Tộc người đầu tiên tiến hóa để lặn sâu 70 mét

Tộc người đầu tiên tiến hóa để lặn sâu 70 mét

Người Bajau hiện sống ở Indonesia sở hữu lá lách lớn khác thường phù hợp với hoạt động bắt cá dưới biển.

Bộ tộc Bajau sống tại Indonesia có lá lách tiến hóa lớn khác thường giúp lặn tự do ở độ sâu đến 70m, Mirror hôm 19/4 đưa tin. Đây là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện sự thay đổi gene ở người để thích nghi với hoạt động lặn dưới biển.

Người Bajau có thể lặn tự do rất sâu.
Người Bajau có thể lặn tự do rất sâu. (Ảnh: James Morgan).

Bộ tộc Bajau, hay "Người du cư trên biển", sống trên thuyền và bắt cá bằng cách lặn tự do ở các vùng biển phía nam châu Á suốt hơn 1.000 năm. Hiện tại họ sống ở Indonesia và nổi tiếng với khả năng nhịn thở. Thành viên bộ tộc có thể lặn rất sâu mà không dùng thiết bị hỗ trợ nào ngoài một bộ quả cân và cặp kính bảo hộ.

Lá lách đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể phản ứng khi lặn. Nhịp tim sẽ giảm, máu được đưa đến những cơ quan thiết yếu, lá lách co lại để đẩy hồng cầu giàu oxy vào tuần hoàn máu. Sự thu nhỏ của lá lách có thể tăng lượng oxy trong cơ thể lên 9%. Lá lách lớn chứa nhiều hồng cầu giàu oxy hơn, nhờ đó tăng thời gian nhịn thở.

Nghiên cứu mới cho thấy lá lách của người Bajau lớn hơn 50% so với người Saluan sống chủ yếu trên đất liền. "Không có nhiều thông tin về lá lách người xét theo sinh lý và di truyền học, nhưng những loài hải cẩu chuyên lặn sâu như Weddell sở hữu lá lách cực lớn. Tôi nghĩ nếu chọn lọc tự nhiên khiến hải cẩu mang lá lách lớn thì con người có thể cũng vậy", nhà khoa học Melissa Ilardo tại Đại học Cambridge cho biết.

Một chuyến lặn xuống nước để bắt cá của người Bajau.
Một chuyến lặn xuống nước để bắt cá của người Bajau. (Ảnh: James Morgan).

Ilardo ở lại Jaya Bakti, Indonesia, vài tháng để lấy mẫu gene và siêu âm người Bajau và người Saluan. Kết quả cho thấy lá lách của người Bajau lớn vĩnh viễn chứ không phải chỉ tạm thời do lặn.

Phân tích ADN chỉ ra, người Bajau mang gene PDE10A mà người Saluan không có. Gene này được cho là thay đổi kích thước lá lách bằng cách điều chỉnh lượng hormone tuyến giáp. "Ở chuột, hormone tuyến giáp và kích thước lá lách liên quan đến nhau. Nếu thay đổi gene để chuột thiếu hormone tuyến giáp T4, kích thước lá lách sẽ giảm đáng kể, còn bổ sung T4 thì ngược lại", Ilardo giải thích.

Nhóm nghiên cứu chưa rõ chính xác người Bajau có thể ở trong nước bao lâu. Một người trong bộ tộc nói với Ilardo anh ta từng lặn suốt 13 phút. Nhóm nhà khoa học hy vọng nghiên cứu mới có thể giúp con người hiểu hơn về chứng giảm oxy máu cấp tính.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận