"Cú đêm" có nguy cơ tử vong cao hơn người thường, và đó có lẽ là lỗi của xã hội!

"Cú đêm" có nguy cơ tử vong cao hơn người thường, và đó có lẽ là lỗi của xã hội!

Chẳng ai muốn trở thành một con "cú đêm", khi mà đó là một đặc tính sinh học, không phải là một lựa chọn. Nhưng không may là đặc tính sinh học này lại đi kèm những nguy cơ về sức khỏe như bệnh tim mạch, béo phì, rối loạn tâm lý và có tỉ lệ tử vong cao hơn 10% so với người thường!

Cú đêm có nguy cơ tử vong cao hơn người thường, và đó có lẽ là lỗi của xã hội!

Đó là kết quả của một nghiên cứu xuất bản gần đây trên tạp chí Chronobiology International, và được dẫn lại trên trang BusinessInsider.

Mỗi người đều có một đồng hồ sinh học, còn gọi là "loại thời sinh học" (chronotype) hay "nhịp sinh học" (circadian rhythm), quyết định khi nào chúng ta cảm thấy buồn ngủ và tỉnh ngủ nhất. Đây chính là thứ định nghĩa nên "cú đêm" - những người sống về đêm, "chim sâu" - những người sống về ngày, và những người nằm giữa hai nhóm đó. Nhịp điệu này cũng có những tác động lớn đến cách thức hoạt động của cơ thể chúng ta.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu 504.642 người có độ tuổi từ 37 đến 73 tại Anh, trong thời gian từ năm 2006 đến 2010, và sau đó tiếp tục theo dõi trong khoảng thời gian trung bình 6,5 năm tiếp theo.

Để phát hiện ra liệu những người tham gia là "chim sâu" hay "cú đêm", các nhà nghiên cứu đã hỏi trực tiếp để xem họ nghĩ mình có xu hướng hoặc chắc chắn thuộc nhóm nào, và nếu không thể quyết định, những người tham gia có thể chọn câu trả lời "không biết".

Việc hỏi trực tiếp mọi người về chronotype của họ được xem là phương thức hiệu quả để nghiên cứu đồng hồ sinh học, tương tự như phần lớn các bảng câu hỏi hoặc trò chơi trắc nghiệm mà các nhà nghiên cứu thường sử dụng để đoán được xu hướng đồng hồ sinh học của bạn vậy. Hầu hết mọi người đều biết rõ bản thân mình thuộc nhóm "chim sâu", "cú đêm", hay ở lưng chừng giữa hai nhóm.

Trong số 433.268 người đã trả lời câu hỏi và cung cấp các dữ liệu sức khỏe, 27% hoàn toàn thuộc nhóm "chim sâu", 35% là "chim sâu" vừa phải, 28% là "cú đêm" vừa phải, và 9% hoàn toàn thuộc nhóm "cú đêm".

Nhóm "cú đêm", ngoài nguy cơ tử vong cao hơn 10% còn dễ mắc phải nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác: nguy cơ rối loạn tâm thần cao hơn gấp đôi, nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 30%, nguy cơ mắc các bệnh thần kinh cao hơn 25%, nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa cao hơn 23%, và nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn 22%.

Cú đêm có nguy cơ tử vong cao hơn người thường, và đó có lẽ là lỗi của xã hội!

Những người trẻ tuổi chủ yếu là "cú đêm", và xu hướng này thay đổi theo thời gian

Tạo sao làm "cú đêm" lại có hại

Hầu hết các nhà nghiên cứu đồng ý rằng gen là yếu tố lớn nhất quyết định chronotype của một người (chiếm từ 21 đến 52%), liệu họ thiên về sống ban ngày hay ban đêm, và khả năng thói quen này thay đổi theo thời gian.

Phần lớn mọi người có thể thay đổi chronotype của họ theo một hướng nào đó, đặc biệt nếu lưu ý về việc tiếp xúc với ánh sáng. Nhưng nhìn chung, xu hướng "cú đêm" hay "chim sâu" vẫn giữ nguyên dù chúng ta cố thay đổi đến thế nào đi nữa.

Một trong những lý do chính mà các nhà nghiên cứu nghĩ những con "cú đêm" thường gặp phải các vấn đề sức khỏe là đồng hồ sinh học của họ không "ăn khớp" với xã hội.

Trong số nhiều lý do về mặt tiến hóa dẫn đến xu hướng "cú đêm", nhiều lý do không còn phù hợp với những đòi hỏi của thế giới công nghiệp hiện đại ngày nay. Mọi thứ, từ thời gian làm việc đến giờ ăn đều diễn ra vào các khoảng thời gian không phù hợp với "cú đêm" - các nhà nghiên cứu gọi đây là "say xã hội" (social jetlag). Thông thường, nếu mọi người thích đi ngủ muộn và dậy muộn trong những ngày không làm việc, có lẽ họ đang phần nào đó mắc phải hội chứng này.

Chính vì vậy, các tác giả của nghiên cứu đề xuất nên đưa ra những lịch trình làm việc linh động, phù hợp với những loại hình đồng hồ sinh học khác nhau để cải thiện sức khỏe con người, cũng như tăng năng suất lao động. Những người tuổi teen thường có xu hướng đi theo chronotype sau này (đồng hồ sinh học của họ thay đổi trong suốt cuộc đời, phần lớn teen là "cú đêm" và chuyển dần về "chim sâu" khi họ lớn lên), và nhiều nghiên cứu cũng cho thấy lùi thời gian vào lớp muộn hơn thường lệ có thể sẽ giúp cải thiện năng suất học tập.

Nếu cơ thể có dấu hiệu muốn nghỉ, hãy nghỉ ngơi để cải thiện sức khỏe, và cả cuộc sống lâu dài của bạn nữa.

Minh.T.T

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận