Ca viêm não mô cầu thứ hai tại Hà Nội

Ca viêm não mô cầu thứ hai tại Hà Nội

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác nhận ca viêm não mô cầu thứ hai là một nam thanh niên 24 tuổi, người tiếp xúc gần với bệnh nhân được uống kháng sinh dự phòng.

Bệnh nhân làm việc trong công trường xây dựng ở quận Hai Bà Trưng và sinh sống tại Cấn Thượng, Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết đã cử 2 đội đến các nơi này để điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh. Những trường hợp cần thiết sẽ được uống một liều kháng sinh dự phòng, cách ly và tự theo dõi bệnh tại nhà, nếu có biểu hiện gì bất thường thì đến ngay các cơ sở y tế.

Trước đó 4 ngày, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, đi khám được chẩn đoán viêm màng não. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán viêm não mô cầu. Bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại bệnh viện trong tình trạng tỉnh, sức khỏe ổn.

Trước đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một ca viêm não mô cầu là nam thanh niên 30 tuổi ở Bắc Từ Liêm. Hiện bệnh nhân tỉnh, sinh hoạt bình thường và có thể nói chuyện. Bệnh nhân khởi phát với các dấu hiệu sốt, đau đầu, nôn và buồn nôn; 2 ngày sau lơ mơ, hôn mê. Ngày 22/2, Hải Dương cũng ghi nhận một nữ sinh lớp 12 tử vong do viêm não mô cầu.

Bệnh não mô cầu thường xuất hiện rải rác quanh năm và tăng cao vào mùa xuân. Trung bình một năm Hà Nội ghi nhận 5-7 ca viêm não mô cầu.

Bệnh nhân não mô cầu ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, hiện sức khỏe ổn, sinh hoạt bình thường

Não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường tăng cao vào mùa xuân do yếu tố thời tiết ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn đang nằm sẵn trong họng gây bệnh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.

Trong 5 năm qua cả nước có 610 trường hợp viêm não mô cầu, trong đó 25 ca tử vong. Năm 2015 cả nước có 102 ca bệnh, 4 người tử vong.

Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi. Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thường 3-4 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn... Biểu hiện này tương tự như viêm não, màng não do virus thông thường khác. Bệnh cũng có ban hoại tử trên da nên dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Ngoài ra, bệnh còn khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận