Gấu trúc: Sứ giả ngoại giao độc đáo của Trung Quốc

Gấu trúc: Sứ giả ngoại giao độc đáo của Trung Quốc

Gấu trúc chưa từng thất bại trong vai trò đại sứ thiện chí của Trung Quốc. Chúng chiếm trọn trái tim hàng nghìn người và giúp nâng cao vị thế quê hương.

Những con gấu trúc đáng yêu lại một lần nữa được chú ý khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/7 cùng dự khánh thành Panda Garden (Vườn Gấu trúc) ở Sở thú Berlin (Đức).
Đó là ngày đánh dấu sự ra mắt của hai con gấu trúc sinh ra tại Thành Đô, Meng Meng, 4 tuổi, và Jiao Qing, 7 tuổi. Cặp gấu đã tới sở thú từ ngày 24/6, bắt đầu kỳ nghỉ dài tại đây, nâng số gấu trúc khổng lồ Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài lên con số 48.
Cơn sốt gấu trúc đã được nhen lên trong lòng thủ đô nước Đức từ nhiều tuần nay. Lễ chào đón tưng bừng được truyền hình trực tiếp và hàng triệu người đã dán mắt vào vô tuyến chỉ để xem Meng Meng và Jiao Qing bò quanh, gặm mía.
Gau truc: Su gia ngoai giao doc dao cua Trung Quoc
 Hsing Hsing and Ling Ling là hai chú gấu thế hệ "F2" tại vườn thú bang Washington, Mỹ. Ảnh: Getty.
Từ nhiều thập niên qua, gấu trúc, với vai trò sứ giả hữu nghị của Trung Quốc, đã có cho mình một lượng "fan" đông đảo. Những "quốc bảo" này đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc và là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của cường quốc này.
1957-1982: Sứ giả ngoại giao
Sớm nhận ra "cơn sốt gấu trúc" tại phương Tây, vào năm 1941, chính phủ của Tưởng Giới Thạch đã tặng Mỹ hai con gấu trúc nhằm cảm ơn sự viện trợ từ nước này. Đây chính là sự kiện mở màn cho mô hình “ngoại giao gấu trúc”.
"Ngoại giao gấu trúc" được coi là chính thức bắt đầu vào 1957, khi Trung Quốc tặng Liên Xô một con gấu trúc lớn, xem như "quốc lễ". Ping Ping tội nghiệp đã không trụ được qua năm thứ 4 tại Moscow do khí hậu khắc nghiệt.
Con gấu trúc lớn lần đầu tiên thu hút sự chú ý của toàn thế giới vào 1972. Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố "cử" Lin Lin và Xing Xing tới Mỹ sau chuyến thăm "phá băng" mối quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon.
Ngày 20/4/1972, hơn 8.000 người Mỹ đội mưa chứng kiến màn ra mắt của hai chú gấu trúc tại Vườn thú quốc gia Washington. Trong một tháng đầu kể từ ngày đặt chân đến vườn thú, Lin Lin và Xing Xing thu hút một triệu lượt ghé thăm.
Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục gửi gấu trúc tới Nhật Bản, Pháp, Đức và Anh. Chúng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương.
Tình trạng của gấu trúc được gửi đi làm quốc lễ đã gây đau đầu cho chính phủ, bởi rất nhiều trong số chúng phải hứng chịu bệnh tật và chết ngay từ khi còn nhỏ. Từ 1957 đến 1982, 23 chú gấu trúc khổng lồ đã "hạ cánh" xuống 9 quốc gia. Không một lần "hồi hương", tất cả số gấu trúc đó đều qua đời nơi xứ người.
1984-1994: Nguồn thu thương mại
Đến thập niên 1980, số lượng gấu trúc trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, Trung Quốc phải ngừng việc tặng loài vật này cho nước ngoài. Thay vào đó là phương án "cho thuê" gấu trúc được thực hiện từ 1984.
Chính phủ nước ngoài sẽ trả tiền cho sự hiện diện của gấu trúc tại quốc gia mình trong một thời gian ngắn. Vai trò của gấu trúc từ đây chuyển thành nguồn thu hút giá trị thương mại.
Trong giai đoạn 1984-1988, hàng chục thành phố Bắc Mỹ đã ký hợp đồng "thuê" gấu trúc Trung Quốc. Cứ mỗi 3 tháng gấu trúc ở Mỹ mang về cho cường quốc châu Á hàng triệu USD. Gấu trúc lại một lần nữa chứng tỏ giá trị của mình, lần này là trong lĩnh vực thương mại.
Tuy vậy, việc thường xuyên "tham dự" các sự kiện ở nước ngoài khiến quá trình sinh sản của gấu trúc lớn chậm lại.
Trung Quốc cũng gặp nhiều chỉ trích trong việc huấn luyện loài vật này cho các chương trình mang tính giải trí hơn.
1994-nay: Cầu nối hợp tác
Dự án "hợp tác cùng chăn nuôi" gấu trúc ra đời vào 1994, thay thế chương trình cho thuê. Các quốc gia lại được “thuê” gấu trúc dưới một hình thức mới, trong thời gian 10 năm với mức phí 10 triệu đôla.
Trong bước đầu tiên của dự án, hai gấu trúc khổng lồ được gửi đến Nhật Bản, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Hiệu quả dự án đã được ghi nhận tích cực, bởi loại hình hợp tác này mang lại nhiều lợi ích cho công tác nghiên cứu gấu trúc lớn.
Mei Lun, Mei Huan và Bao Bao là nhân tố chủ chốt trong dự án hợp tác nuôi gấu trúc Trung - Mỹ kéo dài từ 2000 đến 2010. Theo thỏa thuận, con cái của 3 con gấu này đều được sinh ra ở Mỹ và chuyển về sống ở Trung Quốc từ năm 4 tuổi.
Giờ đây, 4 vườn thú ở Washington, Atlanta, Memphis và San Diego đều là vườn ươm giống của gấu trúc.
Gau truc: Su gia ngoai giao doc dao cua Trung Quoc-Hinh-2
 Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên Jia Panpan và Jia Yueyue, hai con của gấu mẹ Er Shun mà Trung Quốc đã cho vườn thú Toronto (Canada) "thuê". Ảnh: macleans.ca.
Trung Quốc đã xây dựng dự án hợp tác dài hơi cùng 14 nước, hiện là nơi sinh sống của 48 con gấu trúc lớn.
Trong suốt nhiều thập kỷ, gấu trúc lớn Trung Quốc không ngừng nhận được sự ngưỡng mộ trên toàn thế giới. Chúng chính là những đại sứ ngoại giao thành công nhất của quốc gia này.
Gần 80 năm kể từ lần "xuất cảnh" chính thức đầu tiên, cơn sốt gấu trúc Trung Quốc chưa hề giảm nhiệt.
Những chuyến "về quê" của các "bé" gấu có thể khiến người Mỹ buồn bã, nhưng chúng sẽ lại tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người dân khắp địa cầu.
Theo Hạ Hoa/Zing

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận