Đại dương 'gánh giùm' nhân loại 1/2 nhiệt năng từ ấm lên toàn cầu

Đại dương 'gánh giùm' nhân loại 1/2 nhiệt năng từ ấm lên toàn cầu

Các nghiên cứu khoa học cho thấy đại dương đã hấp thu phần lớn lượng nhiệt nóng lên của hành tinh trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây.

Phân nửa nhiệt năng ấm lên toàn cầu nằm ở các đại dương gần 2 thập kỷ qua

Nhiệt độ của các đại dương đã tăng lên ngày càng nhiều do sự nóng lên của Trái Đất trong suốt 130 năm qua, trang Discovery dẫn nguồn từ một nghiên cứu của Mỹ. Sự hấp thu ngày càng nhiều này giữ cho môi trường sống của con người được mát mẻ trong suốt những năm qua. Nhưng về lâu về dài nó là một quả bom hẹn giờ có thể làm ảnh hưởng lớn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

"Chúng tôi ước tính rằng một nửa số nhiệt mà các đại dương trên thế giới hấp thu kể từ năm 1865 đã tích lũy tới 1997", một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Peter Gleckler của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore ở California cho biết.

1/3 lượng nhiệt hấp thu này gần đây được các nhà khoa học phát hiện ở độ sâu 700 mét , nơi ánh sáng mặt trời không thể chiếu tới. Điều này có thể giải thích một phần sự "gián đoạn" quá trình ấm lên của mặt nước biển giai đoạn cuối thế kỷ 20, nghiên cứu cho biết.

Một số người cũng cho rằng đây là một trong những nguyên nhân là suy giảm tốc độ ấm lên trên bình diện tổng thể. Trước đó, mặt nước được cho là hấp thu phần lớn lượng nhiệt được đưa lên bởi các đại dương. Vì sao tỷ lệ này thay đổi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng từ phía các nhà khoa học. Những công bố trên tạp chí Nature Climate Change của nghiên cứu này phần lớn dựa vào quá trình quan sát trên.

Các dữ liệu đầu tiên về vấn đề này bắt đầu được thu thập vào thế kỷ 19 bởi cuộc thám hiểm của tàu thám hiểm HMS Challenger, một bước đột phá khoa học của Hiệp hội Hoàng gia (Anh) và được cho là nền móng đầu tiên của ngành hải dương học hiện đại.

Theo các nhà khoa học, các đại dương vốn chiếm tới 2/3 bề mặt Trái Đất đã hấp thu hơn 90% lượng nhiệt dư thừa tạo ra do hiệu ứng nhà kính. Điều may mắn cho nhân loại là nó giúp cho bề mặt hành tinh chúng ta nóng ít hơn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục nó sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng trong tương lai. John Shepherd, một nhà nghiên cứu của ĐH Southampton thuộc Trung tâm Hải dương học Quốc gia (Anh), cho biết tình trạng này có một số lợi ích trước mắt nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ về lâu về dài.

Nếu lượng nhiệt vẫn tiếp tục tích trữ trong đại dương thì môi trường biển và hoàn lưu khí quyển sẽ bị ảnh hưởng, sự cân bằng thời tiết sẽ bị phá vỡ.

Nếu lượng nhiệt dự trữ trong lòng đại dương được phóng thích trở lại vào bầu khí quyển, Trái đất sẽ tiếp tục nóng lên và có thể ảnh hưởng đến tầng khí quyển cao hơn. Với tốc độ hiện nay, Trái Đất sẽ nóng thêm 3 độ C nữa vào cuối thế kỷ này.

Matt Palmer, một nhà khoa học khí hậu tại Văn phòng Met (Anh) cho biết: "Nghiên cứu cho thấy các dấu hiệu biến đổi khí hậu tăng cường theo thời gian và những nguyên nhân này đang tiềm ẩn trong đại dương". Vì vậy, việc tạm ngừng nóng lên của hành tinh chỉ là một hiện tượng nhất thời. Bởi vì CO2, nguyên nhân chính gây nóng toàn cầu, vẫn tồn tại tới hàng thế kỷ trong khí quyển. Các đại dương vẫn tiếp tục nóng lên kể cả khi con người ngừng phát thải thêm khí này vào không khí.

Bên cạnh nhiệt lượng, các đại dương cũng là một nơi lưu trữ CO2, góp phần làm cho nước biển có tính acid cao hơn khi nó kết hợp với H2O. Theo ghi nhận, độ acid của nước biển đã tăng tới 25% so với thời điểm bắt đầu Kỷ nguyên Công nghiệp. 

Việc acid hoá đại dương hiện ở mức cao nhất trong vòng 300 triệu năm đã tàn phá nặng nề các rạn san hô và có thể gây ra hậu quả nặng nề cho các loài sinh vật biển khác.

Minh Trung

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận