Huyền thoại cọp dữ U Minh

Huyền thoại cọp dữ U Minh

Là vùng đất tận cùng Tổ quốc, nhắc đến Cà Mau, người ta sẽ liên tưởng ngay hình ảnh rừng tràm U Minh Hạ. Sau gần 300 năm được khẩn hoang, nơi đây đã tồn lưu nhiều chuyện kỳ bí thời mở cõi, đặc biệt là những truyền lưu về cọp U Minh.

Dưới sông sấu lội - trên rừng cọp đua

Cà Mau trong buổi đầu khẩn hoang là vùng đất âm u nhiều chướng khí. Thuở ấy đất rừng mênh mông chưa người khai phá nên cọp beo, rắn rết, chim muông, ong mật đi lại nghênh ngang, dưới sông thì rùa, cá sấu nổi đầu lên như bè củi.

Sinh ra và lớn lên tại U Minh, anh Nguyễn Phước Hải, giáo viên Trường Tiểu học Tân Xuân, huyện Thới Bình thả hồn về quá khứ: “Rừng U Minh nằm ở cực Tây Nam Bộ, giữa hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang với diện tích gần 2.000km2. Hồi đó, động vật rừng ở U Minh nhiều vô kể. Nhiều đến độ đám hậu nhân của bác Ba Phi nằm lòng mấy mẩu chuyện nói dóc như rùa kết bè kéo thuyền đi nhanh hơn xuồng máy, hay chuyện cây tràm cao tới nỗi bác Ba rơi từ ngọn xuống gốc mất bảy ngày bảy đêm...”.

Nói về mãnh thú đặc trưng ở U Minh Hạ, cá sấu và cọp là hai loài được anh Hải nhắc đến nhiều nhất: “Dân gian xưa đã có câu “xuống sông hốt trứng cá sấu, lên bờ xỉa răng cọp”, hoặc thành ngữ “hùm tha, sấu bắt” là để ám chỉ sự nguy hiểm của hai loài này”. Là dân U Minh chính gốc, nói về cọp, bà Nguyễn Thị Điều, nguyên Chủ tịch hội Phụ nữ xã Tân Phú, hào hứng: “Dân U Minh gọi hổ là “hùm”, “ông hùm”, hay “ông ba mươi”. Thậm chí có nơi còn lập miếu, tôn “ông hùm” làm hương cả. Ngày trước, cọp nhiều và dữ đến độ ai nghe đến cũng run sợ”.

Lúc bấy giờ, các vùng dân cư còn thưa thớt, địa bàn rừng núi hầu hết đều do cọp chiếm giữ. Rừng nào cọp nấy, mỗi con cọp có một địa bàn hoạt động nhất định mà những con khác không được xâm phạm. Chính vì thế mà cọp là loài thú rất quyết tâm bám giữ địa bàn sinh sống của mình dù có phải chạm trán với con người.

Ngày trước cọp nhiều bao nhiêu thì nay hiếm bấy nhiêu.
Ngày trước cọp nhiều bao nhiêu thì nay hiếm bấy nhiêu.

Ám ảnh nạn cọp vồ...

Thời Tây đánh chiếm, dân miệt trên xuống khai khẩn U Minh ngày càng đông. Đất đồng bằng không đủ chỗ nên người ta tiến dần về phía rừng rậm. Lúc ấy, người và cọp dường như sống gần sát nhau nên những tai họa đáng tiếc xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nhiều người đi vào rừng ăn ong thì bị cọp bất thình lình vồ chết mất xác. Những người làm giao liên, đưa thư thời ấy cũng không thoát khỏi số phận “chết không toàn thây” vì bị “hùm tha, sấu bắt”.

Ông Tư Thắng, người dân cố cựu ở vùng, kể chuyện: “Hồi còn để chỏm, tui nghe ông bà kể lúc mới về xứ này, người dân không dám vào rừng cất nhà mà chỉ dựng ở những vàm rạch nhỏ rồi làm rào chắn cẩn thận xung quanh đề phòng “ông ba mươi”. Thế nhưng, có những hôm trời mới nhá nhem mà “ông” đã mon men tới gần các chòi lá bắt trộm heo, gà, vịt...”.

Dạo ấy ở miệt Lung Tràm có một con cọp già dân làng gọi là “ông Vằn”, một con cọp đực to lớn có trọng lượng gần 200kg, lông màu vàng sậm đan xen những vệt đen. Bao lần người trong làng đã đặt bẫy, vây bắt nhưng lần nào “ông Vằn” cũng thoát được. Trong lần chiến đấu với ông Năm Thịnh, một người đánh cọp nổi tiếng thời đó, “ông Vằn” bị thương ở chân, một mắt bị mù. Còn ông Năm thì bị cọp tát đứt phăng cánh tay trái, đầu đập vào phiến đá và trở nên “tửng tửng”, nhìn đâu cũng thấy toàn cọp beo, ma quỷ.

Sau trận tử chiến, “ông Vằn” ẩn mình trong núi rất lâu. Mọi người chắc mẩm là “ông” đã chuyển sang địa bàn khác để hoạt động hoặc đã chết rồi. Một lần, có toán thợ ăn ong vào rừng để gác kèo, lúc trời xẩm tối, để xua tan cái giá lạnh của đại ngàn, mọi người đốt lửa nướng cá khô đặng làm mồi lai rai. Đang trò chuyện vui vẻ thì chợt nghe có tiếng gầm dữ dội làm rung chuyển cả núi rừng, tiếp theo là tiếng người kêu cứu. Toán thợ ăn ong vội vàng chạy đến thì chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: Một vạt rừng toang hoác lênh láng máu và thi thể của năm xác người mất đầu mất chân. Thấy một người đang rên rỉ với cái chân đầy máu, mọi người vội xốc lên định mang anh ta về làng thì nghe anh này thốt lên mấy tiếng “cọp một mắt... cọp một mắt” rồi tắt thở.

Nỗi khiếp sợ “ông Vằn” ngày càng gia tăng. Chịu hết siết sự lộng hành của ông ba mươi, đánh bẫy không xong, dân trong xóm mới nghĩ cách lập miếu thờ cọp. Mỗi khi khấn vái, họ mang đầu heo ra cúng rồi để lại giữa rừng. “Từ lúc được lập miếu và cúng đầu heo, có lẽ do được cung phụng thức ăn nên ông ba mươi bớt quấy phá. Người dân vì thế càng tin cọp rất linh thiêng. Từ đó mới nảy sinh lệ vẽ hình cọp treo làm bùa - gọi là “Hắc hổ trấn phù” - để cầu cho con nít dễ nuôi, khỏi sài đẹn hay ma quỷ bắt. Đôi khi người ta còn treo bùa “Ngũ hổ” - 5 ông thần cọp - với năm sắc của Ngũ hành xanh, đỏ, vàng, trắng, đen đặng cầu cho gia đạo được bình yên”.

Kỹ năng đánh cọp...

Nhiều lần chạm trán với cọp dữ, người dân U Minh đã đúc rút hàng loạt kinh nghiệm đối phó, thậm chí giao đấu với ông ba mươi. Trong “Đất Gia Định xưa”, nhà văn Sơn Nam có đoạn mô tả về cách đánh bắt cọp như sau: “Người từng đánh cọp nắm được quy luật: cọp quỳ chân sau, chống chân trước là đang chờ đợi. Trước khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát rồi phóng tới. Đuôi cọp phe phẩy hoặc để ở phía nào cũng là chỉ dẫn để ta đoán trước hướng tấn công”.

Nhiều con cọp từng đánh nhau với người nên rất khôn ngoan, nằm ngửa bụng lên, nhìn đối thủ qua hai chân trước và hai chân sau. Với tư thế ấy, cọp dưỡng sức chờ thời cơ. Nếu ai nôn nóng, xốc tới đánh sẽ bị ông ba mươi “xử đẹp”. Khi ấy cọp sẽ chụp roi, giữ chặt, người mạnh khỏe cũng không tài nào dằng ra nổi, cọp thừa cơ mà vồ trong nháy mắt. Buông roi để chạy thì càng mau chết. Miếng võ ấy của cọp gọi là thế “trâu giằn”.

Ông Dự Võ, tay săn cọp nức tiếng một thời truyền đạt kinh nghiệm đặt bẫy mai phục hùm dữ: “Cọp tơ thường ăn thịt tươi. Cọp già khoái ăn thịt ươn. Phải dựa vào đặc tính đó mà đặt mồi nhử. Trước tiên cột một đoạn dây luồn trong ống tre để khi cọp dính vòng không cắn được dây. Trên đoạn ống tre treo mồi nhử bằng thịt tươi, bên dưới thắt vòng đặt trên một bàn bẫy. Cạnh bẫy thì đào một cái hố sâu có ngụy trang bằng lá cây rừng và lót dây rừng phía dưới để khi cọp dính bẫy rớt vào hố sẽ không thể vùng vẫy chạy thoát được”. Nói đến đây, ông Dự e hèm: “Nhưng không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Gặp những cọp quá mạnh mắc bẫy vòng, chúng có thể vùng vẫy cắn bỏ chân để thoát thân”.

Nỗi buồn ông Ba Mươi

Lúc mới khẩn hoang, những ông thầy võ có khả năng đánh cọp không nhiều nên cọp dữ tha hồ lộng hành như chốn không người. Về sau, do phải ngày ngày đối đầu nên kinh nghiệm đánh bắt cọp của những lưu dân vùng cuối đất dần được cải thiện. Kỹ năng đặt bẫy chúa sơn lâm nhờ vậy cũng tinh vi hơn.

Ực cạn ly rượu nếp cay nồng, anh Hải ra chiều tiếc nuối: “Ngày trước cọp nhiều bao nhiêu thì nay hiếm bấy nhiêu. Nhiều năm rồi, dân U Minh chưa có ai phải than trời vì cọp nữa. Vui mà buồn vì điều này chứng tỏ loài mãnh thú đặc trưng của U Minh gần như tiệt giống tiệt nòi”.

Ở gần đấy sang chơi, ông Mười Lựu quả quyết “Cọp U minh vắng bóng bởi mấy ông thầy bùa chuyên nghề dụ cọp. Mấy ổng luyện một loại bùa phép gì đó để khắc chế cọp nên dần dần, cọp ở xứ này bỏ đi biệt xứ”.

Ông Mười còn có cách giải thích khác: “Tại hồi đó, có nhiều ông thầy giỏi võ ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên lưu lạc vào đây, gặp cọp thì giết, gặp sấu thì bắt. Võ nghệ các thầy cao cường đến nỗi cọp thấy bóng từ xa đã cụp đuôi bỏ chạy. Mà các thầy nào có tha, xông lên rượt cho bằng được, có thầy nhảy xổm lên lưng nó, tung ra mấy cú đấm khiến cọp dữ đến đâu cũng phải xiểng liểng”.

Có nhiều lý do để giải thích sự vắng bóng của chúa sơn lâm tại đất rừng U Minh. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách giải thích thuyết phục nhất là do rừng U Minh ngày càng bị thu hẹp, lại thêm nạn bố ráp không thương tiếc của mấy tay phường săn đặng phục vụ khát vọng cao hổ cốt của mấy ông nhà giàu nên cọp U Minh bị tuyệt diệt.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận