Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ "vẫn còn ăn được"

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ "vẫn còn ăn được"

Các nhà bảo vệ môi trường vừa phát hiện một chiếc bánh trái cây "gần như vẫn còn ăn được" có tuổi đời hơn một thế kỷ tại một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất trên thế giới, theo báo New York Times. 

Nhà quản lý chương trình của quỹ di sản Nam Cực-Antarctic Heritage Trust chia sẻ chiếc bánh 106 năm tuổi này được cho là của nhà thám hiểm Anh quốc lừng danh Robert Falcon Scott thuộc nhóm thám hiểm British Antarctic Expedition (còn gọi là Terra Nova) giai đoạn 1910-1913. Chiếc bánh được tìm thấy trong tòa nhà xưa nhất ở Nam Cực mang tên Cape Adare. Tòa nhà này được một nhóm khác người Na Uy xây dựng từ năm 1899 và được nhóm Scott đưa vào sử dụng từ năm 1911. Ngày nay Cape Adare vẫn đón chào một số tàu tuần dương và vài trăm du khách mỗi năm.

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn ăn được

Tàu của nhóm Terra Nova ở Nam Cực trong một chuyến thám hiểm do thuyền trưởng Robert Falcon Scott dẫn đầu (Ảnh: Getty)

Khi được tìm thấy, chiếc bánh tráng miệng phổ biến của phương Tây vẫn còn nguyên giấy gói và hộp đựng ban đầu bằng thép hợp kim. Đó là hộp bánh của nhà sản xuất nổi tiếng nước Anh Huntley & Palmers.

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn ăn được

Hộp bánh 106 năm tuổi của Huntley & Palmers vẫn còn nguyên giấy gói (Ảnh: Antarctic Heritage Trust)

Lizzie Meek, nhà quản lý chương trình cổ vật của quỹ di sản cho biết vỏ thép đã hỏng nhưng hộp bánh được bảo quản rất tốt và còn trong "tình trạng hoàn hảo". "Có một mùi bơ thiu rất rất nhẹ nhưng ngoài ra thì hộp bánh này có vẻ ngoài và mùi vị còn ăn được. Không nghi ngờ gì là khí hậu khắc nghiệt ở Nam Cực đã giúp bảo quản nó", bà nói.

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn ăn được

Vỏ thép bên ngoài đã rỉ sét của hộp bánh trái cây được phát hiện sau hơn một thế kỷ bị chôn vùi ở Nam Cực (Ảnh: Antarctic Heritage Trust)

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn ăn được

Nhờ khí hậu lạnh khắc nghiệt, hộp bánh hơn trăm năm đã được bảo quản tốt một cách khó tin và "gần như vẫn còn ăn được" (Ảnh: Antarctic Heritage Trust)

Hộp bánh trên là một trong khoảng 1.500 cổ vật thu được tại hai túp lều từ công sức của một nhóm nhà bảo vệ môi trường làm việc tại hiện trường từ tháng 5 năm ngoái (2016).

Các nhà thám hiểm chọn đem bánh trái cây tới vùng cực Nam thế giới vì đây là một loại thực phẩm giàu năng lượng lý tưởng cho điều kiện địa cực và vẫn là món đồ ưa thích trong các chuyến đi thời hiện đại. "Vào thời đó bánh trái cây là một món ăn phổ biến trong xã hội Anh, và hôm nay cũng thế. Sống và làm việc trong điều kiện vùng cực dẫn tới những cơn thèm thực phẩm giàu đường và chất béo. Bánh trái cây rất hợp với tiêu chí này, chưa kể là bánh đi chung với trà thì rất tuyệt", tạp chí National Geographic dẫn lại lời nhà quản lý Meek.

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn ăn được

Người ta tin rằng nhà thám hiểm người Anh Robert Falcon Scott đã đem bánh trái cây từ Anh tới Nam Cực (Ảnh: Alamy)

Đây là một phần trong dự án của một nhóm các ủng hộ viên của quỹ di sản Nam Cực, một tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại New Zealand. Với sứ mệnh "truyền cảm hứng cho các nhà thám hiểm", quỹ này nhận nhiệm vụ bảo vệ các túp lều của Robert Scott và các nhà thám hiểm Nam Cực khác.

Ngoài hộp bánh kể trên, nhóm thám hiểm còn tìm ra một số cổ vật khác như các dụng cụ, vải vóc, thịt và cá "hư hỏng nặng", theo miêu tả của bà Meek. Tất cả cổ vật đã được đưa tới trưng bày và bảo quản tại một phòng thí nghiệm ở bảo tàng Canterbury (Christchurch, New Zealand).

Giai đoạn kế tiếp của dự án là công việc bảo tồn các tòa nhà ở Cape Adare, tòa nhà đầu tiên ở Nam Cực, một ví dụ về tòa nhà đầu tiên trên các lục địa của loài người còn sót lại cho đến ngày nay. Sau đó, mọi vật được tìm thấy sẽ được trả về địa điểm cũ và hiện trường sẽ được xem là một khu bảo vệ đặc biệt ở Nam Cực.

Quỹ di sản cho biết hộp bánh đang được bảo quản cẩn thận theo các quy tắc rất nghiêm ngặt trước khi đưa trở lại túp lều cũ (sau khi Cape Adare được phục hồi). Quỹ cũng chia sẻ công thức bảo quản hộp đựng bánh bao gồm các khâu loại bỏ rỉ sét, ổn định bằng phương pháp hóa học, bao lại các mảnh thép cũ, phân hủy tính axit của lớp nhãn thép, sửa chữa giấy gói và nhãn thép. Các nhà nghiên cứu sẽ không được phép nếm thử mùi vị chiếc bánh vì các lý do đạo đức và lịch sử.

Trong một email gửi New York Times, quản lý bảo tàng Reading Museum (nơi lưu giữ bánh kẹo thu được từ các túp lều của nhà thám hiểm Scott) Matthew Williams cho biết Huntley & Palmers chính là nhà cung cấp bánh kẹo chủ yếu cho nhóm thám hiểm Nam Cực Terra Nova Antarctic của Scott.

Theo thông tin trên website bảo tàng Reading, "nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng khẩu phần hàng ngày của nhóm ở vùng cực là 4.100 calories vẫn thiếu 800 calories, nhiều loại vitamin cũng như các chất tạo năng lượng".

Là người đã quá quen thuộc với những câu chuyện cổ tích về tuổi thọ của bánh trái cây, William cho biết "chúng tôi thường được người dân thông tin về nhiều chiếc bánh trái cây H&P để được qua các ngày lễ thánh và đám cưới".

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn ăn được

Ảnh minh họa chiếc bánh trái cây 106 năm tuổi vẫn còn ăn được (Ảnh: Getty Images)

Vì vậy, vẫn có nhiều người tin là bánh trái cây sẽ mãi mãi tươi nguyên, và chiếc bánh của Scott sẽ tiếp tục đứng vững trước thử thách thời gian.

Nhà thám hiểm Robert Scott đã tử nạn trong chuyến đi thứ hai tới Nam Cực. Sau chuyến đi đầy gian khó để tới đáy của thế giới vào ngày 17/1/1912, nhóm Scott phát hiện ra rằng một nhóm thám hiểm khác người Na Uy đã đến trước họ 33 ngày. Đến cuối tháng 3 cùng năm, thời tiết khắc nghiệt, cái lạnh tê người và cái đói đã lần lượt giết chết toàn bộ các nhà thám hiểm Anh quốc trên đường quay về căn cứ thám hiểm.

Phát hiện hộp bánh trái cây tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn ăn được

Robert Scott (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên Terra Nova ở Nam Cực đang đứng kế túp lều của nhà thám hiểm Na Uy Roald Amundsen đã đến trước họ 33 ngày (Ảnh: một hãng tin quốc tế)

Đây không phải là lần đầu tiên các món quà Giáng sinh của quá khứ được bắt gặp tại lục địa băng giá. Trong vài năm qua, các bao bơ 100 tuổi, các thực phẩm có hóa chất bảo quản khác, trong đó có những phiên bản cũ hơn của các loại xốt cà chua hiệu Heinz Ketchup hiện đại cũng đã được tìm thấy tại đây.

Khoa học về tuổi thọ lâu dài của bánh trái cây

Theo báo Anh The Sun, tuổi thọ dài đến khó tin của bánh trái cây chủ yếu là do các tinh thể tinh bột (starch crystal) có trong bột làm bánh (cake flour). Các tinh thể này sẽ ngăn cản vi khuẩn lây lan. Ngoài ra, bánh trái cây cũng có hàm lượng đường cao. Đường có tính axit cao sẽ giúp ngăn cản hoặc làm giảm sức mạnh của các loại vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài.

Một đặc điểm nữa là bánh trái cây luôn được pha chế thêm rượu brandy hoặc các chất có cồn khác đều có tính axit cao. Sau cùng, Nam Cực là nơi lạnh lẽo, khô hạn, gió bão mạnh nhất thế giới. Tất cả các yếu tố này đều góp phần làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.

Steve Trần (tổng hợp)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận