Tôm bác sĩ vệ sinh răng cho thợ lặn

Tôm bác sĩ vệ sinh răng cho thợ lặn

Tôm bác sĩ dọn hết mẩu vụn thức ăn và mảng bám trên răng thợ lặn tương tự như cách nó vệ sinh da cá.

Tôm bác sĩ là loài động vật không xương sống cần mẫn chuyên ăn ký sinh trùng và da chết trên mình cá, giúp chúng khỏe mạnh đồng thời kiếm bữa ăn no. Nhưng khi các thợ lặn đến gần, tôm bác sĩ cũng vui vẻ xỉa răng cho họ. Trong chuyến nghỉ mát trên đảo Hideaway ở Vanuatu, Victoria Kronsell đến từ Melbourne, Australia, ghi hình một thợ lặn để tôm bác sĩ xỉa răng giúp ở xác tàu kéo bị đắm đông cá hề qua lại, National Geographic đưa tin.

Tôm bác sĩ xỉa răng cho thợ lặn.
Tôm bác sĩ xỉa răng cho thợ lặn.

Các thợ lặn cũng thường thử vệ sinh răng kiểu này, theo Benjamin Titus ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại New York, người từng nghiên cứu ảnh hưởng của việc tương tác với thợ lặn lên tôm bác sĩ. Tôm có thị lực rất kém, điều này có thể giải thích tại sao chúng không e ngại khách hàng con người. Con tôm có thể trông thấy thợ lặn chậm rãi bơi đến và "chỉ xem họ như một con con cá lớn", Eleanor Caves, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Duke, North Carolina, cho biết.

Ở nghiên cứu gần đây, Caves chỉ ra con tôm thậm chí cố gắng làm sạch những hình sẫm màu trên màn hình iPad đặt áp vào thành bể. Cá thường chuyển sang màu sẫm hơn để phát tín hiệu muốn tôm dọn vệ sinh. Sự xuất hiện của thợ lặn cũng có thể tác động tới hành vi vệ sinh. Trong nghiên cứu năm 2015, Titus và cộng sự quan sát hoạt động vệ sinh ở hai khu vực lặn, một nơi vắng người trong khi nơi còn lại rất được ưa chuộng.

Hành vi vệ sinh giữa tôm và cá không thay đổi khi quan sát qua camera, nhưng giảm một nửa tại khu vực lặn được ưa chuộng khi có con người. Khi thợ lặn ghé thăm khu vực vắng người, hoạt động này ngừng hẳn. Phát hiện chỉ ra cá có thể thích nghi với sự hiện diện của thợ lặn nhưng không thích nghi hoàn toàn.

Ở yên tại chỗ và phơi mình với cột nước trong lúc vệ sinh có thể khiến cá dễ bị động vật săn mồi tấn công hơn bình thường và sự xuất hiện của thợ lặn dễ làm cá bỏ ý định vệ sinh có thể gây hại cho chúng. "Bằng việc chiếm chỗ tại nơi dọn sạch, thợ lặn có thể dọa sợ hoặc cản chỗ các khách hàng đang cần vệ sinh", Caves nói.

Titus ghi nhận hoạt động tương tác này khá vui vẻ hưng không khuyến khích việc để loài giáp xác vệ sinh răng. Theo ông, quy tắc lặn đầu tiên là "không nín thở" để tránh tăng nguy cơ bị bệnh khí ép. "Đó chính xác là những gì bạn làm khi để một con tôm bò qua miệng mình", Titus nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận