Sự nóng lên toàn cầu, Hiệp định Paris và vai trò của Mỹ

Sự nóng lên toàn cầu, Hiệp định Paris và vai trò của Mỹ

Những thông tin cơ bản nhất về nội dung Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tác động từ sự rút lui của Mỹ tới Trái đất.

Nếu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định điều này sẽ tác động thế nào đối với Trái đất vốn đang nóng lên nhanh chóng?

Bài viết sẽ cung cấp những thông tin quan trọng nhất về nội dung hiệp định Paris, sự nóng lên toàn cầu và những gì có thể xảy ra nếu phần còn lại của thế giới tiếp tục chống lại biến đổi khí hậu do con người tạo ra mà Mỹ lại đứng bên lề cuộc chiến đó?

Sự nóng lên toàn cầu, Hiệp định Paris và vai trò của Mỹ

Mục tiêu của Hiệp định Paris

Hiệp định được thông qua vào năm 2015 đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái đất dưới 2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C kể từ Cách mạng Công nghiệp, cho nên điều cần làm bây giờ là kiềm chế mức tăng thêm gần 1 độ C.

Bằng cách nào?

Mỗi quốc gia tự đưa ra mục tiêu riêng để kiềm chế việc phát thải các loại khí thải giữ nhiệt. Các nhà phân tích tính toán những cam kết này có thể ngăn 117 tỷ tấn CO2 được đưa vào không khí đến năm 2030.

Mỹ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ cắt giảm khí thải 26 - 28% so với mức năm 2005 - tương đương khoảng 1,6 tỷ tấn khí thải hàng năm. Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Nature Climate Change cho biết Mỹ có thể sẽ chỉ đạt được 4/5 mục tiêu đó.

Với Trung Quốc, quốc gia đã vượt qua Mỹ trở thành nước gây ô nhiễm số 1 thế giới, mục tiêu là lượng khí thải sẽ cao nhất vào năm 2030 và bắt đầu đi xuống sau đó, lượng carbon gây ô nhiễm tính trên đầu người sẽ giảm khoảng 60% so với mức năm 2005. Một số dấu hiệu gần đây cho thấy rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc có thể đã giảm, sớm hơn một thập kỷ so với dự kiến. Chỉ tiêu cắt giảm của Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng giảm phát thải đã cam kết.

Hiệp định Paris được 197 nước đồng ý và đến nay đã được 147 bên phê chuẩn, bao gồm Liên minh châu Âu. Điều này giúp Hiệp định có tính hiệu lực.

Các quốc gia tự nguyện đưa ra các cam kết cắt giảm và không chịu ràng buộc từ bất kỳ tòa án phán quyết nào. Các nước chỉ cần đưa ra một kế hoạch và báo cáo tiến độ kế hoạch đó.

Sự lựa chọn của Mỹ

Mỹ có thể tiếp tục tham gia hiệp định và thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Cũng có thể quốc gia này tiếp tục là thành viên và không đạt được chỉ tiêu đã cam kết. Một lựa chọn khác là tiếp tục tham gia hiệp định nhưng thay đổi mục tiêu, có thể là hạ thấp đi. Hoặc Mỹ có thể hoàn toàn rút khỏi hiệp định này.

Phải mất ít nhất một năm và có thể lên đến 3,5 năm khi một quốc gia muốn rút khỏi hiệp định.

Dù sự lựa chọn của Mỹ là như thế nào đi chăng nữa thì hiệp định Paris vẫn duy trì hiệu lực của mình.

Giới khoa học nói gì?

Thế giới đang ấm dần lên và ba năm gần đây được ghi nhận nóng nhất trong lịch sử. 2017 sẽ là năm có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao thứ hai, sau năm 2016.

Mực nước biển đang tăng lên. Diện tích băng biển ở Bắc Cực đang ở mức thấp kỷ lục. Các sông băng khắp thế giới đang tan chảy. Hiện tượng này cũng đang diễn ra ở Nam Cực. Cây cối và động vật đang thay đổi sự sinh trưởng và thói quen di cư do mùa đông ngày càng ngắn và ấm hơn. Thời tiết cực đoan cũng diễn ra nhiều hơn trên thế giới.

Gần như tất cả giới khoa học đều cho rằng nóng lên toàn cầu do con người tạo ra trừ một số ít các nhà khoa học. Từ thế kỷ 19, các nhà khoa học đã phát hiện việc đốt than, dầu và gas sản sinh CO2 vào không khí, lớp khí này sau đó như một tấm chăn giữ nhiệt trên Trái đất.

CO2 tồn tại trong không khí 100 năm, và khoảng 1/5 lượng CO2 tích tụ trong khí quyển là từ Mỹ, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu không có hợp tác của Mỹ?

Hãng tin AP đã phỏng vấn hàng chục nhà khoa học và tham khảo kết quả mô phỏng từ máy tính. Theo đánh giá của các nhà khoa học, nếu không có cam kết của Mỹ, nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng lên 2 độ C là điều gần như không tránh được.

Nhưng ngay cả khi Mỹ tiếp tục tham gia hiệp định Paris thì cũng có thể không ngăn được sự nóng lên toàn cầu đó. Cuộc chiến này đòi hỏi phải cắt giảm nhiều hơn so với những cam kết của hiệp định Paris.

Giáo sư khí tượng học Jason Furtado từ Đại học Oklahoma cho biết, việc vượt qua 2 độ C sẽ là một "điểm bùng phát" dẫn tới "một trạng thái mới và không thể đảo ngược được trong hệ thống khí hậu".

Một mô phỏng trên máy tính - điều mà nhiều nhà khoa học khác cho là kịch bản xấu nhất - tính toán rằng nếu Mỹ làm tăng lượng phát thải CO2 trong khi phần còn lại của thế giới đạt được mục tiêu đã cam kết, thì lượng CO2 ô nhiễm do Mỹ tạo ra sẽ là nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên khoảng 0,3 độ C.

Một số nhà khoa học khác lại nhìn vào các tác nhân của thị trường và nhận định Mỹ vẫn đang cắt giảm lượng khí thải vì quốc gia này đang dần chuyển sang sử dụng các nhiên liệu sạch hơn như khí tự nhiên rẻ hơn, năng lượng mặt trời và gió. Năng lượng mặt trời được người Mỹ sử dụng nhiều hơn than đá.

Theo Nhà khoa học nghiên cứu khí hậu người Đức Stefan Rahmstorf, Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ không ngăn được cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu vì hầu hết các nước khác vẫn giữ cam kết của mình. Nhưng, nó sẽ gây ra những trì hoãn, mà bất cứ trì hoãn nào cũng đều là bất lợi bởi cuộc chiến để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu trước khi vượt qua ngưỡng bùng phát thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian.

Quỳnh Mai

Theo Post-gazette

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận