Cụ Rùa Hoàn Kiếm đang được bảo tồn như thế nào?

Cụ Rùa Hoàn Kiếm đang được bảo tồn như thế nào?

Hãy cùng Khoa học và Phát triển tìm hiểu công nghệ nhựa hóa đang giúp Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo tồn Cụ Rùa Hoàn Kiếm sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền cao.

Công nghệ hiện đại nhất hiện nay

Sau hơn 2 năm, cán bộ phòng chế tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang bước vào những công đoạn cuối cùng của việc chế tác tiêu bản Cụ Rùa Hoàn Kiếm.

PGS.TS Phan Kế Long, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, nhớ lại: “Ngày 19/1/2016, khi ấy tôi còn đang đi dự Hội thảo tại Nghệ An, Giám đốc Bảo tàng, anh Trung Minh là người trực tiếp tiếp nhận từ phía Sở KH&CN Hà Nội, và đưa Cụ Rùa về bảo quản tại phòng đông lạnh.

Sau cuộc họp khẩn về phương án bảo tồn, UBND TP Hà Nội đã quyết định lựa chọn phương pháp nhựa hóa, đây được coi là kỹ thuật hiện đại bậc nhất hiện nay, cho phép lưu giữ hình thái tiêu bản sống động như thật, kể cả những mô mềm như diềm, sụn.

Ngay trong hợp đồng giữa Thành phố Hà Nội với Bảo tàng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu là giữ nguyên toàn bộ da, xương, sụn của mẫu vật”.

Quy trình nhựa hóa (plastination) mẫu vật gồm 4 công đoạn chính: định hình, khử nước và lipid, ép thấm trong chân không, và làm cứng hóa. Các mô nước và lipid được thay thế bằng các polymer đặc biệt.

Ở bước định hình, mẫu vật được ngâm trong formaldehyde hoặc các dung dịch bảo quản khác giúp ngăn ngừa phân hủy mô. Đồng thời tạo hình mẫu vật, như phần nọng cằm, chi trên hoặc chi dưới duỗi dài, hoặc co lại v.v... sao cho sống động như thật.

Ở bước thứ hai, sau khi đã thực hiện những phẫu thuật cần thiết để xử lý mẫu, mẫu vật được đặt trong một bồn axeton. Trong điều kiện đóng băng, axeton rút ra toàn bộ nước và thế chỗ bên trong các tế bào.

Ở bước thứ ba, mẫu vật được đặt trong một bồn polymer lỏng, chẳng hạn như cao su silicon, polyester hoặc nhựa epoxy. Bằng cách tạo ra một môi trường chân không, axeton được đun sôi ở nhiệt độ thấp. Khi axeton bay hơi, các tế bào rỗng sẽ thẩm thấu chất lỏng polymer, trở thành để trở thành tế bào chứa đầy chất lỏng.

Ở bước thứ tư, polymer được làm cứng nhờ cách xử lý bằng khí, nhiệt hoặc ánh sáng cực tím.

Bảo đảm màu sắc và hình thái sống động như thật

Công nghệ nhựa hóa được bắt nguồn từ nhà khoa học Đức Gunther von Hagens, và đến nay, đã phát triển được ba trung tâm quốc tế về plastination ở Đức, Kyrgyzstan và Trung Quốc.

Phương pháp nhựa hóa được giới chuyên môn đánh giá là phương pháp hiện đại nhất trên thế giới, không những giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật mà còn giữ được cả xương.

Theo các chuyên gia, phương pháp hiện đại này giúp bảo quản mẫu vật sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền rất cao. Trong quá trình chế tác, nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó 1 loại nhựa đặc biệt thẩm thấu qua các tế bào, giúp giữ được nguyên hình dáng cấu trúc.

TS Phan Kế Long cho biết, loại nhựa dùng để bảo quản là bí quyết riêng của Đức, vì vậy Bảo tàng phải mời thêm hai chuyên gia bảo quản hàng đầu của Đức tham gia vào quá trình bảo tồn Cụ Rùa.

Sau khi hoàn tất quy trình nhựa hóa, Cụ Rùa sẽ được phun sơn bằng đầu phun đặc dụng, gồm 3 lớp: lớp phủ, lớp nền và lớp bao. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều tư liệu hình ảnh về Cụ Rùa khi còn sống, đảm bảo mô tả chi tiết và chính xác nhất về màu sắc cũng như dáng vẻ của Cụ Rùa.

Bảo tàng đã nhận được rất nhiều hỗ trợ và góp ý từ phía những cá nhân chuyên chụp ảnh và theo dõi, sưu tầm các hình ảnh về Cụ Rùa Hoàn Kiếm, như “nhà rùa học” Hà Đình Đức, nhà báo Hà Hồng - báo Nhân dân, ông Lưu Đức Ngò...

Nhờ những bức ảnh đó, chuyên gia người Đức đã có thể phác họa chính xác đến 98% thần thái của Cụ Rùa Hoàn Kiếm. Đặc biệt, những “ấn ký” riêng có của Cụ Rùa như cái bớt gồ lên giữa trán, hay vết lõm trên mai Cụ Rùa được giữ nguyên vẹn hoàn toàn.

Khi hoàn thiện, màu sắc và hình thái của cụ sẽ sống động như thật, PGS.TS Phan Kế Long khẳng định.

Mẫu vật độc đáo

Hai chuyên gia người Đức - ông Marco từ Bảo tàng Berlin, và ông Jugend từ Bảo tàng Erfurt - đều đánh giá Cụ Rùa là một trong những tiêu bản đặc biệt hiếm có.

Trong hơn 2 năm, hai chuyên gia đã có tất cả 5 chuyến bay sang Việt Nam, mỗi lần kéo dài vài tuần lễ để thực hiện những công đoạn quan trọng trong quy trình nhựa hóa cũng như việc chế tác Cụ Rùa Hoàn Kiếm.

Vị chuyên gia cho biết thêm, do đây là mẫu vật lớn (Cụ Rùa có chiều dài 2,08 m; rộng 1,08 m; nặng 169 kg) và được cho là biểu tượng của Hà Nội nên các công đoạn phục vụ việc chế tác được làm kỹ lưỡng, cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết. Dù đã có nhiều kinh nghiệm với các tiêu bản rùa, trăn, kỳ đà,... trước đây, nhưng Cụ Rùa Hoàn Kiếm là mẫu rùa to nhất mà hai chuyên gia từng thực hiện và thời gian chế tác vì vậy cũng bị kéo dài hơn so với dự kiến.

Trước những nghi hoặc về giới tính Cụ Rùa, PGS.TS Phan Kế Long khẳng định: “Cụ Rùa thuộc giống đực”.

Được biết, Cụ Rùa sẽ được hoàn thiện và bàn giao lại cho Thành phố Hà Nội vào Chủ Nhật, ngày 8/4/2018.

Sau đó, Thành phố Hà Nội sẽ có kế hoạch tiếp theo đối với việc lựa chọn địa điểm cũng như điều kiện bảo quản, trưng bày Cụ Rùa Hoàn Kiếm.


Cụ Rùa Đền Ngọc Sơn được tạo tiêu bản như thế nào?

Trước đó, “cụ” rùa trưng bày trong Đền Ngọc Sơn được bảo quản bằng phương pháp cổ truyền của Việt Nam, là tiêu bản khô, dân trong nghề gọi là “nhồi”. Đây là một nghề thủ công của đất Hà Thành và vẫn còn duy trì cho đến hiện nay.

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, thời gian ngắn, và chủ động về kỹ thuật.

Cụ Rùa Đền Ngọc Sơn do nghệ nhân làm tiêu bản khô Nguyễn Văn Ty (ngụ tại Hàng Bột) thực hiện. Việc phục dựng một tiêu bản thường trải qua một số công đoạn như: lột và xử lý da bằng thuốc thuộc da, dựng “bộ xương” bằng khung sắt, đắp bông tái sinh làm phần “thịt” và bọc bộ da cũ của mẫu vật lên.

Tuy nhiên, phương pháp này vấp phải 2 hạn chế lớn là trải qua thời gian, phần diềm mai bị co ngót, và tạo hình bề mặt mẫu vật bị biến dạng, xù vẩy.

Với rùa mai mềm hiện trưng bày ở Đền Ngọc Sơn, nghệ nhân làm tiêu bản đã cắt cụt hết dải thịt dài ở phía sau, cảm giác gần như tròn xoe. Tiêu bản này do đó đã phải làm lại, đắp thêm vật liệu khác tạo hình chỗ diềm thịt đó cách đây vài năm. Do vậy, hàng năm “cụ” Rùa Đền Ngọc Sơn đều phải thực hiện bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận