Chúng ta có nên kiểm tra sức khỏe khi vẫn thấy "bình thường"?

Chúng ta có nên kiểm tra sức khỏe khi vẫn thấy "bình thường"?

Kiểm tra chứng cao huyết áp có thể cứu mạng người - nhưng các chuyên gia cho rằng nhiều xét nghiệm không cần thiết, chẳng hạn như việc chụp toàn bộ cơ thể, chỉ có thể tìm ra những vấn đề không cần điều trị. Vậy bạn nên kiểm tra những gì?

Hầu hết các hình thức kiểm tra sức khoẻ được thiết kế để phát hiện yếu tố, nguy cơ hoặc các dấu hiệu sớm của bệnh - hai căn bệnh phổ biến nhất là bệnh tim và ung thư. Một phần tư số người tử vong khi còn trẻ là do bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột qụy), và khoảng 50-80% trong số đó có thể phòng ngừa được. Vì vậy, việc kiểm tra giúp phát hiện bệnh sớm chắc chắn là một điều tốt.

Chúng ta có nên kiểm tra sức khỏe khi vẫn thấy bình thường?

Chúng ta có nên kiểm tra sức khỏe khi cơ thể vẫn hoàn toàn bình thường?

Tiến sĩ Matt Kearney, một bác sĩ gia đình và cũng là giám đốc về phòng ngừa bệnh tim mạch Mỹ, hoan nghênh xu hướng kiểm soát sức khoẻ của người dân, nhưng ông cũng cho biết có một thách thức là đánh giá những kiểm tra nào có thể gây hại nhiều hơn là lợi. "Chúng ta nên dân chủ hoá thông tin về y tế để mọi người có thể tiếp cận, bác sĩ cần phải cung cấp nhiều thông tin hơn và giúp người bệnh lựa chọn. Việc chụp toàn bộ cơ thể giúp trấn an mọi người rằng họ khỏe mạnh".

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cung cấp một đợt kiểm tra sức khoẻ mỗi 05 năm cho tất cả công dân trong độ tuổi từ 40 đến 74, để phát hiện các nguy cơ đột quỵ, tiểu đường, chứng sa sút trí nhớ, và bệnh tim, thận. Kearney cho biết có nhiều lý do rõ ràng cho các cuộc kiểm tra này, bất chấp những lời chỉ trích về sự lo lắng thái quá, sự lãng phí và thiếu bằng chứng về hiệu quả. "Chúng tôi chưa có bằng chứng về lợi ích lâu dài". Mặc dù các báo cáo ban đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, các xét nghiệm và can thiệp trong đợt kiểm tra của NHS đều dựa trên minh chứng cụ thể. Lựa chọn còn lại dĩ nhiên là không làm gì cả, tuy nhiên rõ ràng là có những đợt bùng phát các căn bệnh có thể phòng ngừa được, cho nên bây giờ chúng ta cần phải làm điều gì đó".

Nguy cơ nếu không được phát hiện sớm như bệnh cao huyết áp là rất lớn. Hiệp hội Tim Mạch Anh ước tính bảy triệu dân Anh đã không được chẩn đoán cao huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột qụy. Theo Kearney trong số 1,5 triệu người trưởng thành ở Anh đã kiểm tra sức khoẻ của NHS, cứ 27 người có 1 người bị phát hiện cao huyết áp mà họ không biết trước. Tất nhiên, bước tiếp theo là đảm bảo rằng, một khi phát hiện, họ sẽ được điều trị; 40% người bị chẩn đoán cao huyết áp không đạt được kết quả điều trị tối ưu. Việc phát hiện và điều trị tốt hơn có thể ngăn ngừa được khoảng 14.500 ca đột qụy và 9.710 ca đau tim ở Anh trong ba năm tới.

Các yếu tố nguy cơ mà việc kiểm tra thông thường có thể xác định là huyết áp cao, chế độ ăn uống không lành mạnh, cholesterol cao, béo phì, hút thuốc, rượu và ma túy, chức năng thận kém, thiếu tập thể dục và ô nhiễm không khí. Để đạt được mục tiêu này, Kearney muốn cuộc kiểm tra sức khoẻ tiêu chuẩn của NHS có mặt ở những nơi công cộng, chẳng hạn như các trung tâm giải trí hay mua sắm, các dược sĩ và một loạt các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ có mặt nếu các bài kiểm tra phát hiện vấn đề. Sau đó, sẽ có các chương trình tầm soát quốc gia để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, vú và ruột, hay phình động mạch chủ.

Nhưng nếu bạn quá trẻ hoặc quá già để kiểm tra NHS, hoặc thấy lo lắng nhưng mới được kiểm tra gần đây? Và với những bệnh hiếm hơn, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp hoặc u não thì sao? Những người này có nên thực hiện một cuộc kiểm tra MOT đầy đủ, chụp toàn bộ cơ thể, xét nghiệm máu, chức năng phổi và xét nghiệm tim? Và, có xét nghiệm dành riêng cho từng giới tính không - buồng trứng và vú cho phụ nữ, tinh hoàn và tuyến tiền liệt cho nam giới?

Trên thực tế, khi kiểm tra sức khỏe, nam giới thường được xét nghiệm máu để phát hiện các vấn đề về tuyến tiền liệt và được nói rằng kết quả có thể đánh giá dấu hiệu của bệnh ung thư. Tuy nhiên, giáo sư Timothy Wilt thuộc trường y của Đại học Minnesota nói ông không khuyên bệnh nhân làm việc này: "Ai cũng biết lợi ích là nhỏ nhưng có thể nguy cơ lại lớn". Hai thử nghiệm lớn cho thấy không có sự thuyên giảm trong tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt sau sàng lọc.

Ý tưởng về việc chụp toàn bộ cơ thể khá hấp dẫn; Oprah Winfrey khơi dậy cơn sốt 17 năm trước. Tuy nhiên, giáo sư Gilbert Welch của Viện Dartmouth ở Mỹ lại khá cảnh giác. Trong một nghiên cứu tiến hành trên hơn 1.000 người trung niên khỏe mạnh, việc quét toàn bộ cơ thể phát hiện ra trung bình 2,8 dấu hiệu bất thường. Hơn một phần ba trong số họ cần theo dõi. Welch nói: "Chụp quét có thể là nguyên nhân của một loạt các vấn đề có thể kết thúc bằng việc phải phẫu thuật. Mọi người cần nhận thức rõ về những gì họ đang thực hiện. Cơ thể con người có nhiều bất thường, hình ảnh hiện đại rất nhạy và chúng ta không biết làm thế nào để giải thích mọi thứ chúng ta thấy". Một nghiên cứu của Welch phát hiện ra rằng một số khu vực của Hoa Kỳ có tỷ lệ phẫu thuật cắt thận (phẫu thuật cắt bỏ thận) cao hơn – và thường không cần thiết . Ông nghĩ rằng hai vấn đề này có sự liên quan.

"Việc quét toàn bộ cơ thể có thể giống như mở chiếc hộp Pandora – đôi khi phát hiện ra những dấu hiệu lạ trên gan, phổi, tuyến thượng thận, tuyến giáp, buồng trứng, tuyến tụy và thận. Chúng tôi, các bác sĩ không chắc đó là gì, nên sẽ có xu hướng thực hiện kiểm tra - thường là lấy mô, có nghĩa là sẽ sử dụng kim và các thủ thuật phẫu thuật khác. Rất khó có thể biết người bệnh được lợi gì từ những việc này hay không, nhưng lại thật dễ dàng để nhìn thấy những tổn hại họ đã phải chịu đựng: sự lo lắng không cần thiết, các can thiệp phẫu thuật cũng không cần thiết".

Nhưng câu chuyện về những người khỏe mạnh bình thường nhưng khi đi khám não lại phát hiện mình mắc chứng phình mạch (mạch máu phình to, mỏng manh), cần được mổ để cắt bỏ và tránh nguy cơ đột quỵ thì sao? Chắc chắn đó là một thứ khiến bạn sẵn sàng chi tiền. Tuy nhiên, bác sĩ đa khoa Margaret McCartney chỉ ra rằng việc tăng cường kiểm tra xét nghiệm có thể không dẫn đến kết quả tốt hơn. Ví dụ điển hình là một chương trình sàng lọc hàng loạt đối với bệnh ung thư tuyến giáp ở Hàn Quốc phát hiện ra số ca mắc bệnh gấp 15 lần so với các thử nghiệm trước đó, nhưng không hề có sự cải thiện nào về tỷ lệ tử vong. Nếu mọi người được khám sàng lọc bệnh phình động mạch, khoảng 2% trong số đó thực sự mắc bệnh - nhưng bởi hầu hết họ sẽ không gặp vấn đề nghiêm trọng, nên việc can thiệp có thể làm hại nhiều hơn lợi.

McCartney nói: "Nếu một cuộc kiểm tra sàng lọc có mức chi phí hiệu quả, NHS sẽ làm việc đó". Bà cho rằng mọi người không được cung cấp đầy đủ thông tin về các mối nguy tiềm ẩn của một số xét nghiệm mang tính thương mại; căng thẳng và lo lắng, dương tính giả (khi một thử nghiệm cho thấy sự bất thường hóa ra là không có gì) và âm tính giả (khi một xét nghiệm được báo cáo là ổn, nhưng không phải như vậy). Các kết quả sai sẽ được giao lại cho NHS để giải quyết.

Tuy nhiên, Kearney nói rằng mọi người nên tự lựa chọn những gì họ muốn kiểm tra. Và bất kỳ ai có các triệu chứng mới, không giải thích được hay lo lắng bởi tiền sử gia đình về một tình trạng đặc biệt hoặc một mối lo ngại về sức khoẻ nào đó, đều nên gặp chuyên gia y tế, dù họ có tiến hành kiểm tra sức khoẻ hay không.

Nguyễn Huyền

Theo TheGuardian

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận