ phi hành gia về sau.

Các kỹ sư đã thêm một ống thở dự phòng trong chiếc mũ bảo hiểm của bộ quần áo phi hành để phòng sự cố nguy hiểm này xảy ra môt lần nữa.

Sự việc xảy ra trong sứ mệnh EVA của phi hành gia Luca Parmitano ngày 16/7/2013 trở thành một trong những khoảnh khắc kinh hoàng trong lịch sử của Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Không có ai bị tử nạn nhưng tai nạn này khiến cho nhiều thế hệ phi hành gia quốc tế ý thức cao độ về những mối nguy hiểm luôn rình rập ngoài không gian.

Đối với những nhà phi hành gia làm việc trên trạm ISS nói riêng, họ không chỉ tài giỏi, có kỹ năng sinh sống và làm việc ngoài vũ trụ cùng một ý chí và bản lĩnh cao độ, thứ họ luôn trang bị bên mình chính là tâm lý "có thể mất mạng bất cứ lúc nào ngoài "nghĩa địa" không gian rộng lớn!"

Mọi điều tồi tệ luôn có thể xảy ra - Đó là lý do người ta gọi những phi hành gia là người hùng vũ trụ!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận