Cuộc sống tại ngôi làng Hàn Quốc sát sườn Triều Tiên

Cuộc sống tại ngôi làng Hàn Quốc sát sườn Triều Tiên

Tuy gặp nhiều phiền toái như tiếng loa tuyên truyền 24/7, dân làng Taesung cũng được hưởng nhiều lợi ích khi sống sát Triều Tiên.

Quốc ca của Triều Tiên văng vẳng khắp các đồng lúa bao quanh ngôi làng Taesung, Hàn Quốc. Những âm thanh tuyên truyền phát 24/7 to đến nỗi những ngôi nhà ở làng này phải xây thêm tường dày để cách âm, theo CNN.

Còn được gọi là "làng Tự do", đây là khu dân cư duy nhất của Hàn Quốc nằm trong Khu Phi quân sự dài 258km và rộng 4km, chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc. Tại điểm gần nhất, ngôi làng này chỉ cách biên giới Triều Tiên hơn 450m.

Những ngôi nhà ở làng Taesung.
Những ngôi nhà ở làng Taesung. (Ảnh: CNN).

Căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang vào tháng trước sau khi Bình Nhưỡng đe dọa bắn 4 quả tên lửa vào gần lãnh thổ Guam của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Căng thẳng lại sục sôi khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu hôm 3/9.

Cho Young-sook, chủ một nhà hàng ở Taesung, là một trong 197 người Hàn Quốc sinh sống tại đây. Bà chuyển đến ngôi làng này cách đây 38 năm, sau khi kết hôn với một người đàn ông địa phương - cách duy nhất để được phép dọn đến định cư ở cộng đồng đặc biệt này.

Bà khá lo lắng về các căng thẳng. "Chúng tôi thấy tình hình đáng lo ngại. Chúng tôi khóa cửa vào ban đêm, điều trước đây chúng tôi không làm", bà Choo nói.

Làng Taesung nằm trong Khu Phi quân sự  liên Triều.
Làng Taesung nằm trong Khu Phi quân sự liên Triều. (Đồ họa: CNN).

Cuộc chiến tuyên truyền

Cuộc chiến tuyên truyền giữa hai miền Triều Tiên chưa bao giờ yên ả. Ngoài việc thiết lập dàn loa phóng thanh chĩa vào lãnh thổ của nhau, nhiều năm qua, hai nước cũng có cuộc cạnh tranh về độ cao của cột cờ. Triều Tiên đang thắng thế với cột cờ cao 165m - một trong những cột cờ cao nhất thế giới.

Nó được dựng ở làng Kijong của Triều Tiên ở DMZ. Người dân ở làng Taesung cho biết thỉnh thoảng họ thấy nhiều người đến làng Kijong nhưng không rõ họ là dân thường hay binh sĩ. Hàn Quốc cũng có hệ thống loa tuyên truyền nhằm vào Triều Tiên nhưng âm lượng không to bằng.

Taesung là một khu vực trồng lúa đã tồn tại qua nhiều thế hệ nhưng kể từ năm 1953, khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai nước riêng biệt, người dân ở ngôi làng này sống chung với mối đe dọa thường trực làm thay đổi mọi mặt đời sống của họ.

Nông dân ở đây cần binh sĩ Hàn Quốc hộ tống mỗi khi ra đồng vì chỉ cần lỡ đi quá một bước, họ có thể lạc vào lãnh thổ của Triều Tiên. Một dòng suối nằm giữa các cánh đồng lúa đánh dấu biên giới thực sự giữa hai nước.

Người dân phải tuân thủ lệnh giới nghiêm vào nửa đêm và nhà cửa của họ có thể bị binh sĩ kiểm tra hàng đêm. Họ cũng phải đi qua các chốt kiểm soát an ninh mỗi khi ra vào làng. Có một chiếc xe buýt đến đưa đón họ hai lần mỗi ngày.

Đây không phải là những biện pháp đề phòng vô ích vì từng xảy ra hai vụ binh sĩ Triều Tiên bắt người dân ở làng Taesung. Năm 1997, một người mẹ và con trai ở Taesung bị binh sĩ Triều Tiên bắt khi đi hái quả sồi. Họ được trả tự do 5 ngày sau đó. Năm 1975, một nông dân 20 tuổi cũng bị bắt. Triều Tiên nói rằng người này cố tình vượt biên để vào Triều Tiên nên hiện vẫn chưa trao trả.

Đi đôi với rủi ro, người dân sống ở Taesung cũng được hưởng nhiều lợi ích. Vì ngôi làng này được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc chứ không phải chính phủ Hàn Quốc, người dân có ít nhất 240 ngày một năm không phải đóng thuế và được miễn nghĩa vụ quân sự.

Ít người muốn phát biểu trước ống kính máy quay và một số người thậm chí không muốn trò chuyện với báo chí. Họ lo ngại bất cứ những gì họ nói hay làm có thể bị Triều Tiên hiểu lầm và sẽ đặt họ vào tình trạng bị chú ý mà không hề mong muốn.

"Chúng tôi chỉ tụ tập và xem tivi vì có nhiều tin tức liên quan đến căng thẳng với Triều Tiên. Chúng tôi cảm thấy hơi lo lắng vào thời điểm này", bà Cho nói.

Bên ngoài nhà hàng của Cho là hình ảnh nhắc nhở đến rủi ro thường trực mà dân làng đối mặt: một hầm trú bom trữ sẵn mặt nạ chống hơi độc và các nhu yếu phẩm trong tình huống khẩn cấp. Dân làng cũng thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập sơ tán.

Tuy nhiên, Cho không bao giờ có ý định rời Taesung. "Không giống những ngôi làng khác, thanh niên ở đây không bỏ đi, tinh thần cộng đồng cũng rất tốt. Đó là lý do tại sao tôi thích nơi này", Cho nói.

Lớp học thủ công trong trường tại làng Taesung.
Lớp học thủ công trong trường tại làng Taesung. (Ảnh: CNN).

"Khu kiến tạo ước mơ"

Làng Taesung cũng tự hào về một trường học tại đây. Ngôi trường có 12 giáo viên dạy 35 học sinh, được trang bị máy tính bảng đời mới, cơ sở vật chất tốt hơn các trường tiểu học và mẫu giáo trung bình ở Hàn Quốc

Ba kí tự DMZ được gắn trên bức tường của lớp học nhưng nó không phải là viết tắt của cụm từ Demilitarized zone (Khu Phi quân sự) mà là viết tắt của cụm từ Dream Making Zone (khu kiến tạo ước mơ)

Các học sinh ở đây quan tâm đến việc làm các túi vải nỉ hơn là lo lắng về nước hàng xóm. Khi được hỏi có cảm thấy lo sợ khi sống gần Triều Tiên không, có em nói sợ, có em nói không.

Hiệu trưởng Jin Young-jin cho biết các giáo viên không còn mô tả Triều Tiên là một nước xấu xa nữa.

"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất hai miền Triều Tiên. Nhiều học sinh hy vọng Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ thống nhất trong tương lai gần", Jin cho biết.

Những đứa trẻ ở đây hiểu rõ mối nguy hiểm nhưng điều này dường như không ảnh hưởng đến hy vọng và ước mơ của chúng.

Một tấm áp phích treo trên tường ghi những nghề nghiệp mà học sinh muốn theo đuổi khi chúng lớn lên. Ước muốn mà nhiều em chọn nhất là cầu thủ bóng chày, kế đến là cầu thủ bóng đá, y tá, kỹ sư, chỉ duy nhất một em muốn trở thành người lính.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận