Cuộc cách mạng robot “rùa bò” sắp tăng tốc, và đây là 5 lý do vì sao (phần 2)

Cuộc cách mạng robot “rùa bò” sắp tăng tốc, và đây là 5 lý do vì sao (phần 2)

Vì sao chúng ta vẫn chưa có nhiều robot thông minh trong gia đình và các lĩnh vực khác như dự báo từ những năm 90 của thế kỷ 20? Mời bạn đọc tiếp tục tìm hiểu chủ đề này qua bài viết của CTO công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu Wipro Limited-K.R. Sanjiv trên Observer.

Cuộc cách mạng robot "rùa bò" sắp tăng tốc, và đây là 5 lý do vì sao

Robot có thể huỷ diệt cả nền văn minh của loài người 

Robot sẽ 'cướp' 5 triệu việc làm của con người vào 2020

Tại sao robot phải học cách lãng quên?

Tóm tắt phần 1: Thực trạng tiến bộ chậm chạp của ngành công nghiệp robot và vấn đề chi phí, nguyên nhân đầu tiên cản trở sự phát triển của ngành robot tiêu dùng 

Phần 2: 4 vấn đề nan giải còn lại của ngành robot tiêu dùng

Cuộc cách mạng robot “rùa bò” sắp tăng tốc, và đây là 5 lý do vì sao (phần 2)

Ảnh: Một triển lãm cách mạng robot tại bảo tàng khoa học và tự nhiên Denver ở Colorado, Mỹ (Ảnh: Denver Post) 

2. Các rào cản xã hội

Đầu tiên, các chương trình TV và phim ảnh như "Kẻ hủy diệt" (Terminator) đã dạy cho nhiều thế hệ rằng robot đang tích cực tìm cách hủy diệt loài người. Đó không phải là một khởi đầu tuyệt vời để nhân rộng niềm tin vào các trợ lý máy móc trong số đông.

Cuộc cách mạng robot “rùa bò” sắp tăng tốc, và đây là 5 lý do vì sao (phần 2)

Một số mối lo kiểu này đã được sửa chữa, nhưng một số ngày càng phi lý hơn. Ví dụ như, một số người cho rằng ngoại hình thô kệch bằng kim loại của các cỗ máy độc lập khiến họ cảm thấy không thoải mái, thậm chí sợ hãi chúng. Đó là một cảm giác hợp lý nhưng không phải là một lý do thật sự để trì hoãn các tiến bộ robot. Số khác lại có những mối lo nghiêm túc hơn về các vấn đề luân lý và đạo đức. Các xe tự lái sẽ phải ra quyết định nhanh chóng, và thỉnh thoảng chúng phải chọn lựa sự sống và cái chết cho ai đó.

Kể cả khi các loại máy mới giảm đáng kể số lượng người chết trên đường, nhiều người vẫn sẽ cảm thấy khó chịu khi đặt số phận mình vào tay những cỗ máy phi nhân.

3. Các quy định pháp luật và liên đoàn

Theo MIT Technology Review, ba quy luật về robot của Isaac Asimov ra đời năm 1942 lại không bao gồm những mối lo ngại về robot trong thời hiện đại.

Các xe tự lái đã đối mặt với những ánh nhìn chăm chú trong những khu vực như California, nơi mà các loại máy này được kiểm tra định kỳ bởi những gã khổng lồ công nghệ, nhưng còn các robot thông minh trong các bối cảnh khác, ví dụ như chiến tranh? Cựu tổng thống Barack Obama đã gặp phải nhiều sự chỉ trích về việc sử dụng máy bay tự lái ở Trung Đông. Luật pháp sẽ bắt đầu và kết thúc ỏ đâu khi các robot đạt được một số mức độ tự chủ nhất định?

Cuộc cách mạng robot “rùa bò” sắp tăng tốc, và đây là 5 lý do vì sao (phần 2)

Nói một cách thực tế và cấp bách hơn thì, làm cách nào để các liên đoàn thương mại bảo vệ công nhân của mình trước khả năng bị robot thay thế, và có bao nhiêu giới hạn mà các liên đoàn này được phép đặt ra cho công nghệ mới? Các liên đoàn phụ thuộc vào việc trả giá tập thể để chia sẻ lợi ích của những tiến bộ mới, nhưng một số liên đoàn đã tuyên bố phản đối bầt kỳ việc sử dụng công nghệ cao cấp nào của các ông chủ của họ. Khi robot ngày càng phổ biến hơn, những câu hỏi đúng và sai dạng này sẽ xuất hiện thường xuyên trong các cuộc nói chuyện về tuyển dụng.

4. Trách nhiệm

Liệu những chủ nhân của robot có phải chịu trách nhiệm về hành động của tài sản của họ? Theo một báo cáo, việc robot không chịu trách nhiệm sẽ không làm sụt giảm tỉ lệ tội phạm trong tương lai, nhưng nếu một người chủ cho biết robot hành động theo chỉ dẫn của mình thì ai là người có lỗi?

Các nhà khoa học đã tranh cãi dữ dội định nghĩa về ý thức của những cỗ máy phi nhân. Một số cho rằng ý thức là một sáng tạo đơn giản, được định nghĩa bằng khả năng chấp nhận thông tin mới và xử lý thông tin đó thành nhận thức và hành động. Số khác thì nói nhận thức là khả năng độc đáo tạo nên sự khác biệt tinh tế giữa con người và máy móc. Như vậy, định nghĩa về trách nhiệm robot sẽ buộc loài người phải định nghĩa lại ý nghĩa thật sự của khái niệm "là con người".

5. An ninh và sự riêng tư

Không giống như con người, robot có thể bị bẻ khóa. Các robot công nghiệp ngày nay tuân theo các phiên bản ba quy luật Asimov có điều chỉnh: đọc đầu vào vật lý một cách chính xác và sử dụng đầu vào đó để hành động, không khởi chạy các logic tự hại mình, và dĩ nhiên là không làm tổn thương con người. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó hack máy để loại bỏ một trong các quy luật này? Một hacker có thể phạm tội sát nhân bằng cách để cho robot làm hại một con người hoặc hủy diệt thiết bị giá trị bằng cách loại bỏ lệnh cấm tự hủy hoại.

Các thử nghiệm cũng chứng minh được rằng nhiều robot công nghiệp hoạt động dưới chế độ an ninh mạng yếu ớt. Chúng ta càng trao cho robot nhiều trách nhiệm thì hacker và những kẻ phá hủy an ninh khác càng có khả năng gây ra nhiều thiệt hại. Để giải quyết những mối lo ngại này, robot cần được trang bị những biện pháp an ninh khép kín, một loại tiến bộ mới cần thêm thời gian để phát triển.

Kết luận-một góc nhìn về tương lai robot

Với sự phong phú của Internet vạn vật, các cảm biến và sự trưởng thành ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo, tầm nhìn máy tính, một số trong các câu hỏi trên sẽ sớm có câu trả lời. Các robot công nghiệp đang có mặt trong các ngành bán lẻ, sản xuất, logistics; và robot trong các lĩnh vực còn lại sẽ sử dụng kinh nghiệm của những người đi đầu để định hướng con đường của mình. Theo một nghiên cứu của Loup Ventures, nhu cầu robot công nghiệp sẽ tăng gấp ba trong vòng chưa tới 10 năm nữa. Còn bao lâu nữa thì nhu cầu người tiêu dùng sẽ tăng trưởng cao hơn con số trên?

Khi robot trở thành một phần không thể thiếu trong cả cuộc sống gia đình và công việc, con người bị buộc phải trả lời một số câu hỏi khó. Tương lai sẽ tươi sáng hơn, nhưng trước khi tới được đó, chúng ta phải thừa nhận rằng robot sẽ đồng hành với chúng ta, và chúng ta cần có sự chuẩn bị.

Ba quy luật về robot của Isaac Asimov

Là 3 quy luật mà nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng người Mỹ Isaac Asimov (1920-1992) đưa ra trong truyện ngắn Runaround ra đời năm 1942 nói về robot. Ba quy luật này đã đặt nền móng cho công nghiệp phát triển robot sau đó.

Quy luật 1: Người máy không được phép làm hại con người hoặc để mặc cho con người bị hại.

Quy luật 2: Người máy phải tuân theo mệnh lệnh của con người, trừ khi lệnh đó xung đột với quy luật 1.

Quy luật 3: Người máy phải bảo vệ cho bản thân nó, miễn là sự tự vệ đó không xung đột với quy luật 1 hoặc quy luật 2.

Cuộc cách mạng robot “rùa bò” sắp tăng tốc, và đây là 5 lý do vì sao (phần 2)

(Ảnh: iStock)

Ba quy luật trên thoạt nghe rất đơn giản nhưng việc tuân thủ chúng một cách đúng đắn lại phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Có những tình huống buộc người máy phải động não rất nhiều, thậm chí phân vân trước quyết định của nó. Trong một thí nghiệm về khả năng thực hiện quy luật 1 của viện nghiên cứu robot Bristol (Anh), một robot đã vượt qua thử nghiệm ngăn cản một "người" (do robot khác đóng vai) có ý định tự tử bằng cách tự đâm đầu xuống hố. Tuy nhiên, khi có tới 2 người-robot cần cứu thì robot thí nghiệm bị rối vì không biết phải cứu ai trước, hoặc cố gắng cứu cả hai cùng lúc nhưng không thành. Tổng kết lại, có 14/33 lần thử mà robot mất quá nhiều thời gian để quyết định sẽ cứu ai nên bỏ qua cơ hội và không cứu được người-robot nào cả.

Thí nghiệm này rất có ý nghĩa trong ngành chế tạo robot, cũng như nền công nghiệp xe hơi tự lái. Ví dụ như trong tình huống xe đang chạy mà có người cố ý chặn đầu xe để tự tử, chiếc xe cần có phản ứng phù hợp để đảm bảo an toàn cho hành khách trong xe và cả người đang lao vào xe.

Linh Trần (Theo Observer)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận