Công trình đoạt Nobel Y học 2016 mở ra cách hiểu mới về nhiều tiến trình sinh lý

Công trình đoạt Nobel Y học 2016 mở ra cách hiểu mới về nhiều tiến trình sinh lý

Công trình nghiên cứu phát hiện ra cơ chế "tự thực" (Autophagy) của tế bào giúp Giáo sư Yoshinori Ohsumi đoạt Giải Nobel Y học 2016, mở ra cách hiểu mới về nhiều tiến trình sinh lý, như khả năng thích nghi với cơn đói hoặc phản ứng của cơ thể khi bị viêm nhiễm.

Công trình đoạt Nobel Y học 2016 mở ra cách hiểu mới về nhiều tiến trình sinh lý

Giáo sư Yoshinori Ohsumi trong cuộc họp báo tại Tokyo sau khi nhận thông báo về giải thưởng Nobel Y học 2016.

Tự thực (autophagy) là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Hi Lạp với thành tố auto (tự) và phagein (ăn, thực). Nhà khoa học Christian de Duve, người đoạt giải Nobel Y học 1974, là "cha đẻ" của từ "autophagy" khi đưa ra khái niệm này vào năm 1963. Qua quá trình nghiên cứu, Giáo sư Ohsumi xác định được 15 gen đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự thực.

Cơ chế tự thực là một cơ chế cơ bản của việc thoái hóa và tái tạo các thành phần của tế bào, hiểu đơn giản là cách các tế bào tái tạo các thành phần của chính mình. Cơ chế này được chú ý lần đầu vào những năm 1960 khi các nhà khoa học phát hiện tế bào có thể thải các thành phần của mình bằng cách đưa chúng vào một lớp màng tạo thành một bọng hình túi và vận chuyển túi này đến một trung tâm tái tạo bên trong tế bào.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Giáo sư Nhật Bản Ohsumi đã sử dụng men nở làm bánh để xác định các gen điều khiển quá trình "tự thực" và sau đó chứng minh rằng cơ chế này cũng hoạt động tương tự ở người. Đây là một quá trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn sự phát triển ung thư và chống lại các bệnh như tiểu đường.

Giới thiệu về những ứng dụng của công trình được vinh danh năm nay, Hội đồng Giải thưởng Nobel nhấn mạnh: "Những đột biến trong gen tự thực có thể gây ra bệnh tật và quá trình tự thực có liên quan đến một số tình trạng như ung thư, bệnh thần kinh".

Theo trang Nobel Prize, năm nay có 273 nhà khoa học được đề cử cho giải Nobel Y học. Theo tiêu chí của giải Nobel Y học, các công trình nghiên cứu đoạt giải phải có tầm quan trọng đặc biệt trong y học và khoa học đời sống, thay đổi các khuôn mẫu khoa học và đem lại lợi ích lớn cho con người.

Giáo sư Yoshinori Ohsumi, sinh năm 1945 tại Fukuoka (Nhật Bản). Ông lấy bằng tiến sĩ năm 1964 ở Đại học Tokyo. Sau ba năm rèn giũa tiếp tại ĐH Rockefeller ở New York (Mỹ), ông trở về Tokyo lập phòng thí nghiệm riêng. Từ năm 2009 đến nay, ông làm giáo sư ở Viện Công nghệ tại Tokyo. Ông Ohsumi là nhà khoa học thứ sáu sinh ra tại Nhật Bản đã đoạt giải Nobel Y học và là nhà khoa học Nhật Bản thứ 23 đoạt các giải Nobel danh tiếng.

Theo Báo Tin Tức

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận