Xung đột lợi ích phía sau các tuyên bố khoa học về nguy cơ gây ung thư

Xung đột lợi ích phía sau các tuyên bố khoa học về nguy cơ gây ung thư

Ngày nay chúng ta liên tục bị "dội bom" kết quả khoa học tuyên bố các nguyên nhân gây ung thư đến nỗi ăn gì, uống gì cũng bị ám ảnh bởi "có khả năng gây ung thư". Hiếm ai biết được có những công bố khoa học đã bị hiểu nhầm hoặc thậm chí bị nghi ngờ về tính khoa học.

Sau khi đánh giá , cơ quan ung thư của WHO xếp thịt qua chế biến vào nhóm top các chất gây ung thư. Nhưng WHO cũng tuyên bố ăn ở mức độ vừa phải thì thịt dạng này có thể là một phần của bữa ăn lành mạnh.

Sau khi đánh giá, cơ quan ung thư của WHO xếp thịt qua chế biến vào nhóm top các chất gây ung thư. Nhưng WHO cũng tuyên bố ăn ở mức độ vừa phải thì thịt dạng này có thể là một phần của bữa ăn lành mạnh.

Bài điều tra của hãng tin Reuters đăng ngày 18/4/2016 có tựa đề tạm dịch: "Cơ quan ung thư của WHO đã làm người tiêu dùng nhầm lẫn thế nào?" đã giúp giải toả phần nào nỗi lo ngại về tuyên bố thịt đỏ và thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói có khả năng gây ung thư. Đồng thời, nó cho thấy không phải tất cả công bố khoa học quốc tế đều khách quan, độc lập mà có thể bị ảnh hưởng bởi các xung đột lợi ích liên quan. Bài lược dịch dưới đây sẽ làm sáng tỏ phần nào vấn đề này.

Theo một cơ quan thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thịt chế biến sẵn - như thịt xông khói – xếp cùng với chất phóng xạ plutonium là chất gây ung thư. Dưới đây là điều tra của Reuters cho thấy kết quả đó được kết luận từ đâu và nó có nghĩa là gì?

Nhờ các nhà khoa học làm việc dưới sự bảo trợ của WHO, bạn có thể khá chắc chắn rằng bàn chải đánh răng sẽ không khiến bạn mắc ung thư. Hơn 4 thập kỉ qua, một cơ quan nghiên cứu của WHO đã đánh giá 989 chất và hoạt động, từ asen cho đến làm tóc và họ chỉ phát hiện một chất "có thể không" gây ra ung thư cho con người. Đó là một thành phần trong nylon được sử dụng trong quần tập yoga co giãn và lông bàn chải đánh răng.

Theo Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) của WHO, tất cả 988 chất còn lại đều chứa đựng rủi ro ở mức độ nào đó hoặc cần nghiên cứu sâu hơn.

Một số trong top danh sách của IARC về các chất gây ung thư là khá hiển nhiên, như plutonium, khí mù tạt (mustard gas) và hút thuốc lá. Tuy nhiên có những chất lại gây ngạc nhiên nhiều hơn: Cũng được xếp loại "Các chất gây ung thư nhóm 1" có bụi gỗ và cá muối Trung Quốc.

IARC từng cho biết rằng công việc như một thợ sơn/ hoạ sĩ gây ung thư, sử dụng điện thoại đi động có thể gây ung thư và làm việc theo ca kíp như y tá hay phi công chẳng hạn cũng "có khả năng ung thư". Tháng Mười năm ngoái, tổ chức này xếp thịt chế biến sẵn trong top nhóm các chất gây ung thư nổi tiếng cùng với chất phóng xạ plutonium.

Những phát hiện này đã khiến người ta kinh ngạc, nhất là đối với người tiêu dùng bình thường bởi họ cảm thấy bị đánh đố không hiểu xếp hạng của một cơ quan nghiên cứu ung thư của WHO có ý nghĩa là gì?

Là một nhà chức trách toàn cầu về ung thư – căn bệnh giết hại hơn 8 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới, và hơn 14 triệu ca ung thư mới xuất hiện hằng năm - IARC có ảnh hưởng cực kỳ lớn và các thông tin từ đây phát đi rất được tôn trọng, thậm chí cả trong giới các nhà phê bình. Nhưng các chuyên gia từ các học viện, trong ngành y tế và sức khoẻ cộng đồng nói rằng IARC nhầm lẫn giữa lĩnh vực công và làm chính sách. Một số nhà phê bình nói cách IARC cân nhắc và truyền thông liệu các chất có gây ung thư là thiếu sót và cần phải cải cách.

Thậm chí với WHO, cơ quan giám sát IARC, cũng bị động bởi tuyên bố của IARC rằng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn nên được phân loại lần lượt là có khả năng gây ung thư và chất gây ung thư nổi tiếng. Người phát ngôn chính thức của WHO, ông Gregory Hartl, đã phát đi một thông cáo cho biết các văn phòng của WHO ở Geneva ngập lụt các yêu cầu và truy vấn đề nghị giải thích rõ ràng. WHO không có phản đối nào với phán quyết của IARC nhưng ông Hartl nhấn mạnh nó không có nghĩa là mọi người nên dừng ăn thịt.

Được hỏi về mối quan hệ giữa IARC và WHO, ông Hartl nói với Reuters: "WHO làm việc chặt chẽ và liên tục với IARC để cải thiện cách hai cơ quan phối hợp và truyền thông các kiến thức về mối nguy hiểm tiềm năng và rủi ro thực tế đối với công chúng".

Điều không may là các phán xét của IARC có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người và các hoạt động kinh tế của nhiều công ty đa quốc gia, nhiều quốc gia. Các phán quyết của IARC ảnh hưởng đến nhiều thứ, từ liệu các hoá chất có được cấp phép sử dụng trong công nghiệp hoặc liệu người dùng chọn hoặc cự tuyệt các sản phẩm hoặc lối sống nhất định.

Nhưng theo ông Bob Tarone, một cựu chuyên gia thống kê thuộc Viện ung thư quốc gia Mỹ và hiện là giám đốc thống kê sinh học Viện Dịch tễ học quốc tế, phương pháp của IARC là chưa rõ ràng và không phục vụ tốt cộng đồng. Ông nói về cách IARC làm việc: "Nó không tốt cho khoa học, cho các nhà quản lý. Và với người dân thì sao? Vầng, nó chỉ làm người ta thêm hoang mang".

Paolo Boffetta làm việc ở IARC được 19 năm, được thăng cấp trở thành người đứng đầu nhóm di truyền học và dịch tễ học và tự mô tả bản thân là "một người ủng hộ IARC mạnh mẽ". Mặc dù vậy, Boffetta, hiện làm việc tại Trường y Mount Sinai ở Mỹ nói cách tiếp cận của IARC đôi khi thiếu "sự chặt chẽ khoa học" bởi vì những phán đoán của họ có thể liên quan đến các chuyên giá đánh giá lại chính nghiên cứu của mình hoặc của các đồng nghiệp.

Một số viện cũng đã có va chạm với IARC. Hiện IARC đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh luận gay gắt với Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) về glyphosate, một thành phần của thuốc trừ sâu đang được sử dụng rộng rãi. IARC nói glyphosate "có thể gây ung thư". Còn EFSA không phải. Tranh cãi glyphosate đã dấy lên những mối quan ngại về khả năng xung đột quyền lợi ở IARC: Nó liên quan đến một nhà tư vấn cho cơ quan này, người có liên quan mật thiết đến Quỹ môi trường quốc phòng – một nhóm chiến dịch Mỹ phản đối thuốc trừ sâu.

Đối diện với các chỉ trích, IARC kiên định bảo vệ phương pháp và mục đích của mình. "Đây thực sự là một quá trình mạnh nhất có thể", Kurt Straif, người đứng đầu chương trình phân loại của IARC nói với phóng viên Reuters khi được hỏi về cách mà cơ quan của ông đánh giá các khả năng gây ra ung thư.

Giám đốc IARC là Chris Wild cũng đã bảo vệ tổ chức của mình trên các tạp chí khoa học. Trong lá thư gửi tới một tạp chí, ông nói động cơ của các nhà khoa học tham gia vào quá trình quyết định phân loại của IARC "là mong muốn cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách xác định các nguyên nhân gây ung thư ở người và qua đó góp phần phòng chống dịch bệnh".

Richard Sullivan, một giáo sư về chính sách ung thư và sức khoẻ toàn cầu thuộc trường King của College London, nói bất kỳ sự nhầm lẫn nào là do việc hiểu sai phổ biến vai trò của IARC.

"IARC là chỉ thuần tuý làm khoa học. Và khoa học là hoàn toàn tốt", ông nói. "Nhưng có một sự tách biệt giữa khoa học thuần túy và chính sách và thông điệp về sức khỏe cộng đồng. Đây chính là nơi vấn đề nảy sinh".

Cơ quan "liền kề"

Ngay từ đầu, IARC đã là một sự thoả hiệp. Được sinh ra từ một sáng kiến Pháp, nó ban đầu được dự kiến là một cơ quan độc lập với khoản ngân sách khổng lồ. Kết cuộc, nó là một cơ quan bán tự trị của WHO với các khoản quỹ khiêm tốn. IARC có trụ sở tại Lyon (Pháp) với nguồn thu khoảng 30 triệu euro (34 triệu USD) năm 2014 – một con số khiêm tốn nếu so với tổ chức từ thiện Anh Nghiên cứu Ung thư với thu nhập khoảng 875 triệu USD và Viện ung thư quốc gia Mỹ có ngân sách 4,9 tỷ USD hồi năm 2014.

Mặc dù nguồn tài chính eo hẹp, IARC là một người tiên phong và tự định vị mình là một cơ quan hàng đầu thế giới. Những đánh giá của họ về liệu một thứ gì đó có là nguyên nhân gây ung thư rất thu hút các nhà chính sách và dư luận.

Để sản xuất ra những đánh giá của mình, IARC tập hợp nhóm các chuyên gia xem xét các bằng chứng khoa học hiện có và sau đó xếp một chất vào một trong năm loại: gây ung thư cho con người; có lẽ có gây ung thư; có thể gây ung thư; không phân loại chất gây ung thư; và có lẽ không gây ung thư. Các báo cáo này được gọi là "chuyên khảo".

Công chúng đôi khi hiểu lầm ý nghĩa phân loại của IARC. Cơ quan này cho biết họ đánh giá "nguy hiểm" - sức mạnh của bằng chứng về việc liệu một chất hoặc hoạt động có thể gây ung thư ở bất kỳ cách nào. Nó không cứu xét về các cấp điển hình con người tiếp xúc hoặc tiêu thụ. Vì vậy, nó không đo lường "nguy cơ" hay khả năng của một người bị ung thư từ một cái gì đó.

IARC không đưa ra quan điểm về các mức độ tương đối của các nguy cơ mắc ung thư, như từ plutonium hay rượu; Điều họ nói là có chứng cứ rõ ràng rằng cả hai có khả năng gây ung thư. Do đó, họ xếp cả hai chất này vào trong nhóm các chất gây ung thư hàng đầu.

Geoffrey Kabat, một nhà dịch tễ học ung thư ở Đại học Albert Einstein College of Medicine (Mỹ), người đã công khai chỉ trích IARC, nói rằng những phân loại này làm tai hại công chúng.

"Điều công chúng muốn biết là: "Các chất nào trong môi trường xung quanh chúng ta có khả năng có tác động rõ rệt đến sức khỏe? Không phải là những phơi nhiễm lý thuyết có thể, theo một số điều kiện xa vời, có khả năng có ảnh hưởng", ông Kabat, cũng tác giả cuốn sách "Thổi phòng rủi ro sức khoẻ" nói.

Những rủi ro của sự ngộ nhận trong công chúng là điều hiển nhiên, như qua phản ứng của một số phương tiện truyền thông về tuyên bố của IARC về thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Báo Mỹ Huffington Post đã tuyên bố: "Thịt chế biến sẵn là thuốc lá mới". Báo Anh Daily Mail của Anh viết, "những tư lệnh y tế" đã "đặt thịt chế biến sẵn vào mức nguy hiểm tương đương thuốc lá".

Theo quan điểm của IARC, những giải thích như vậy là gây hiểu nhầm. Ông Straif nói rằng trách nhiệm dẫn đến bất kỳ sự hiểm nhầm nào là nằm ở các nhóm hoạt động, trong ngành và truyền thông.

"Có nhiều bên liên quan ở rất nhiều góc độ muốn làm cho nó trông thật lố bịch", ông nói. "Các nhóm hoạt động muốn nói: ‘Đây là một chất gây ung thư của IARC và chúng ta cần phải thực hiện mọi hành động để chống lại nó'. Và sau đó là việc của giới truyền thông, những người có mối quan tâm riêng tạo ra thông tin giật gân".

Straif bảo vệ quyết định đặt thịt qua chế biến vào cùng nhóm nguy hiểm như plutonium, nói rằng, "vì cả hai có bằng chứng rõ ràng rằng đây là những chất gây ung thư ở người".

"Ngây thơ, nếu không phản khoa học"

Một số nhà chỉ trích nói vấn đề của các chuyên khảo của IARC là thành phần của "nhóm làm việc chuyên gia" quyết định chất hoặc hoạt động nào xếp vào trong 1 trong 5 nhóm được phân loại. Đôi khi, các chuyên gia này bao gồm cả những người đã dành nhiều năm xuất bản nghiên cứu liệu chất hoặc hoạt động dưới sự giám sát có thể gây ung thư. Những chuyên gia trong nhóm làm việc có thể đánh giá lại chính nghiên cứu của mình hoặc nghiên cứu của các đồng nghiệp thân cận.

Từ năm 2012-2015 chẳng hạn, IARC công bố hoặc bắt đầu 18 chuyên khảo liên quan đến 314 nhà khoa học. Một phân tích của Reuters phát hiện rằng có ít nhất 61 người trong số các nhà khoa học này phục vụ trong các nhóm làm việc chuyên khảo xem xét chính nghiên cứu của mình. Phân tích này không bao gồm số lượng các nhà khoa học trong các nhóm làm việc xem xét các nghiên cứu của đồng nghiệp thân thiết.

Trong các lá thư, bình luận và các bài báo trên các tạp chí khoa học, ông Tarone (Viện Dịch tễ học quốc tế) và các nhà khoa học các đã đặt câu hỏi liệu những người như vậy "có phải là giám khảo tốt nhất đánh giá sự hợp lệ và tính đúng đắn của nghiên cứu của chính họ và đồng nghiệp?".

Ông Straif của IARC giải thích nhóm làm việc của tổ chức này bao gồm "các chuyên gia giỏi nhất thế giới", những người xem xét các bằng chứng khoa học và không bị ảnh hưởng bởi những phát hiện trước đó trong công việc của mình, hoặc của các đồng nghiệp thân thiết.

Về giả định của IARC rằng tất cả các chuyên gia sẽ được tách ra và độc lập, ông Tarone nói là "ngây thơ, nếu không phải là phản khoa học". Ông nói: "Thật vô lý để khẳng định không có các vấn đề sai lệch liên quan đến lợi ích bản thân, danh tiếng hoặc lợi ích nghề nghiệp. Điều đó chẳng có gì liên quan đến động cơ xấu, đó chỉ đơn giản là bản chất của con người".

Ông Tarone và những người chỉ trích khác nói IARC không nhất quán trong ứng xử về những xung đột tiềm tàng của lợi ích và trích dẫn ví dụ một nghiên cứu về bức xạ phát ra từ điện thoại di động. Hồi tháng 6/2011, IARC kết luận bức xạ như vậy là "có khả năng gây ung thư" và xếp sử dụng điện thoại di động vào cùng loại với chì và chloroform (thuốc mê).

Anders Ahlbom, một giáo sư cao cấp của Viện Karolinska (Thuỵ Điển) ban đầu được mời làm chủ tịch nhóm làm việc về tần số vô tuyến điện hồi tháng 5/2011. Bản thân ông đã nghĩ có ít bằng chứng cho thấy điện thoại di động gây ung thư và đã có phóng viên liên lạc với ông trước đó. Nhà báo đó đã hỏi ông về việc ông có mặt trong hội đồng của công ty tư vấn của anh trai, công ty giúp các khách hàng vận động hành lang về các vấn đề viễn thông.

Việc liên lạc với phóng viên ông đã báo với IARC. IARC quyết định rằng ông Ahlbom liên quan đến xung đột lợi ích và đề nghị ông thôi chức chủ tịch nhóm làm việc chỉ khoảng 1 tuần trước khi cuộc họp của nhóm bắt đầu. Mặc dù ông chấp nhận quyết định nhưng ông nói mình không có xung đột nào bởi vì không có lợi ích tài chính trong công ty của anh trai. Ahlbom nói việc ra đi của ông phá vỡ sự cân bằng của các nhóm làm việc IARC, trong đó có năm nhà khoa học khác, bao gồm các nhà nghiên cứu, những người đã xem điện thoại di động là có khả năng làm tăng nguy cơ u não.

"Dường như IARC xử lý các xung đột lợi ích khác nhau phụ thuộc vào ai là ai và "phe" nào người đó được cho là đại diện", ông nói.

Trong khi đó ông Straif nói IARC "đánh giá tất cả mọi xung đột quyền lợi một cách rất thận trọng, bất kể là của cá nhân hay của tổ chức liên quan". Ông nói việc ra đi của ông Ahlbom không làm mất cân bằng nhóm làm việc.

"Nhìn thấy"nguy cơ gây ung thư

Tại các cuộc họp của nhóm làm việc IARC, các nhà quan sát được mời – những người có các thông tin khoa học liên quan được phép tham dự, nhưng họ phải ký thoả thuận bí mật và không thể thảo luận về nội dung làm việc. Ông Straif cho biết làm như vậy là để bảo đảm các nhà khoa học có thể nói thẳng thắn mà không sợ có những bất đồng hoặc thảo luận bị báo cáo ra bên ngoài mà không có sự đồng ý của họ.

Một nhà quan sát – là một chuyên gia trong khoa học thực phẩm và động vật, người đã từng tham dự nhóm làm việc về thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hồi năm 2015 – đã đồng ý trả lời Reuters với điều kiện giấu tên. Ông cáo buộc rằng nhóm chuyên gia xem xét chứng cứ khoa học rõ ràng để nhằm đạt được một kết quả cụ thể.

Trong đánh giá về thịt, IARC đã vượt ra ngoài cách thức bình thường của việc đánh giá rủi ro. Nó đã cảnh báo cụ thể về những nguy cơ của việc ăn thịt đỏ và thịt chế biến.

Chẳng hạn, IARC tuyên bố rằng ăn mỗi ngày 50g thịt chế biến sẵn, nguy cơ ung thư ruột kết tăng lên 18%. Nhà quan sát nói trên cho biết những số liệu này đến "từ chẳng nơi nào, và qua đêm bỗng nhiên xuất hiện".

Nhà quan sát này nói: "Tôi đã kỳ vọng rằng khoa học sẽ được xem xét với mức độ chặt chẽ cao. Nhưng thành thực là đến cuối ngày làm việc thứ 10, từ quan điểm khoa học tôi thực sự bị sốc".

Còn ông Straif nói những con số đó đến từ "một phân tích tổng hợp" của các tài liệu khoa học và được IARC ban hành bởi vì đã có đủ bằng chứng trong các nghiên cứu dịch tễ học trên người để các chuyên gia nhóm làm việc cảm thấy tự tin đưa ra kết luận.

Ông Straif nói một số nhà quan sát có thể đã bỏ lỡ các phần thảo luận của nhóm làm việc. "Chúng tôi thực sự làm việc suốt ngày đêm, làm việc cả cuối tuần do đó tôi không chắc liệu có nhà quan sát nào có mặt đầy đủ trong các cuộc thảo luận hay không".

Trong khi không phản đối đánh giá của IARC về thịt là một chất gây ung thư, các văn phòng của WHO đã phát đi một loạt thông điệp trên mạng xã hội Twitter trong đó WHO nhấn mạnh rằng "rủi ro sức khoẻ do thịt chế biến sẵn là rất khác so với thuốc lá và a-mi-ăng" và rằng "thịt cung cấp một số dinh dưỡng thiết yếu và khi tiêu thụ ở mức vừa phải thì nó có một vị trí trong bữa ăn lành mạnh".

Tranh cãi đã dấy lên các câu hỏi tại các văn phòng của WHO về sự kiểm soát của WHO đối với IARC. Một nguồn tin nội bộ WHO cho biết hiện đang có cuộc thảo luận về sự cần thiết ghìm cương IARC.

Ông Charles Clift, một chuyên gia về sức khoẻ cộng đồng toàn cầu thuộc Trung tâm giám sát sức khoẻ toàn cầu của Chatham House (Anh), nói WHO nên có vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong trình bày của IARC về các kết luận về thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.

"WHO nên hiện diện ở đó để đưa ra các hướng dẫn có thẩm quyền chứ không chỉ ủng hộ những điều mà có thể bị hiểu sai – hoặc từ IARC hoặc từ bất kỳ ai khác", ông Clift nói.

Người phát ngôn của WHO nói IARC là một "Cơ quan chức năng độc lập" và rằng khi IARC cảnh báo nguy cơ ung thư, "WHO đánh giá hoặc tái đánh giá các mức độ rủi ro liên quan đến các mối nguy hiểm. Dựa trên đánh giá rủi ro, WHO khẳng định hướng dẫn mới hiện tại hoặc các vấn đề nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng".

Thuốc diệt cỏ có gây ung thư?

Tranh cãi gần đây nhất liên quan đến đánh giá của IARC là glyphosate, một chất trong thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi Roundup của công ty Monsanto.

Trong tháng Ba năm ngoái, một chuyên khảo của IARC kết luận rằng glyphosate là "có thể gây ung thư". Nhưng 7 tháng sau Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) – một cơ quan độc lập do Liên minh châu Âu tài trợ - đã công bố một đánh giá khác, nói glyphosate "không gây rủi ro ung thư cho con người".

Nghiên cứu của EFSA dựa vào nghiên cứu do Viện đánh giá rủi ro Liên Bang Đức thực hiện. Viện này đã kết luận "không có mối quan hệ được xác nhận hoặc có ý nghĩa" giữa phơi nhiễm thuốc diệt cỏ glyphosate và tăng nguy cơ ung thư.

Một số nhóm chiến dịch đã ngụ ý EFSA chịu ảnh hưởng quá mức bởi các nghiên cứu do nhà sản xuất Roundup tài trợ. Một người phát ngôn EFSA nói đánh giá của họ đã xem xét hàng trăm nghiên cứu, cả độc lập và được ngành tài trợ.

WHO và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) – tổ chức đã đánh giá glyphosate đầu tiên năm 1986 và xem xét lại vài lần kể từ đó – trước đó cũng kết luận rằng glyphosate "có độc tính thấp đối với con người".

Sự khác biệt có vẻ khiêm tốn nhưng lại có tác động vô cùng lớn đối với nông dân, ngành công nghiệp thực phẩm và người tiêu dùng bởi vì phán quyết của IARC có thể ảnh hưởng đến việc liệu Liên minh châu Âu có tiếp tục cho phép sử dụng glyphosate ở châu Âu hay không.

Cuộc khẩu chiến công khai giữa EFSA và IARC sau đó đã xảy ra. Nó bắt đầu với một lá thư hồi cuối tháng 11 năm ngoái của 96 nhà khoa học. Họ viết thử gửi cho một quan chức cấp cao EU thúc giục ông lờ đi "đánh giá sai sót" của EFSA về glyphosate và thay vào đó ủng hộ đánh giá của IARC.

EFSA bảo vệ quan điểm của mình và phản bác lại. Trong một phát biểu tại Quốc hội châu Âu tháng 12/2015, Giám đốc điều hành EFSA là ông Bernhard Url đã mô tả thư của 96 nhà khoa học là "khoa học Facebook". Ông nói nó đã sử dụng cách tiếp cận "anh có một đánh giá khoa học sau đó anh đăng lên Facebook và ngồi đếm xem có bao nhiêu người thích".

Ông Url nói rằng đó không phải là cách EFSA hoạt động: "Với chúng tôi, đây không phải là cách tiến tới. Chúng tôi sản xuất ra ý kiến khoa học, chúng tôi bảo vệ nó nhưng chúng tôi không thể chịu trách nhiệm liệu nó có được thích hay không".

Ông Url cũng công bố phản hồi dài 18 trang cho lá thư của 96 nhà khoa học, giải thích EFSA đã thực hiện cách tiếp cận khác với IARC như thế nào. Trong đó, ông có mời IARC tới một cuộc họp để thảo luận về chứng cứ và các phương pháp. Song IARC từ chối, thay vào đó đề nghị EFSA phát hành một lời đính chính thư của họ vì cho rằng thư đó có chứa "nhiều lỗi thực tế".

Kurt Straif, người đứng đầu của các chuyên khảo IARC đánh giá liệu các chất có gây ung thư không, cho biết cơ quan của ông đã từ chối lời mời vì EFSA đã không "sửa các tuyên bố sai sự thật", và bởi vì "chúng tôi không thấy một cơ sở cho một cuộc thảo luận phía sau những cánh cửa đóng kín".

Còn một phát ngôn viên của EFSA nói "đáng tiếc rằng cuộc họp sẽ không diễn ra", và nói EFSA "nhắc lại cam kết của mình để hợp tác với IARC và bất kỳ tổ chức khoa học khác có liên quan trong việc đánh giá các loại thuốc trừ sâu".

Hồng Hà

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận