Nguồn gốc tục săn phù thủy kinh dị ở Papua New Guinea

Nguồn gốc tục săn phù thủy kinh dị ở Papua New Guinea

Vì sao Papua New Guinea - một quốc gia ở phía Đông Nam châu Á vẫn tiếp tục tin vào bùa phép, ma thuật?

Những người bị xem là có tà thuật
Ở hầu hết các khu vực trên thế giới, những câu chuyện về việc “săn phù thủy” thường chỉ xuất hiện trong những bộ phim tài liệu. Tuy nhiên, ở quốc gia phía Đông Nam châu Á Papua New Guinea, những câu chuyện như thế xuất hiện không ít và kết thúc với những đòn tra tấn, giết người dã man.
Nguồn gốc tục săn phù thủy kinh dị ở Papua New Guinea
Người dân Papua New Guinea ở vùng cao nguyên trong trang phục truyền thống tham gia lễ hội. 
Tình trạng này tới nay vẫn tiếp diễn, dù luật pháp từ năm 2013 của quốc gia này đã quy định định mức án tử hình cho các hành vi săn phù thủy.
Quyết định về án tử được đưa ra sau khi Kepari Leniata, một cô gái 20 tuổi bị cáo buộc sử dụng bùa phép của phù thủy để giết một chàng trai khác gần nhà.
Cô gái này đã bị thiêu sống trên một con phố đông người qua lại trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Tới cuối năm ngoái, tin tức về một bé 6 tuổi bị tra tấn dã man do “có phép thuật của phù thủy” đã xuất hiện trên khắp các mặt báo không chỉ của Papua New Guinea, mà trên toàn thế giới, gây ra một làn sóng phẫn nộ toàn cầu về thực trạng đáng lo ngại này.
Sự việc được ghi lại bởi ông Anton Lutz, một nhà hoạt động xã hội người Mỹ trong nhiều năm qua đã chiến đấu với hủ tục đáng sợ này.
Theo lời kể của Anton Lutz, sự việc bắt đầu khi một người đàn ông trong ngôi làng ở tỉnh Enga thuộc vùng cao nguyên Papua New Guinea bị ốm.
Anh ta được chẩn đoán bị kaikai lewa (bị ăn mất trái tim). Người ta tin rằng phù thủy đã sử dụng phép thuật đánh cắp và ăn trái tim nạn nhân để trở nên mạnh mẽ hơn.
Ngay lập tức, dân làng chỉ định một bé gái 6 tuổi là phù thủy, cũng chính là thủ phạm gây ra vụ việc trên. Họ bắt cô bé lại và tra tấn dã man suốt nhiều ngày liền.
Vào thời điểm mà nhà hoạt động Anton Lutz tới ngôi làng trên, tình trạng bệnh của người đàn ông kia đã dần thuyên giảm. Từ đó, dân làng càng có cớ để tin rằng hành động tra tấn bé gái “phù thủy” của họ bước đầu phát huy tác dụng.
Nhận thấy đứa bé có thể tiếp tục bị tra tấn dã man và tử vong bất cứ lúc nào, Lutz đã can thiệp.
Sau hàng giờ thương thảo, thuyết phục, Lutz mới giành được tự do cho cô bé và đưa em tới bệnh viện điều trị. Đó chỉ là một trong số hơn 1.000 vụ việc được ghi nhận mỗi năm ở Papua New Guinea, theo số liệu của Oxfam.
Do bị chỉ trích nặng nề bởi dư luận quốc tế, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill đã trực tiếp lên tiếng cảnh báo về vụ tra tấn bé gái, trong khi Bộ trưởng Công an Jelta Wong tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng đặc biệt để xử lý những trường hợp tương tự.
Niềm tin của người Papua New Guinea về phù thủy và ma thuật, tà đạo xuất phát từ lịch sử tại quốc gia này vào những năm 1800, thời điểm có khoảng 800 bộ lạc khác nhau thường sống với những hủ tục lạ lùng.
Khi bước vào thời kỳ đương đại, thuyết duy linh, tục thờ cúng tổ tiên, niềm tin vào yêu thuật vẫn tồn tại ở quốc gia này và ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người, khiến ngay cả những người có hiểu biết và được giáo dục cũng bị ảnh hưởng.
Có bằng đại học cũng mê muội
Theo Anton Lutz, đó chính là mấu chốt của vấn đề. “Một người có thể có tấm bằng đại học nhưng anh ta vẫn nghĩ ma cà rồng là có thật bởi họ không có quan điểm và lý trí rõ ràng, đồng thời sẵn sàng tin vào những câu chuyện truyền thuyết. Tôi gọi đó là được giáo dục nhưng lại như vô học”, Lutz nói.
Ngoài ra, một lý do khác khiến tình trạng trên vẫn tiếp diễn là bởi sự yếu kém trong công tác chăm sóc y tế ở Papua New Guinea. Mỗi khi mắc bệnh, người dân thường tìm đến yếu tố tâm linh, ma quỷ để giải quyết vấn đề, dẫn tới hàng ngàn người bị đánh đập, tra tấn dã man vì bị nghi là phù thủy.
Theo một nghiên cứu kéo dài suốt 20 năm của đại học Quốc gia Australia, trong số 1.440 vụ tra tấn và 600 vụ giết người liên quan tới săn phù thủy, chỉ có ít hơn 1% thủ phạm bị kết án. Vì lẽ đó, pháp luật dường như không đủ sức răn đe.
Hồi tháng 11/2017, Oxfam cũng phát động chiến dịch mới tại Papua New Guinea nhằm thay đổi nhận thức của đàn ông về vai trò và giá trị của phụ nữ, từ đó dần xóa bỏ niềm tin sai lầm về tà phép, phù thủy cùng những thực hành tín ngưỡng cổ hủ.
Dù những nỗ lực này chưa đạt được thành công lớn nhưng bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan trong cách suy nghĩ và nhận thức của người dân.
Theo Danh Tuyên/Người Đưa Tin

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận