Con đường xưng đế ngoạn mục của Võ Tắc Thiên

Con đường xưng đế ngoạn mục của Võ Tắc Thiên

Để trở thành nữ hoàng đế duy nhất của lịch sử Trung Quốc, ngoài vẻ đẹp và tài năng tuyệt đỉnh trời ban, cuộc đời của Võ Tắc Thiên còn gắn liền với nhiều tình tiết quan trọng.

Ảnh minh họa: Võ Tắc Thiên năm 14 tuổi. Baike
Võ Tắc Thiên năm 14 tuổi. Ảnh minh họa: Fbbgongzuoshi.

Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Đường Thái Tông là một vị hoàng đế có tài nhưng Cao Tông, con trai của ông, chồng của Võ Tắc Thiên, lại là một kẻ vô dụng. Sau khi kế vị, Đường Cao Tông không có khả năng tự xử lý việc triều chính, tất cả đều dựa vào ông cậu, lúc bấy giờ là tể tướng Trưởng Tôn Vô Kỵ. Theo cuốn "Trên dưới 5.000 năm" của nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc Lâm Hàn Đạt và Tào Dư Chương, chỉ tới khi lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu, lịch sử triều Đường mới lại xuất hiện nhiều chi tiết đáng chú ý.

Võ Tắc Thiên vốn là một phi tần trong cung của Đường Thái Tông, bắt đầu hầu hạ vua từ năm 14 tuổi. Một lần, Đường Thái Tông dẫn các phi tần đi xem ngựa. Trong chuồng ngựa của vua có một chú ngựa rất khó thuần tên là "Sư tử thông", Thái Tông chỉ chú ngựa đó và nói đùa rằng: "Trong các ngươi ai có thể khống chế được nó không?" Các phi tần không một ai dám tiếp lời, chỉ có cô gái 14 tuổi Võ Mị Nương là dám đứng ra nói: "Thưa bệ hạ, thần có thể ạ!"

Thái Tông kinh ngạc nhìn Mị Nương và hỏi cô có phương pháp gì. Võ Mị Nương liền nói: "Chỉ cần đưa cho thần ba thứ: Thứ nhất là roi sắt, thứ hai là búa sắt, thứ ba là dao găm. Nếu nó mà không nghe lời thì dùng roi sắt quật nó, nếu không chịu thì dùng búa sắt đập vào đầu nó, nếu vẫn còn ngang ngạnh thì dùng dao găm cắt đứt cổ nó luôn." Đường Thái Tông nghe xong cười lớn. Thái Tông dù cảm thấy những lời của Mị Nương có chút trẻ con nhưng cũng rất tán dương sự dũng mãnh trong tính cách của cô.

Sau khi Đường Thái Tông băng hà, theo quy tắc trong cung, những phi tần như Võ Tắc Thiên phải sinh sống trong am ni cô. Đây đương nhiên là điều Võ Tắc Thiên không mong muốn. Nhưng khi còn ở vị trí Thái tử, Đường Cao Tông đã có tình cảm với Võ Tắc Thiên. Vì vậy, chỉ sau khi lên ngôi được hai năm, Cao Tông đã tìm cách đón Võ Tắc Thiên từ am ni cô ra và phong bà làm Chiêu Nghi.

Chẳng bao lâu sau, Cao Tông lại muốn phế truất Vương Hoàng hậu để đưa Tắc Thiên vào vị trí đứng đầu hậu cung. Sự kiện này đã bị rất nhiều lão thần trong triều phản đối, đặc biệt là cậu của Cao Tông là Trưởng Tôn Vô Kỵ.

Trước tình thế đó, Võ Mị Nương ở phía sau ngấm ngầm lôi kéo, thương lượng với một loạt đại thần để ủng hộ mình lên ngôi hoàng hậu. Do đó, có người đã nói với Cao Tông rằng: "Đây là việc nhà của Bệ hạ, người ngoài không có tư cách can thiệp". Những lời ngon ngọt của các đại thần đã giúp Cao Tông thêm quyết tâm, phế truất Vương Hoàng hậu đưa họ Võ lên ngôi.

Sau khi lên ngôi Hoàng hậu, Võ Tắc Thiên đã áp dụng nhiều thủ đoạn khiến những đại thần đã phản đối bà trước đó phải lần lượt giáng chức, từ chức, đến cả Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng bị ép buộc tự sát.

Từng bước tiếm quyền

Con duong xung de ngoan muc cua Vo Tac Thien hinh anh 1
Tạo hình Võ Tắc Thiên trong phim truyền hình. Ảnh minh họa: Baike.

Cao Tông là một hoàng đế bất tài vô dụng lại mang nhiều bệnh nặng, nhận thấy Võ Tắc Thiên tài năng, lại giỏi viết lách nên đã trao hết việc triều chính cho bà quản lý. Khi nắm được quyền trong tay, Võ Tắc Thiên dần dần không coi Cao Tông ra gì. Hoàng đế muốn làm việc gì nếu không được Võ Tắc Thiên đồng ý thì không thể thực hiện nổi.

Cao Tông trong lòng tức giận vô cùng, có lần đã thương lượng với tể tướng là Thượng Quan Nghị để khống chế sự lộng quyền của Tắc Thiên. Bản thân Thượng Quan Nghị vốn phản đối Võ Tắc Thiên nắm quyền nên đề xuất: "Bệ hạ đã thấy Hoàng hậu quá chuyên quyền, chi bằng phế luôn bà ta đi."

Cao Tông là kẻ không có chủ kiến, nghe Thượng Quan Nghị nói liền đồng ý ngay: "Được, vậy thì khanh giúp Trẫm thảo luôn một bức chiếu thư." Cuộc trao đổi giữa hai người đã bị tên thái giám, tai mắt của Võ Tắc Thiên, đứng đó nghe thấy nên bà đã nhanh chóng được mật báo.

Chờ cho Thượng Quan Nghị thảo xong bức chiếu thư cho vua Cao Tông thì Võ Hoàng hậu cũng kịp tới. Bà ta quắc mắt lớn tiếng quát hỏi Cao Tông: "Việc này là thế nào đây?"

Cao Tông nhìn thấy Võ Tắc Thiên thì sợ hãi như thỏ non gặp cọp. Ông ta cất bức chiếu thư vào trong ngăn bàn rồi lắp bắp trả lời: "Trẫm vốn không có ý này đâu, đây đều là Thượng Quan Nghị dạy Trẫm làm cả". Võ Tắc Thiên lập tức hạ lệnh giết chết Thượng Quan Nghị. Từ đó về sau, Đường Cao Tông thiết triều luôn có Võ Tắc Thiên ngồi cạnh giám sát, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều do hoàng hậu gật đầu mới có hiệu lực.

Quyết tâm làm Hoàng đế

Con duong xung de ngoan muc cua Vo Tac Thien hinh anh 2
Dân gian và các nhà chép sử cho rằng Võ hậu chính là hung thủ trong cái chết của 3 người con của bà. Ảnh minh họa: Baike.

Năm 683, Cao Tông băng hà. Võ Tắc Thiên lần lượt đưa hai con trai của mình lên ngôi hoàng đế nhưng hai vị vua này đều không vừa lòng bà. Bà tìm cách phế truất, đầu độc Trung Tông và giam lỏng Duệ Tông, để tự thiết triều với danh nghĩa Thái hậu. Cũng theo sử sách ghi chép lại, Võ Tắc Thiên được cho là đã lần lượt đầu độc, hãm hại ba đứa con của mình để nắm quyền và tiếm ngôi.

Sự kiện Võ Tắc Thiên lên làm Thái hậu để điều hành việc triều chính đã gây ra 3 cuộc binh biến của quần thần và hoàng thân quốc thích nhưng không lâu sau đều bị Võ Tắc Thiên đánh bại. Tuy ổn định được thiên hạ, nhưng Tắc Thiên không hài lòng với vị trí Thái hậu.

Khi đó có một vị hòa thượng đoán biết được tâm tư của thái hậu liền viết ra một bộ Kinh Phật giả rồi tặng lại Võ Tắc Thiên. Trong bộ Kinh đó có nói Võ Tắc Thiên vốn là Phật đầu thai thành người xuống trần gian. Phật tổ phái bà xuống trần chính là muốn để bà thay Hoàng đế nhà Đường thống trị thiên hạ.

Vài tháng sau, một viên quan tên Phó Du Nghệ liên kết với hơn 900 người ở khu vực Quan Trung cùng đưa tấu khẩn cầu Thái hậu kế vị xưng Đế. Võ Tắc Thiên một mặt từ chối, mặt khác thăng quan cho Phó Du Nghệ. Kết quả là người ủng hộ bà làm hoàng đế ngày một nhiều hơn, số lượng lên tới hơn 6 vạn người.

Tháng 9 năm 690, Võ Tắc Thiên đồng ý thực hiện lời khẩn cầu của quan lại và dân chúng, tự xưng là Hoàng đế thánh thần, đổi quốc hiệu thành Chu. Từ đó, Võ Tắc Thiên trở thành nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Con đường xưng đế ngoạn mục của Võ Tắc Thiên
Theo Zing

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận