Lắp ráp iPhone: tự động hóa không dễ

Lắp ráp iPhone: tự động hóa không dễ

Foxconn - tập đoàn điện tử khổng lồ của Đài Loan đang lắp ráp điện thoại iPhone cho hãng Apple - sẽ thực hiện tự động hóa triệt để, thay thế công nhân bằng người máy công nghiệp .

Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ gặp khó do Foxconn đang được nhận nhiều ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc để tạo công ăn việc làm qua việc tuyển mộ và sử dụng một lượng lớn nhân công địa phương.

Ba bước tự động hóa

BáoDigiTimes(Đài Loan) dẫn nguồn tin từ ông Dai Jia-peng, Tổng giám đốc Hội đồng Tự động hóa của Foxconn, cho biết tập đoàn này có "kế hoạch 3 bước" nhằm tự động hóa các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc, sử dụng robot do chính Foxconn sản xuất, có tên là Foxbot.

Bước thứ nhất là tự động hóa sản xuất ở các công đoạn nguy hiểm hoặc nhàm chán mà công nhân không muốn làm. Bước thứ hai là tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất để giảm bớt lượng robot dư thừa và bước thứ ba là tự động hóa toàn bộ nhà máy, "chỉ giữ lại một lượng công nhân tối thiểu để vận hành sản xuất, cung ứng hậu cần, thử nghiệm và giám sát chất lượng", ông Dai nói.

Tập đoàn Foxconn đã tiến hành tự động hóa sản xuất trong nhiều năm qua và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thay thế 30% lực lượng lao động ở các nhà máy của tập đoàn tại Trung Quốc bằng robot. Hiện thời, theo ông Dai, Foxconn sản xuất mỗi năm 10.000 người máy Foxbot và tại thời điểm tháng 3-2016 đã tự động hóa được 60.000 chỗ làm việc. Theo ông Dai, các nhà máy của Foxconn tại Thành Đô ở miền Tây, Thâm Quyến ở miền Nam và Trịnh Châu ở miền Bắc đã thực hiện tự động hóa ở bước thứ hai; mỗi nhà máy đã có 10 dây chuyền sản xuất đã được tự động hóa hoàn toàn.

Về lâu dài, người máy sẽ "rẻ" hơn công nhân lao động; nhưng trong giai đoạn đầu, chi phí đầu tư cho tự động hóa là rất đắt đỏ, lại tiêu tốn nhiều thời gian lập trình để người máy có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ở một thị trường đông dân như Trung Quốc, sử dụng công nhân bằng xương bằng thịt thì "rẻ" hơn tự động hóa.

Với tập đoàn Foxconn, tự động hóa sản xuất giúp giải quyết một vấn nạn làm đau đầu bộ máy quản lý công ty những năm gần đây: công nhân tự tử vì áp lực công việc, vì bị sa thải, vì điều kiện sống và làm việc tồi tệ. Tình trạng công nhân tìm đến cái chết bằng cách "nhảy lầu" diễn ra thường xuyên đến mức công ty phải cho lắp đặt lưới bảo vệ tại tất cả các nhà máy, các khu nhà ở công nhân và đề ra các biện pháp đối phó với những vụ kiện tụng.

Ưu đãi và trở ngại

Tuy vậy, tự động hóa sản xuất tất yếu sẽ dẫn tới việc sa thải hàng trăm ngàn người lao động bằng xương bằng thịt và sẽ dẫn tới khó xử trong quan hệ với Chính phủ Trung Quốc nói chung, với chính quyền thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi đặt nhà máy lắp ráp iPhone, nói riêng.

Trịnh Châu (Zhengzhou) là một thành phố nhỏ, dân số khoảng 6 triệu người. Vì nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, Trịnh Châu không có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế và thanh niên thường phải di cư ra các đô thị duyên hải đển kiếm việc làm. Tình hình bắt đầu thay đổi vào năm 2009 khi Chính phủ Trung Quốc cho Trịnh Châu áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút tập đoàn Foxconn đến lập nhà máy lắp ráp điện thoại iPhone.

Theo hồ sơ của báoThe New York Times, thành phố Trịnh Châu đã dành cho Foxconn khu đất rộng tới 570 héc ta, hỗ trợ 600 triệu đô la để xây dựng một tổ hợp nhà máy khổng lồ và 1 tỉ đô la nữa xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, hình thành cái gọi là "thành phố iPhone". Thành phố đầu tư mở đường sá, xây nhà máy điện và mạng lưới điện dài 24 ki lô mét đến tận hàng rào nhà máy; giảm 5% tiền điện, tiền phí vận tải.

Lắp ráp iPhone: tự động hóa không dễ

Về tài chính, thành phố cho Foxconn vay tín dụng 250 triệu đô la Mỹ, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm năm đầu, giảm 50% trong năm năm tiếp theo. Ngoài ra, chính quyền Trịnh Châu đảm nhận việc cung ứng lao động cho nhà máy, hỗ trợ chi phí đào tạo và giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân tương đương 100 triệu đô la mỗi năm...

Thành phố cũng đang triển khai kế hoạch mở rộng sân bay bên cạnh tổ hợp nhà máy của Foxconn, với số vốn đầu tư lên tới 10 tỉ đô la Mỹ, để tạo điều kiện vận chuyển nhanh linh kiện phụ tùng cho nhà máy và đưa sản phẩm ra thị trường. Tất cả những ưu đãi "chưa từng có ở đâu khác" này nhằm vào mục đích phát triển công nghiệp địa phương, tạo ra nhiều công việc làm có thu nhập khá và làm mẫu mực để thu hút các tập đoàn công nghệ khác.

Vào những lúc cao điểm, tổ hợp nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại Trịnh Châu có tới 350.000 công nhân làm việc mỗi ca, vận hành 94 dây chuyền lắp ráp và sản xuất ra nửa triệu chiếc điện thoại iPhone mỗi ngày, tức là cứ mỗi phút lại cho ra 350 máy, sẵn sàng đưa tới mọi thị trường. Con số này tương ứng với một nửa tổng sản lượng điện thoại iPhone của tập đoàn Apple (Mỹ).

Với những ưu đãi như vậy, Foxconn gắn bó chặt chẽ với thành phố Trịnh Châu và công ăn việc làm của địa phương. Việc thay thế lực lượng lao động khổng lồ bằng đội ngũ robot Foxbot chắc chắn sẽ gây phản ứng bất lợi cho tập đoàn Foxconn, nếu không nói là bất khả thi, ít ra là trong vài năm tới.

Theo TBKTSG

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận