Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

Albert Einstein, Wolfgang Amadeus Mozart, Marie Curie, Van Gogh, Isaac Newton, Steve Jobs. Đây đều là những cái tên nổi tiếng trong lịch sử và có những thành tựu xuất sắc đủ sức thay đổi lịch sử của họ. Tất cả đều được thế giới nhìn nhận những trí tuệ siêu việt, thậm chí có người còn được đánh giá là thiên tài. Vậy thiên tài là gì?

Đầu tháng 4/2015, Harold Ekeh - một học sinh trung học tại Long Islandm, New York - đã gây chấn động nước Mỹ khi được 8 trường đại học thuộc liên đoàn Ivy, bên cạnh đó là những cái tên cực kỳ tiếng tăm khác như Viện Công nghệ Massachusetts và John Hopkins. Nhiều người đã thừa nhận Harold Ekeh là người có trí thông minh cực kỳ xuất sắc, mặc dù vậy chừng đó đã đủ để cậu có cơ hội phát triển hơn và đứng ngang hàng với những bật tiền bối đã nêu phía trên?

Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

Liên đoàn Ivy là tên gọi của nhóm 8 trường đại học, viện đại học có hệ thống triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu nước Mỹ. Điểm chung của các trường đại học trong nhóm này đó là: tất cả đều là đại học tư nhân và đều nằm ở các bang thuộc khu vực Đông Bắc nước Mỹ, luôn nằm trong nhóm đầu danh sách xếp hạng các trường và viện đại học do US News & World Report công bố và có nguồn tài chính đóng góp vào loại hàng đầu thế giới.

Với chất lượng đào tạo vượt bậc, những ngôi trường này thu hút số lượng lớn sinh viên tài năng và có trình độ học tập xuất sắc. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp đều nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở các quốc gia trên toàn thế giới.

Khá nhiều doanh nhân nổi tiếng, diễn viên và các chính trị gia hàng đầu thế giới đã tốt nghiệp từ các trường Ivy League, trong số đó có thể kể đến: Tổng thống Mỹ Barack Obama (tốt nghiệp Đại học Harvard); tỷ phú người Mỹ Donald Trump (tốt nghiệp trường Kinh doanh Wharton - Đại học Pennsylvania) hay nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos (tốt nghiệp Đại học Princeton)...

Vậy nên, trở thành sinh viên của một trong các trường thuộc nhóm Ivy League cũng đồng nghĩa với việc bạn đang nắm giữ cơ hội phát triển mạng lưới quan hệ với các nhà lãnh đạo thế giới sau này.

Thông thường, chúng ta đánh giá một người trở thành thiên tài dựa trên những gì họ làm được và những cá nhân có trí thông minh được đánh giá là siêu việt thường dễ bị gắn mác "thiên tài" cho dù họ còn rất trẻ. Mặc dù vậy, giáo sư bộ môn thần kinh học khoa nhi Richard Haier đến từ Trường đại học Y California cho biết cách đánh giá này không được hiểu đúng nghĩa cho lắm.

Ông thừa nhận rằng có một niềm tin phổ biến của xã hội hiện nay cho rằng trí thông minh của trẻ nhỏ sẽ được tăng cường nếu cuộc sống lúc nhỏ của chúng trở nên phong phú hơn, mặc dù vậy chưa hề có nghiên cứu nào chứng minh luận điểm này. Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vấn đề trí tuệ bị ảnh hưởng khá nhiều từ các mã gen và giáo sư Haier cũng nhận định rằng việc tìm hiểu trí thông minh của trẻ hình thành như thế nào vẫn khá mù mờ, nhất khi nhì dưới góc độ tìm kiếm 1 thiên tài. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng di truyền sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định bản chất thiên tài của một đứa trẻ nhưng không phải là yếu tố duy nhất.

Vậy chính xác "thiên tài" là gì?

Bản thân giáo sư Haier nói rằng rất khó có thể định nghĩa được thiên tài. Ví dụ, dựa trên chỉ số IQ thì những người được đánh giá là thiên tài thường có chỉ số IQ cao đột biến và họ chỉ chiếm khoảng 0,1% số lượng những người vốn đã có chỉ số này cao hơn bình thường. Nhưng giáo sư Haier cũng nhận định rằng việc đánh giá như vậy chỉ là thang đo ai có nhiều "trí tuệ" hơn mà thôi, thiên tai là một cái gì đó rất khác. Chúng ta đều thừa nhận rằng những thiên tài thường có những thành tựu mang tính bước ngoặt lịch sử trong lĩnh vực riêng của họ.

"Như vậy, Steve Jobs có phải thiên tài không?", giáo sư Haier hồ hởi nói, "Ông ấy đã tạo ra những sản phẩm đáng kinh ngạc, Apple cũng thay đổi lịch sử của ngành công nghiệp di động. Nếu thế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định Steve Jobs là một thiên tài. Mặc dù vậy, ông ấy có phải người sở hữu chỉ số IQ cao ngất ngưởng hay không?". Rõ ràng, việc dùng chỉ số IQ để đánh giá hai chữ "thiên tài" là không hề phù hợp trong trường hợp của người đứng sau thành công rực rỡ của Apple cho dù Steve Jobs đã từng tham gia một bài kiểm tra IQ bất kỳ nào hay chưa.

Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

"Mặc dù vậy, Steve Jobs có thể "tự mình" trở thành thiên tài hay không?", giáo sư Haier tiếp tục, "Thực tế, chúng ta đều biết Steve Wozniak là người chịu trách nhiệm cho các vấn đề kỹ thuật của Apple. Cả 2 đều có những khác biệt về tính cách cũng như động lực làm việc, những nếu xét trên khía cạnh kỹ thuật thì rõ ràng Steve Wozniak chắc chắn là 1 thiên tài. Chúng ta biết đến ông ấy vì Apple là một thương hiệu nổi tiếng và bản thân Steve Jobs vẫn để tên của Wozniak trong danh sách đồng sáng lập. Trong khi đó, rất nhiều vật dụng hữu ích hiện này xuất hiện là nhờ những thiên tài vô danh mà không phải ai cũng biết. Đó chính là một cách mô ngắn gọn về việc chúng ta nhìn nhận ai là thiên tài hiện nay".

Khi nói đến việc xác định một thiên tài, chúng ta đã vướng phải một phương trình cực kỳ phức tạp. "Bạn là người cực kỳ sáng tạo nhưng lại có trí tuệ trung bình nếu dựa trên chỉ số IQ?", giáo sư Haier bắt đầu nhấn mạnh, "Thông thường, nhiều người lầm tưởng khả năng sáng tạo sẽ đi liền với trí tuệ trên mức trung bình, điều này không phải lúc nào cũng đúng với tất cả các lĩnh vực. Đây chính là vấn đề cần giải đáp, ví dụ như khả năng sáng tác âm nhạc thì độc lập hoàn toàn với trí tuệ. Chính vì thế hai chữ "thiên tài" trở nên rất mơ hồ, nhưng bạn không cần một định nghĩa chính xác để nghiên cứu về nó. Bản thân các nghiên cứu sẽ dần dần định nghĩa chính xác thiên tài là gì".

Bộ não của thiên tài: nó sẽ lớn hơn và tốt hơn bộ não thông thường?

Giáo sư tâm lý học và khoa học máy tính Earl Hunt của đại học Washington cho biết tranh cãi về bộ não của các thiên tài: liệu nó có sự khác biệt với bộ não của những người bình thường hay không? Ông khẳng định luôn rằng chưa có nghiên cứu này chỉ ra được những điểm khác biệt mà mọi người trông đợi. Sau những nghiên cứu về trí tuệ của con người, giáo sư Hunt cũng đồng ý với những gì giáo sư Haier phát biểu: Thiên tài là một cái gì đó khác biệt hoàn toàn.

Ông cho rằng trở thành thiên tài là một sự kiện cực kỳ khó xảy ra và về mặt sinh học thì không hề có sự khác biệt nào giữa những thiên tài và người thường. Thậm chí, cái gọi là "bộ não thiên tài" của những người có năng khiếu chỉ là những câu chuyện hư cấu.

Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

Mặc dù không có khác biệt về mặt cấu tạo hay sinh học, chuyên gia thần kinh học não bộ Rex Jung đến từ đại học New Mexico cho biết các bộ não của thiên tài sẽ hoạt động khác biệt so với người thường. Điều này phục thuộc chủ yếu vào yếu tố di truyền và môi trường xung quanh để bộ não có thể phát triển một cách khác thường. Ông cũng khẳng định mỗi bộ não sẽ hoạt động theo một cách riêng biệt và không cái nào giống cái nào.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu về cấu trúc não, các nhà khoa học đã có thể hiểu được vì sao có những người lại sở hữu trí tuệ vượt trội so với người khác - đặc biệt là giữa những người làm cùng một lĩnh vực. Những "bộ não thông minh" hoạt động theo nhiều cách khác nhau, cấu trúc não giữa 2 giới tính cho cùng 1 kết quả kiểm tra IQ cũng rất khác biệt dựa trên mô hình của chất xám và chất trắng trong não. Dĩ nhiên, những nghiên cứu như vậy vẫn chỉ là những bước đi đầu tiên trong việc đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho 2 chữ "thiên tài".

Giáo sư Richard Haier cũng nói rằng trong quá trình xác định những trí tuệ siêu việt hiện nay, các bài kiểm tra IQ không hề vô dụng như nhiều người sau khi đọc đến phần này của bài viết. Ông khẳng định rằng những kết quả như vậy cho dù chỉ mang tính tham khảo nhưng nó cũng là cơ sở để chúng ta dự đoán về khả năng thành công trong công việc cũng như cuộc sống của bất kỳ ai.

Ví dụ, nghiên cứu về tác động sớm của toán học đối với sự phát triển của tuổi trẻ vào năm 1971 của Julian Stanley đã thực hiện theo dõi hơn 5000 đứa trẻ được đánh giá là có năng khiếu ở độ tuổi 13 lúc đó. Đến nay, khi tất cả đã bước sang tuổi 50 - bỏ qua những trường hợp tử vong bất thường - những đứa trẻ tài năng hồi nào đều đã có một sự nghiệp xuất sắc đáng kể. Nhiều cậu bé đã trở thành những cái tên có tên tuổi trong những ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), trong khi đó những thành viên nữ giới đều trở thành các bác sĩ, luật sư thậm chí là trưởng khoa của không ít trường đại học danh tiếng.

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Giáo sư Haier nói thêm rằng vấn đề của việc xác định thiên tài nằm ở chỗ đánh giá khả năng nhận thức cho dù lĩnh vực hoạt động của họ là gì. Các nhà khoa học gọi đây là yếu tố đánh giá trí tuệ tổng quát, còn gọi là yếu tố G. "Yếu tố G là một nền tảng đánh giá khá tin cậy", giáo sư Richard Haier bổ sung, "Các nghiên cứu đều cho thấy thông minh là một yếu tố mang tính di truyền, điều này được quyết định bởi hàng trăm mã gen khác nhau. Những thiên tài có thể có những biểu hiện của nhiều gen thông minh hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa thể kiểm chứng được điều này".

Mặc dù vậy, làm thế nào để từ một người thông minh có thể trở thành một thiên tài vẫn là một câu hỏi khó và nó là một vấn đề rất khác. Chuyên gia đánh giá năng khiếu và đồng thời là giáo sư tâm lý học của đại học Vanderbilt (Tennessee), ông David Lubinski đồng tình với ý kiến của giáo sư Haier: "Khả năng nhận thức là yếu tố quyết định. Nhưng thế vẫn chưa đủ để quyết định bạn có phải thiên tài hay không, ví dụ bạn có một chiếc xe hơi tốt với một động cơ khỏe nhưng nếu không có xăng hay thời tiết cực xấu thì bạn sẽ không đi đâu được cả".

Bí quyết của những thiên tài

Như đã nói, hầu hết mọi người thường nhầm lẫn những người có trí tuệ tốt và những thiên tài. Chuyên gia Rex Jung cho biết điểm khác biệt giữa thông minh và thiên tài là khả năng xử lý những tính huống hiếm gặp như kiểu "ngàn năm có một".

Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

Ông nói thêm rằng: "Có nhiều mạng lưới thần kinh khác nhau bên trong bộ não mỗi người và những mạng lưới lớn hơn, mạnh hơn, nhanh hơn sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua đưa ra những suy luận hợp lý nhất và nhanh nhất - yếu tố làm nên ai là người thông minh. Nhưng mấu chốt của thiên tài là khả năng sáng tạo, nó lại thuộc về một mạng lưới chậm chạp cho phép tất cả quá trình suy nghĩ có thể diễn ra cùng một lúc. Nhờ nó, các thiên tài có thể đưa ra những quyết định vượt qua mọi quy chuẩn thông thường, kể cả đối với những người vốn được đánh giá là cực kỳ thông minh".

Rex Jung cũng nói rằng chính nhờ sự sáng tạo này mà các thiên tài mới có thể được phát hiện trong những trường hợp không ngờ tới nhất. Sự kết hợp giữa trí tuệ siêu việt và khả năng sáng tạo khác người chính là "bí quyết của những thiên tài". Thậm chí, ông cũng nói rằng có một chỉ số đánh giá sự liên quan giữa khả năng sáng tạo và trí thông minh. Con số này thông thường chỉ là 0,3 nhưng có những trường hợp nó leo lên tận 120 - khi mà khả năng sáng tạo tách biệt hoàn toàn với trí tuệ cơ bản.

Giới tính và tính cách cũng quyết định ai là thiên tài

Bạn có thể là người thông minh nhất trong phòng, thậm chí là cả châu lục nhưng nếu những yếu tố bổ sung thích hợp thì đừng hy vọng mình sẽ trở thành một thiên tài. Giáo sư David Lubinski cho biết tính cách đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định ai là thiên tài.

Ông lấy ví dụ rằng khoảng 15% những người thông minh nhất không muốn làm việc quá 40 tiếng/tuần. Trong khi đó, giáo sư Lubinski khẳng định đam mê và động lực chính là "thuốc tăng lục" cần thiết để những người có trí tuệ tốt trở thành thiên tài vì họ sẽ liên tục tìm kiếm những cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo và trí tuệ của mình. Đó chính là lúc xuất hiện cơ hội "ngàn năm có một".

Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

Giáo sư Earl Hunt bổ sung rằng tất cả những thiên tài được thế giới công nhận đều là những người tận lực với công việc của họ và chuẩn bị rất kỹ càng cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra. Ví dụ, Albert Einstein không tự dưng nằm mơ ra thuyết tương đối hay không phải vì quả táo rơi trúng đầu mà Newton nghĩ ra định luật vạn vận hấp dẫn. Tất cả những thành tựu của họ đều đến từ sự chăm chỉ đến mức kinh ngạc trong công việc.

Chưa hết, vấn đề giới tính cũng đóng vai trò trong việc quyết định ai là thiên tài. Cụ thể, nam giới thường đạt nhiều thành công trong lĩnh vực STEM - dĩ nhiên vẫn có những trường hợp phụ nữ tỏ ra vượt trội so với đấng mày râu như Marie Curie hay Rosalind Franklin. Trong khi đó, phái đẹp lại tở ra thích hợp với những lĩnh vực như luật pháp hay y tế vì lợi ích của những nghiên cứu liên quan đến 2 ngành này có lợi ích với số đông hơn là STEM.

Chưa hết, những thiên tài thường không thành công một mình - yếu tố quan trọng khác chính là sự tương tác của thiên tài với thế giới xung quanh. Nhiều người tưởng rằng thiên tài là một thân một mình tự tạo ra đột phát, thực tế Steve Jobs sẽ không thể thành thiên tài trong mắt nhiều người nếu thiếu tài năng của Steve Wozniak về mặt kỹ thuật và Steve Wozniak có thể sẽ không thể được thế giới biết như một thiết tài về nếu ông hợp tác với người khác. Mọi thiên tài đều hỗ trợ cho nhau, chúng ta có nhận ra điều đấy hay không mà thôi.

Sinh ra đúng thời, trổ tài đúng lúc

Thông minh và sáng tạo để làm gì nếu nó không phát huy đúng thời điểm. Giáo sư Earl Hunt khẳng định sẽ chẳng ai biết đến Albert Einstein nếu ông là một thợ rửa bát thuê hay vì một người cống hiến hết mình cho vật lý dưới tư cách một nhà giáo. Ngoài ra, các thiên tài thường không bị phiền toái bởi những thứ thông thường của cuộc sống. Chúng ta có lẽ đều biết chuyện Isaac Newton vì tập trung nghiên cứu mà cứ nghĩ mình đã ăn tối vì nhìn thấy đống xương gà trên đĩa cho dù thực chất là bạn ông đến chơi và ăn mất, trong khi lúc đó ông đã không ăn ít nhất là 2 ngày liên tiếp. Thậm chí, Newton cũng được chính gia đình ủng hộ thực hiện công việc nghiên cứu này.

Bạn có thể có đủ mọi tố chất đã kể trên để trở thành một thiên tài nhưng bạn phải sinh vào đúng thời điểm, làm đúng lĩnh vực mới có thể phát triển những gì mình đã có. Ví dụ, nếu người ta phát hiện một bộ tộc nào đấy bắt đầu phát minh ra bánh xe hình trong giữa rừng rậm Amazon khi mà chúng ta sống trong thế kỷ 21 thì người thực hiện phát minh đó có thể coi là một thiên tài hay không? Rõ ràng là không vì anh ta không có một vị trí phù hợp trong xã hội cũng như sinh ra không đúng thời để phát minh này có thể thay đổi thế giới.

Sự khác biệt giữa người cực kỳ thông minh và một thiên tài

Thậm chí, nếu Mozart và Beethoven sinh vào thời điểm này của thế giới thì liệu những tác phẩm của họ có còn được coi là kinh điển, bản thân 2 nhà soạn nhạc này có còn được coi là thiên tài? Các hình thái xã hội khác nhau trong lịch sử sẽ ủng hộ những ý tưởng đột phá phù hợp với thời đại đó. Ngoài ra, thiên tài phải là người đầu tiên thực hiện những ý tưởng này - lịch sử không hề tôn vinh người thứ 2 chứng minh được định lý Pytago.

Cuối cùng, giáo sư Earl Hunt khẳng định trí tuệ, các sự hỗ trợ của xã hội, sự kiên trì, đam mê và may mắn có thể tạo ra sự thành công cực đỉnh của một cá nhân bất kỳ. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để quyết định hai chữ "thiên tài", khả năng tiên đoán thiên tài thực sự nằm ngoài dự đoán của bất ai. Một phần của nó là nguồn cảm hứng, một phần của nó là mồ hôi của những nỗ lực cực điểm - hay nói cách khác "Những thiên tài thành công chỉ vì mọi thứ trên đời đều ủng hộ họ" - giáo sư Hunt tươi cười.

Tham khảo Yahoo

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận