Giải mã đám mây hình đĩa bay ở Sầm Sơn và những cảnh báo

Giải mã đám mây hình đĩa bay ở Sầm Sơn và những cảnh báo

Theo đánh giá Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đám mây hình đĩa bay thường kéo theo nhiều hiện tượng nguy hiểm.

Ngày 7/8, Ths Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo khí tượng, Đài KTTV Nam bộ cho biết đã xem những hình ảnh người dân chụp lại đám mây hình đĩa bay ở biển Sầm Sơn, Thanh Hóa vào ngày 3/8.

Qua kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành, ông Quyết đánh giá đây là đám mây bình thường và thường xảy ra ở Việt Nam. Sở dĩ lâu nay người dân không nhận ra do không gian quan sát hạn hẹp, bị che khuất bởi cây cao, mái nhà.

Giải mã đám mây hình đĩa bay ở Sầm Sơn và những cảnh báo

Đám mây được nhận định là hiện tượng lạ, hiếm gặp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

"Trường hợp mây hình đĩa bay là do người quan sát có thể đang đứng trên bãi biển nên tầm quan sát rộng, thấy được hết từ chân mây đến đỉnh mây nên chụp được khoảnh khắc như vậy. Trong khí tượng, đám mây này thường phát triển rất nhanh, do không khí xung quanh đó có sự bất ổn định rất lớn, mây đối lưu. Lúc đó nguồn năng lượng ẩm trong đám mây còn lớn, đám mây sẽ tạo nên sự "bùng nổ dòng giáng – downdraft", ông Quyết phân tích.

Vị cán bộ Đài KTTV khu vực Nam bộ cảnh báo phía dưới đám mây như vậy thường sinh ra các hiện tượng thời tiết rất nguy hiểm như vòi rồng, mưa đá, giông sét ... rất mạnh, gió giật mạnh đột ngột, nhiều khi làm gãy đổ cả một mảng rừng hàng chục ha... Hiện tượng mây như trên xuất hiện rất nhanh và cũng tan rất nhanh.

Trả lời câu hỏi liệu những đám mây kỳ lạ này từng xảy ra TP HCM hay chưa, ông Quyết cho rằng TP vào mùa mưa ngoài chịu tác động bởi yếu tố nhiệt lực, động lực còn bị tác động cộng hưởng bởi hơi nóng từ các tòa nhà cao tầng, hơi nóng từ các lò của nhà hàng, khách sạn, phương tiện giao thông...ta gọi chung là hiệu ứng đô thị.

Chính vì vậy không khí trên cao luôn có sự bất ổn định lớn, rất dễ hình thành những đám mây đối lưu mạnh, ngay sau đó là dòng giáng... Đó chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng tố lốc làm bật gốc một số cây cổ thụ trên đường mà ta thường thấy.

Do nguồn năng lượng không đủ mạnh để tạo ra những vùng "bùng nổ dòng giáng" nên nó chỉ ở quy mô một vài chục mét vuông trong nội thành.

Do sự xuất hiện rồi tan rất nhanh nên ít khi ta chú ý và phát hiện thấy. Hiện tượng mây đen khổng lồ, sau đó xuất hiện giông sét, tố lốc thậm chí mưa đá thường xảy ra vào thời điểm đầu mùa mưa (cuối tháng 4) hoặc cuối mùa mưa (nửa cuối tháng 11).

Cũng theo ông Quyết, về lý thuyết thì hiện tượng vòi rồng hoàn toàn có thể xảy ra ở TP HCM. Tuy nhiên kiểm tra lại số liệu quan trắc trong khoảng 20 năm gần đây thì chưa thấy ghi nhận quan trắc được vòi rồng.

Theo Người Lao Động

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận