Trung Quốc tuyên bố công nghệ tàu cao tốc bị đánh cắp

Trung Quốc tuyên bố công nghệ tàu cao tốc bị đánh cắp

Trung Quốc cho biết công nghệ tàu cao tốc có hình dạng viên đạn của họ đã bị đánh cắp, hai ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ xem xét các hành động thương mại của Trung Quốc. Các quan chức nước này kêu gọi làm nhiều hơn nữa để bảo vệ công nghệ tàu cao tốc.

Theo nhật báo South China Morning Post của Hong Kong, Bắc Kinh đã phản đối lại kế hoạch điều tra của Hoa Kỳ về vi phạm sở hữu trí tuệ bởi Trung Quốc, và các quan chức nước này kêu gọi làm nhiều hơn nữa để bảo vệ công nghệ tàu cao tốc không bị trộm cắp.

Quyết định này được đưa ra trong một bài bình luận được đăng trên tờ Procuratorial Daily hôm thứ Tư, hai ngày sau tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rằng sẽ cho phép đại diện thương mại của Mỹ xem xét thực tiễn hoạt động thương mại của Trung Quốc. Theo bình luận trên, các nước đang phát triển đã "theo dõi và đánh cắp" công nghệ tàu cao tốc của Trung Quốc để có được lợi thế cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, nhưng không chỉ rõ cụ thể quốc gia nào.

Các tác giả của nó - Gao Xiaoyi, Phó Chánh án Viện kiểm sát nhân dân Thượng Hải, và Sun Dawei, thuộc Viện kiểm sát vận tải đường sắt Thượng Hải - cho biết Trung Quốc đã phát triển công nghệ riêng của mình để xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn, nhưng họ đã không biết làm cách nào để bảo vệ được công nghệ đó. Họ tiếp tục nói rằng Trung Quốc cần khẩn cấp bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ của mình, đặc biệt liên quan đến tàu cao tốc và nên học theo các nước phương Tây trong việc bảo vệ các bằng sáng chế khi phát triển công nghệ mới.

Trung Quốc tuyên bố công nghệ tàu cao tốc bị đánh cắp

Bắt đầu từ năm 2004, Trung Quốc đã có được bí quyết về công nghệ đường sắt tốc độ cao bằng cách liên doanh với các doanh nghiệp hàng đầu Đức, Pháp và Nhật Bản. Các đối tác nước ngoài đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với chính phủ Trung Quốc, cho phép họ tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Nhưng nhiều năm sau, sau khi giúp đào tạo các kỹ sư Trung Quốc và phát triển một chuỗi cung ứng địa phương, các công ty nước ngoài cho biết họ đã thua - và các đối tác cũ giờ đây lại trở thành đối thủ của chính họ.

Họ cáo buộc các công ty Trung Quốc vi phạm hợp đồng trong việc giới hạn sử dụng công nghệ của họ sang Trung Quốc - với các công ty đang cố gắng bán công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài - và cho rằng đó chỉ là sao chép các công nghệ, hơn là đổi mới và phát triển.

Tình hình này phản ánh mối quan tâm lớn hơn trong kế hoạch của tổng thống Mỹ Donald Trump để điều tra các luật, chính sách, thông lệ hoặc hành động của Trung Quốc có thể "không hợp lý hoặc phân biệt đối xử" với công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Các doanh nghiệp nước ngoài than phiền rằng họ phải thỏa hiệp chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường với Trung Quốc, và họ không có cơ hội đầu tư ở Trung Quốc như các công ty Trung Quốc có ở các thị trường nước ngoài.

Lu Xiang, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đã cải thiện nhiều trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu họ cung cấp được bằng chứng về việc buộc phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

James Andrew Lewis, phó chủ tịch cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, đã viết trong một bài bình luận trên trang web của CSIS hôm thứ Ba rằng đối mặt với Trung Quốc về những hành động bất hợp pháp của họ liên quan đến sở hữu trí tuệ là quá muộn: "Nhưng vấn đề trọng tâm ở đây không phải trộm cắp IP mà là đối xử bất công với các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc".

Lewis đã viết: "Trung Quốc, sau nhiều thập niên, đang tạo ra nền văn hoá đổi mới của mình - không hiệu quả như Mỹ nhưng tốt hơn hầu hết các quốc gia khác và có nguồn lực rất lớn".

Ông nói rằng Mỹ nên đẩy mạnh việc chống lại nhu cầu chuyển giao công nghệ của Trung Quốc để đổi lấy việc tiếp cận thị trường và chống lại các rào cản thương mại của Trung Quốc, trong khi Mỹ cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình.

Trương Văn Thuyết

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận