Tiến bộ công nghệ không phải là giải pháp cứu cánh trước nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái

Tiến bộ công nghệ không phải là giải pháp cứu cánh trước nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái

Việc cần làm là ngừng ‘ám ảnh' về tăng trưởng GDP.

Những ngày này, không khó để nhìn thấy các bài báo viết về nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái. Trong suốt một năm qua, chúng ta đã phải đọc về quá nhiều vấn đề, từ ô nhiễm rác thải nhựa, cạn kiệt nguồn tài nguyên đất đến sự suy giảm nghiêm trọng số lượng côn trùng. Những nguy cơ ngày càng trở nên trầm trọng khi nhu cầu của con người đang không ngừng tăng lên.

Tiến bộ công nghệ không phải là giải pháp cứu cánh trước nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái

(ảnh: Fast Company; nguồn ảnh: Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA/Flickr, StudioM1/iStock)

Chúng ta đều đã biết về vấn đề này từ nhiều thập kỷ trước, nhưng lại được trấn an rằng hãy đừng lo lắng, bởi khi công nghệ phát triển và trở nên hiệu quả hơn loài người sẽ có thể vừa tiếp tục phát triển kinh tế vừa cắt giảm tác động lên tự nhiên. Thuật ngữ được dùng ở đây là "tăng trưởng xanh" – là khi tăng trưởng GDP hoàn toàn không còn phụ thuộc vào hoạt động sử dụng tài nguyên. Về lý thuyết, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách khuyến khích đổi mới; và nếu đánh thuế phát thải carbon, thuế khai thác tài nguyên, có thể thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho những ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Nghe có vẻ tuyệt. Thuật ngữ tăng trưởng xanh được ủng hộ tuyệt đối bởi những tỉ phú công nghệ như Elon Musk, hay bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc, xuất hiện tại vị trí trung tâm của hàng loạt các dự án tầm cỡ quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay Các mục tiêu phát triển bền vững. Tất cả chúng ta đều đang trông chờ, đặt kỳ vọng vào viễn cảnh tương lai này. Nhưng liệu nó có thực sự khả thi?

Đến đây, cần nhắc đến một con số ‘kỳ diệu': 50 tỉ tấn. Đó là số lượng tài nguyên và các dạng sống của Trái đất mà con người có thể sử dụng trong giới hạn an toàn mỗi năm. Con số này bao gồm mọi thứ từ gỗ đến nhựa, từ cá đến gia súc, khoáng chất đến kim loại: tất tần tật những vật chất mà chúng ta có thể tiêu thụ. Hiện nay, loài người sử dụng 80 tỉ tấn mỗi năm – vượt quá ngưỡng an toàn. Vì thế, để tăng trưởng xanh, chúng ta phải giảm con số đó về ngưỡng 50 tỉ tấn bằng một cách nào đó, trong khi vẫn không ngừng tăng trưởng GDP.

Khi thuật ngữ tăng trưởng xanh lần đầu tiên được đưa ra, chưa hề có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chương trình này sẽ thực sự mang lại hiệu quả - tất cả chỉ lý thuyết thuần túy.  Tuy nhiên, trong vòng vài năm, đã có ba nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện để tìm ra câu trả lời. Cả ba đều đưa ra một kết quả không mấy tốt đẹp: Dù ở những điều kiện lý tưởng nhất, việc tách biệt hoàn toàn giữa tăng trưởng GDP với sử dụng tài nguyên là không khả thi trên quy mô toàn cầu.

Tiến bộ công nghệ không phải là giải pháp cứu cánh trước nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái

(ảnh: Fast Company; nguồn ảnh: người dùng Flickr Lindsey G, StudioM1/iStock)

Vấn đề lần đầu tiên được đặt ra bởi một nhóm các nhà khoa học đứng đầu là Monika Dittrich. Nghiên cứu của nhóm đặt ra giả định là mọi việc diễn biến như hiện tại, khi đó tăng trưởng sẽ khiến sức dùng tài nguyên toàn cầu lên đến 180 tỉ tấn mỗi năm vào năm 2050 - gấp hơn 3 lần ngưỡng giới hạn an toàn.

Mô hình tiếp theo cả nhóm nghiên cứu được triển khai với giả định lạc quan rằng mỗi quốc gia trên Trái đất sẽ ngay lập tức thực thi những biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất, áp dụng những công nghệ tân tiến nhất. Kết quả là: 93 tỉ tấn mỗi năm vào năm 2050. Nhưng đó vẫn chưa phải là ‘tách biệt hoàn toàn', và còn quá xa để được gọi là tăng trưởng xanh.

Nhóm các nhà khoa học thứ hai đi tìm câu trả lời vào năm 2016, để rồi kết luận rằng ngay cả khi có những biện pháp quyết liệt nhất như nâng thuế carbon lên 250 USD/tấn kết hợp với việc tăng gấp đôi tính hiệu quả của khoa học kỹ thuật thì cũng không giải quyết được vấn đề. Nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ở mức 3% mỗi năm, thì theo các nhà khoa học này số vật chất con người tiêu thụ trong 12 tháng sẽ là khoảng 95 tỉ tấn vào năm 2050. Không ‘tách biệt hoàn toàn'. Không tăng trưởng xanh.

Cuối cùng, năm 2017, đích thân Liên Hiệp Quốc vào cuộc với kỳ vọng chấm dứt những tranh cãi xung quanh chương trình này. Một mô hình thử nghiệm với thuế carbon được đẩy lên mức 573 USD/tấn, thêm thuế khai thác tài nguyên, và giả định một quá trình đổi mới công nghệ nhanh chóng nhờ những chính sách mạnh mẽ từ các chính phủ. Kết quả thì sao? Loài người tiêu thụ 132 tấn vật chất mỗi năm vào năm 2050 – tồi tệ hơn cả con số mà các nghiên cứu trước đó đã đưa ra. Tồi tệ hơn vì lần này các nhà khoa học có tính đến "hiệu ứng dội ngược" trong nghiên cứu của mình. Khi hiệu suất đạt mức cao hơn, giá hàng hóa giảm đi, nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng lên, khiến một số cắt giảm trong sử dụng tài nguyên không thể thực hiện được.

Tiến bộ công nghệ không phải là giải pháp cứu cánh trước nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái

(ảnh: Fast Company; nguồn ảnh: Nik Shuliahin, StudioM1/iStock)

Cũng cần phải nhớ rằng: Cả ba mô hình này đều dựa trên những giả định quá đỗi lạc quan. Còn rất lâu nữa chúng ta mới tới được bước thử nghiệm việc đánh thuế carbon toàn cầu, và còn lâu hơn nữa để mức thuế ấy lên đến con số 573 USD/tấn; và cũng chưa có dấu hiệu có thể tăng gấp đôi hiệu suất. Thực tế gần như trái ngược: hiệu suất đang ngày càng giảm đi.

Tại sao mọi thứ lại có vẻ không sáng sủa như vậy? Lý do chính là những đổi mới về công nghệ không phải lúc nào cũng như chúng ta mong muốn. Chúng ta đều biết nếu theo định luật Moore, hiệu suất của những con chip sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm – nhưng nó lại không áp dụng được trong sử dụng vật liệu. Có những giới hạn vật lý trong hiệu suất của vật liệu, và một khi chúng ta đã đạt tới ngưỡng này, về lâu dài tác động của sự phát triển sẽ khiến nhu cầu sử dụng tăng trở lại. Ví dụ, bạn có thể cải tiến để quá trình đóng một chiếc bàn từ gỗ trở nên hiệu quả hơn, chứ không thể đóng một chiếc bàn từ không khí. Đến một thời điểm nào đó, số lượng gỗ sử dụng để làm ra một cái bàn sẽ đạt mức tối thiểu. Nhưng một khi đã đạt đến giới hạn này, bất kỳ sự tăng trưởng nào trong sản xuất bàn ghế cũng sẽ kéo theo tổng lượng gỗ tiêu thụ tăng lên.

Sẽ rất khó để phóng đại tác động của những hệ quả này. Ở thời điểm hiện tại, phương án duy nhất nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp của hệ sinh thái chính là hy vọng những tiến bộ của công nghệ cùng chương trình tăng trưởng xanh có thể phần nào đó giảm nhẹ thảm họa đã rất cận kề. Đúng như vậy, chúng ta sẽ phải dùng đến tất cả những ‘phép thuật' có thể có – nhưng chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ. Lựa chọn duy nhất thực ra lại đơn giản và rõ ràng hơn rất nhiều, đó là tiêu thụ ít đi.

Có nhiều cách để làm việc này. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thôi coi GDP là chỉ số thành công, thay vào đó hãy quan tâm đến những thước đo cân bằng hơn như Chỉ số Tiến bộ Thực tế GPI. Chúng ta cũng có thể tạo ra một hệ thống tiền tệ mới, nơi không tồn tại khái niệm về những khoản nợ có lãi. Và chúng ta cũng có thể bắt đầu nghĩ về việc đặt ra những giới hạn trong sử dụng tài nguyên, để loài người không còn khai thác nhiều hơn khả năng tái sản xuất của Trái đất.

Thế hệ các nhà khoa học thời trước tin rằng công nghệ sẽ cho phép con người chinh phục thiên nhiên, buộc thiên nhiên phải theo ý của con người. Ngày nay, thế hệ chúng ta cần thức tỉnh và luôn nhớ rằng: sự tồn vong của loài người không phụ thuộc vào chinh phục, mà phụ thuộc vào việc chung sống hòa hợp với nhau.

Thu Trà

Theo Fast Company

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận