Tai nghe dành cho trẻ em có thể gây suy giảm thính lực

Tai nghe dành cho trẻ em có thể gây suy giảm thính lực

Ngày nay, ngay cả những đứa trẻ 3 tuổi cũng đeo tai nghe. Và trên thị trường đã xuất hiện các loại tai nghe "an toàn cho đôi tai của trẻ" hoặc những chiếc tai nghe giúp "an toàn 100% khi nghe nhạc".

Những chiếc tai nghe này giới hạn mức âm thanh cho phép. Và các bậc phụ huynh có phần ỷ lại vào những chiếc "tai nghe an toàn" này. Họ tin rằng những chiếc tai nghe này sẽ giúp con cái họ tránh được mức độ âm thanh quá lớn mà theo nghiên cứu, có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe sau này.

Tai nghe dành cho trẻ em có thể gây suy giảm thính lực

Tuy nhiên, một phân tích mới của The Wirecutter – một trang web đề xuất sản phẩm thuộc sở hữu của New York Times – cho thấy có quá nửa trong số 30 bộ tai nghe trẻ em được kiểm tra không giới hạn mức âm thanh ở dưới mức an toàn. Một số tai nghe cho ra lượng âm thanh quá lớn đến nỗi có thể ảnh hưởng đến tai người chỉ trong vài phút.

"Đây là những phát hiện tồi tệ" – Cory Portnuff, một thính học nhi khoa của Bệnh viện đại học Colorado không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. "Các nhà sản xuất đang khẳng định những điều không chính xác!"

Những nghiên cứu này là một lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ cho rằng công nghệ giới hạn âm thanh đã giúp họ bảo vệ con cái một cách toàn diện, theo tiến sỹ Blake Papsin – trưởng khoa tai mũi họng tại Bệnh viện Nhi của Toronto. "Các nhà sản xuất tai nghe không hề quan tâm đến đôi tai của trẻ nhỏ", ông nói. "Họ chỉ quan tâm đến doanh số bán hàng thôi, và một trong số các mặt hàng đó không tốt chút nào".

Có đến một nửa trẻ nhỏ trong khoảng tuổi từ 8 đến 12 nghe nhạc hàng ngày, và đối với trẻ từ 13 đến 18 tuổi, con số này là 2/3 – theo một báo cáo năm 2015 được thực hiện với hơn 2600 người tham gia khảo sát. Để nghe an toàn, bạn cần chú ý đến cả hai vấn đề: âm lượng và thời lượng: Âm lượng càng lớn, thời lượng bạn nghe nên rút ngắn đi để bảo vệ đôi tai của mình.

Đây không phải là mối quan hệ tuyến tính. 80 dB nghe to hơn gấp hai lần so với 70 dB, và 90 dB thậm chí còn to hơn gấp 4 lần. (dB: Decibel - là đơn vị dùng để đo cường độ của một âm thanh).

Tai nghe dành cho trẻ em có thể gây suy giảm thính lực

Ở cường độ 100 dB – tương đương với âm thanh của chiếc máy cắt cỏ - âm thanh sẽ an toàn với đôi tai của bạn trong 15 phút. Và âm thanh tại cường độ 108 dB an toàn cho bạn chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 3 phút.

Giới hạn cường độ dành cho người lớn được đặt ra bởi Viện An toàn Sức khỏe và Nghề nghiệp Quốc gia Mỹ vào năm 1998 là 80 dB trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Nhưng cho đến thời điểm đó, không có tiêu chuẩn nào bắt buộc hạn chế cường độ âm thanh tối đa cho các thiết bị nghe được bán ra trên thị trường.

Một nghiên cứu vào năm 2011 đã tìm ra, hầu hết các thiết bị cầm tay hiện đại có thể tạo ra âm thanh với cường độ từ 97 dB cho đến 107 dB.

Một nhóm nghiên cứu tại The Wirecutter đã sử dụng hai loại âm thanh để kiểm tra 30 bộ tai nghe với một chiếc iPod Touch. Đầu tiên, họ cho chạy một đoạn bài hát "Cold Warter" đang được yêu thích của Major Lazer như một ví dụ thực tiễn về loại nhạc trẻ em hay nghe. Tiếp đó, những người thử nghiệm cho phát "tiếng ồn hồng" (Pink noise – âm thanh nhiễu giống với âm thanh nền của môi trường), thường được sử dụng để kiểm tra mức độ âm thanh đầu ra của sản phẩm, để kiểm tra xem tai nghe có thật sự giới hạn cường độ âm thanh ở mức 85 dB hay không.

Khi chạy 21 giây của bài "Cold Water" ở mức âm lượng cao nhất, một nửa số lượng tai nghe được kiểm tra đã vượt quá mức 85 dB. Chiếc tai nghe cho ra cường độ âm thanh cao nhất là 114 dB.

Với mức pink noise (âm thanh nhiễu giống với âm thanh nền của môi trường), chỉ khoảng 1/3 số tai nghe được kiểm tra vượt quá mức 85 dB, chiếc tai nghe to nhất tạo ra âm thanh ử cường độ 108 dB – theo ghi nhận.

Để xác định được những chiếc tai nghe đã làm giảm âm lượng, nhóm nghiên cứu Wirecutter đã kết nối một chiếc máy tính với mô hình tai mô phỏng qua một chiếc micro bên trong và một bộ mô hình hóa âm học của một ống tai.

Brian Fligor, nhà thính học và cũng là thành viên nhóm làm việc của Tổ chức Y tế Thể giới về các thiết bị nghe an toàn, đã hướng dẫn nhóm nghiên cứu so sánh kết quả với dữ liệu về giới hạn tiêu chuẩn 85 dB. (Tai nghe rõ ràng ở gần tai hơn, cho nên giới hạn này được áp dụng cho các khu vực mở).

Lauren Drangan, một thành viên của Wirecutter, cũng tập hợp một số đứa trẻ, từ khoảng tuổi 3 – 11 tuổi, cho chúng thử các loại tai nghe, và yêu cầu chúng cho biết loại tai nghe nào chúng thích nhất và ghét nhất.

Theo kết quả tập hợp, loại tai nghe được chọn lựa nhiều nhất là Puro BT2200 (Giá khoảng 2 triệu đồng). Chiếc tai nghe được yêu thích này có âm thanh tuyệt vời, có tính năng loại bỏ tiếng ồn và hạn chế cường độ âm thanh trong khi những chiếc tai nghe có dây thường không làm được. Pin của loại tai nghe này cũng rất ấn tượng, kéo dài từ khoảng 18 đến 22 tiếng đồng hồ, và kết nối bằng dây chỉ được sử dụng như một giải pháp dự phòng. Tuy vậy, dây vẫn cần được nối với nguồn âm thanh. Nếu không, "nó sẽ phát ra âm thanh rất to" – theo Brent Butterworth, một chuyên gia âm thanh đã giúp kiểm tra tất các các tai nghe. "Nếu chúng sử dụng tai nghe này ở chế độ Bluetooth, âm thanh sẽ không quá to", ông nói thêm.

Hầu hết các loại tai nghe khác đều nhờ điện trở ở trong dây tai nghe để gây cản trở, làm giảm âm lượng tai nghe, nhưng đôi khi chúng không thật sự có tác dụng. Tất cả những tai nghe xếp hạng hai này đều không phải tai nghe Bluetooth, tuy nhiên, âm lượng lớn nhất của chúng không vượt quá 85 dB. Những trẻ em nhỏ tuổi (chập chững biết đi) lại thích lọai tai nghe Onanoff Buddyphones Explore (Giá khoảng 600.000 đồng). Loại tai nghe phù hợp cho trẻ lớn tuổi hơn một chút (từ 4 đến 11 tuổi" là JLab JBuddies (Giá khoảng 600.000 đồng).

Nhóm nghiên cứu Wirecutter cũng đánh giá khả năng giảm thiểu tiếng ồn xung quanh của tai nghe. Trẻ em thường sử dụng tai nghe ở khu vực nhiều tiếng ồn, ví dụ ở trên ghế sau của xe hoặc trên máy bay. Nếu không có chức năng loại bỏ tiếng ồn, xu hướng của trẻ em là tăng âm lượng lên bên trên cường độ âm lượng nền (âm lượng phát ra từ môi trường xung quanh).

Chỉ có 4 trong số 30 bộ tai nghe được kiểm tra có khả năng chặn một số lượng đáng kể các âm thanh tần số thấp như ở trong máy bay hay ghế sau ô tô. Cặp tai nghe Etymotic ETY Kids 3 and Puro IEM200 đã hoàn thành xuất sắc nhất nhiện vụ chặn tiếng ồn bên ngoài. (Hai chiếc tai nghe còn lại là Direct Sound YourTones và Nabi).

Tai nghe dành cho trẻ em có thể gây suy giảm thính lực

Tiến sỹ Papsin đề xuất mua tai nghe có cả hai chức năng giới hạn âm lượng và loại bỏ tiếng ồn bên ngoài. "Đó mới chính là những chiếc tai nghe đáng để mua", ông nói.

Nhưng nghiên cứu dựa trên khả năng giới hạn âm lượng là chính. Theo bà Dragan: "Trừ khi bạn ngồi trên máy bay hay trên xe ô tô, bạn không cần quá quan tâm về tiếng ồn xung quanh".

Giám sát là điều không thể thiếu

Ngay cả với những chiếc tai nghe có khả năng hạn chế âm lượng một cách hiệu quả, thì giám sát luôn là điều bắt buộc. "85 dB không phải là giới hạn ma thuật mà bạn có thể an toàn khi ở dưới nó và gặp nguy hiểm khi vượt quá nó", tiến sỹ Fligor cho biết.

Các nhà thính học đã đưa ra một số mẹo khi nghe: Đầu tiên, hãy giữ mức âm lượng ở mức 60%. Sau đó, khuyến khích con của bạn không nghe nhạc quá 4 tiếng đồng hồ liên tiếp để các tế bào bên trong tai có thể nghỉ ngơi. Nghe liên tục trong thời gian quá lâu cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của con người.

Cuối cùng, tiến sỹ Jim Battey – Giám độc của Viện quốc gia về chứng Điếc và các rối loạn Giao tiếp – đã đưa ra một quy tắc: Khi cha mẹ ở cách xa một cánh tay, trẻ vẫn cần phải nghe được cha mẹ nói khi chúng đang đeo tai nghe. Nếu chúng không nghe thấy, có nghĩa là âm lượng chúng đang nghe quá lớn, không an toàn và có thể gây tổn thương cho tai.

Một số nghiên cứu liên quan

Thế hệ trẻ em ngày này mắc chứng mất thính giác nhiều hơn so với trước đây đang là đề tài được khoa học quan tâm. Rất nhiều nghiên cứu đã cho ra các kết quả khác nhau.

Vào năm 2010, một nghiên cứu quốc gia đã chỉ ra tỷ lệ mất thính lực của thanh thiếu niên đã tăng lên 19,5% trong giai đoạn 2005-2006 (vào khoảng thời gian 1988 – 1994, tỷ lệ này là 14,9%). Tuy nhiên, những số liệu này đã bao gồm cả mất thính lực dài hạn do tiếng ồn và mất thính lực ngắn hạn do nhiễm trùng tai hoặc thậm chí do ảnh hưởng của ráy tai. Các chứng mất thính lực trong nghiên cứu này chỉ là thiểu số, và chỉ xuất hiện ở một tai.

Năm 2011, một nghiên cứu khác đã sử dụng cùng dữ liệu nhưng đã loại trừ các trường hợp không nhìn thấy các dấu hiệu gia tăng của bệnh mất thính lực. Kết quả trả về cho thấy phụ nữ có biểu hiện gia tăng bệnh mất thính lực nhiều hơn. Theo tiến sy Fligor, thính giác của đàn ông luôn luôn tệ. Một phần nguyên nhân là do trong lịch sử họ đã tham gia và liên quan đến các hoạt động có tiếng ồn cực kỳ lớn.

Lỗi có phải do tai nghe?

Mặc dù việc ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bị suy giảm thính lực là điều không thể chối cãi, chúng ta cũng không thể quy tất cả nguyên nhân là do nghe nhạc ở mức âm lượng lớn. Trẻ em ngày nay được tiếp xúc và phải "chịu đựng" một cách gián tiếp rất nhiều loại tiếng ồn vượt ngưỡng an toàn như tiếng máy cắt cỏ, các buổi nhạc rock, sự kiện thể thao, còi xe cảnh sát,.... "Có thể chúng ta quá vội vã khi buộc tội cho máy nghe nhạc. Chúng ta cần biết rằng phần lớn con người ngày nay đều chọn mức âm lượng khi nghe nhạc quá lớn và tự đặt họ vào nguy cơ bị mất thính lực".

Tiến sỹ Papsin cho rằng đã quá muộn để phục hồi thính giác của hầu hết trẻ em về mức thông thường. Ông nói rằng người lớn đang cho phép trẻ nhỏ tự do đeo tai nghe và xem tivi trên những chuyến bay và cho phép chúng tự giải trí bằng rất nhiều cách khác. Và điều này đang gây hại cho đôi tai của chúng. Ông nói thêm: "Các bậc cha mẹ cần biết rằng thời gian "rảnh tay" của họ được trả giá bằng việc mất thính lực của con cái họ trong tương lai".

Anh Cao

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận