Xà phòng cho máy rửa bát “tiêu hoá” vết bẩn trên bát đĩa

Xà phòng cho máy rửa bát “tiêu hoá” vết bẩn trên bát đĩa

Có lẽ bạn chẳng bao giờ nghĩ máy rửa bát là một thiết bị sinh học, nhưng đó là sự thực: các chất tẩy rửa hiện đại dùng cho máy rửa bát có chứa những enzyme khá giống với các enzyme được tìm thấy trong đường ruột. Vì vậy, có thể nói máy rửa bát đã "tiêu hóa" các vết bẩn thức ăn trên chén đĩa của bạn.

Có hai enzyme gọi là protease và amylase, có vai trò tiêu hóa protein và tinh bột. Chúng phân hủy thức ăn, cắt thức ăn thành những phần nhỏ tương tự như cách mà các enzyme trong dạ dày của bạn tiêu hóa thức ăn để nó có thể được hấp thụ và chuyển hóa. Tất nhiên máy rửa bát không hấp thụ các chất dinh dưỡng đó mà sẽ rửa trôi đi cùng với những thứ còn dính trên bát đĩa khác.

Trong tự nhiên, enzyme là chất xúc tác sinh học giúp cho một phản ứng hóa học xảy ra nhanh hơn. Tinh bột và protein có trong các vết bẩn thực phẩm bám trên bát đĩa sẽ dần phân huỷ theo thời gian, nhưng enzyme sẽ làm cho nó xảy ra nhanh hơn rất nhiều.

Trong phản ứng hoá học của các enzyme chất tẩy rửa, bản thân enzyme không bị phá huỷ hoặc bị thay đổi. Sau khi đã phân huỷ một mẩu thức ăn, nó sẽ trôi ra xa và bắt đầu phân huỷ tiếp các mẩu thức ăn khác. Điều này có nghĩa là bạn chỉ cần một lượng enzyme rất nhỏ để phân huỷ nhiều thực phẩm: mỗi phân tử enzyme có thể phá vỡ hàng triệu phân tử thức ăn.

Xà phòng cho máy rửa bát “tiêu hoá” vết bẩn trên bát đĩa

Cách thức các enzyme xử lý thức ăn

Các loại chất tẩy rửa trước đây thường sử dụng những hóa chất như phosphate để phân huỷ thức ăn, nhưng các hóa chất cũng bị hỏng trong quá trình này, vì vậy bạn phải cần lượng phosphate tương đương với lượng vết bẩn thực phẩm. Thêm vào đó, phosphate và các hoá chất thừa không sử dụng hết đều sẽ bị rửa trôi cùng bát đĩa và có thể gây tổn hại đến hệ sinh thái của bất cứ nơi nào chứa chúng sau đó, ví dụ như cống nhà bạn, cống của thành phố, các sông, hồ… Ngược lại, các enzyme sẽ tự phân huỷ sau một thời gian ngắn được hòa tan trong nước, và sẽ được ăn bởi các vi khuẩn thông thường. Đó là lý do tại sao các chất tẩy rửa dùng cho máy rửa bát hiện đại bây giờ thường chứa enzyme chứ không phải phosphate, chúng ít gây hại cho môi trường và bạn không cần dùng nhiều chất tẩy rửa.

Cách thức hoạt động của enzyme cũng có nghĩa là bạn cần chúng ít hơn. Nếu như các chất tẩy rửa cũ cần tỉ lệ khoảng 7% phosphate trong công thức thì chất tẩy rửa mới chỉ cần 2% enzyme.

Vậy các enzyme này đến từ đâu? Vi khuẩn. Các công ty sản xuất chất tẩy rửa tạo ra các enzyme bằng cách sử dụng những vi khuẩn như Bacillus licheniformis như những "nhà máy sinh học", sản xuất enzyme trong những thùng lớn chứa đầy vi khuẩn. Khi đã "nuôi" đủ, người ta lọc lấy các enzyme và lưu trữ bằng phương pháp cố định enzyme (enzyme immobilization) để đưa nó về trạng thái trơ. Sau đó, các enzyme được đưa vào chất tẩy rửa bát đĩa trong trạng thái trơ này.

Khi bạn cho chất tẩy rửa vào máy rửa bát, nó sẽ được hoà tan trong nước, và các enzyme được kích hoạt. Khi nước ấm được phun khắp bên trong máy rửa bát, các enzyme tấn công các vết bẩn, phá vỡ các chuỗi dài của protein và tinh bột thành nhiều phần nhỏ hơn và nhỏ hơn. Cuối cùng, những khối thực phẩm đã đủ nhỏ để có thể hòa tan trong nước, các chất hoạt động bề mặt cùng các hóa chất khác trong chất tẩy rửa sẽ giúp "nhấc" chất bẩn trên bát đĩa và giữ nó trong nước, rồi rửa trôi đi.

Một số người sử dụng cho rằng chất tẩy rửa dùng enzyme cho hiệu quả rửa chén bát kém hơn loại dùng phosphate. Tuy nhiên, các thử nghiệm mới nhất của trang Consumer Reports đã chỉ ra rằng điều này không còn đúng: hầu hết các chất tẩy rửa dùng cho máy rửa bát đứng đầu danh sách đánh giá của họ là loại dùng enzyme.

Nếu nhà bạn có máy rửa bát, hãy thử chọn một loại chất tẩy rửa mà trong thành phần có chứa enzyme để so sánh hiệu quả nhé.

Mạnh Linh

Theo CNet

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận