Đứng cách một người hắt hơi 4 mét rồi đợi 45 phút mới thoát được đám vi khuẩn

Đứng cách một người hắt hơi 4 mét rồi đợi 45 phút mới thoát được đám vi khuẩn

Che miệng của bạn rồi rửa tay, những lời khuyên không bao giờ thừa.

Khi một người hắt hơi, họ sẽ phát tán vào môi trường một đám mây được gọi là “sol khí”. Đám mây này mang theo đủ mọi thứ vật chất khủng khiếp, từ dịch lỏng cơ thể, phân tử khí cho đến các mầm bệnh như virus và vi khuẩn.

Có bao giờ bạn tự hỏi: Phạm vi ảnh hưởng của những đám mây này là bao xa? Các nhà nghiên cứu nói: Nếu vị trí người hắt hơi là dưới 4 mét, bạn sẽ phải nằm trong vùng mây kém an toàn này tới 45 phút. Đó là một khoảng thời gian khá dài, làm tăng nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh tật.

Nếu vị trí người hắt hơi là dưới 4 mét, bạn sẽ phải nằm trong vùng mây kém an toàn này tới 45 phút.
Nếu vị trí người hắt hơi là dưới 4 mét, bạn sẽ phải nằm trong vùng mây kém an toàn này tới 45 phút.

Đứng cách một người hắt hơi 4 mét và đợi 45 phút, bạn mới thoát được đám vi khuẩn nguy hiểm
Câu trả lời được đưa ra bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Công nghệ Queensland, Australia. Nghiên cứu của họ nhằm mục đích “tìm hiểu những giọt [sol khí] mang vi khuẩn phát tán từ cú hắt hơi. hoặc ho sẽ di chuyển xa đến đâu, và tồn tại trong khoảng thời gian dài bao lâu để lây nhiễm sang người khác”, theo Lidia Morawska, một trong số các tác giả cho biết.

Bà cùng nhóm của mình tập trung vào một loại vi khuẩn gọi là Pseudomonas aeruginosa. Bốn tháng trước, nó vừa được Tổ chức Y tế thế giới xếp phía đầu bảng danh sách 12 siêu vi khuẩn nguy hiểm nhất thế giới.

P. aeruginosa là một mầm bệnh kháng kháng sinh phổ biến, chuyên gây ra những ca nhiễm trùng như viêm phổi, viêm đường hô hấp và nhiễm trùng máu. Đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là những người đang mang bệnh sẵn có, đặc biệt là xơ nang – căn bệnh ảnh hưởng đến phổi và hệ tiêu hóa suốt đời, khiến người bệnh tăng tiết mồ hôi và dịch nhày.

Cho đến hiện tại, chúng ta đã hiểu khá rõ về P. aeruginosa. Thế nhưng, sự lây lan của vi khuẩn này từ những cú ho và hắt hơi vẫn là điều chưa sáng tỏ.

Hầu hết các nghiên cứu về vấn đề này mới chỉ dựa trên mô phỏng. Trong đó, các nhà khoa học sử dụng dụng cụ nhân tạo như bình xịt để tạo ra một “vụ nổ” giả từ cú hắt hơi. Họ quan sát sự lan truyền của các giọt không khí, rồi phỏng đoán điều tương tự diễn ra với vi khuẩn trong thực tế.

Morawska không hài lòng về điều này. Bà cho rằng cú hắt hơi của bình xịt và con người là hoàn toàn khác nhau, vì vậy, cần có một phương pháp nghiên cứu thực tế hơn. Bà cùng nhóm đã thiết kế một mô hình nghiên cứu hắt hơi ở bệnh nhân thực, và đảm bảo thành công các yếu tố an toàn cho nó.

Cần có một phương pháp nghiên cứu những cú hắt hơi tốt hơn.
Cần có một phương pháp nghiên cứu những cú hắt hơi tốt hơn.

“Chúng tôi đã phát triển xong một kỹ thuật mới để nghiên cứu sự phân hủy ngắn hạn và dài hạn của đám sol khí phát hành từ con người. Kỹ thuật không gây ra sự ô nhiễm không khí xung quanh khi nó được thực hiện”, Morawska cho biết.

Trong trường hợp bạn chưa nghe về khái niệm sol khí, nó từa tựa như một đám mây keo chứa các giọt chất lỏng lẫn rắn, được phát tán vào một môi trường khí. Sương mù, khói bụi ô nhiễm là những dạng sol khí trong tự nhiên. Những cú hắt hơi và ho là sol khí tạo ra bởi con người. Bình xịt sơn, thuốc xịt mũi, xịt khử mùi… đều là những dụng cụ tạo ra sol khí.

Sol khí phát tán rồi tan dần vào môi trường. Đó là một hiện tượng thú vị trong nhiều trường hợp. Nhưng riêng với những cú hắt hơi và ho, sol khí là điều kiện để lây lan mầm bệnh.

Kỹ thuật mà nhóm Morawska phát minh được gọi tắt là TARDIS. Nó cho phép các nhà khoa học quan sát làm thế nào các giọt vật chất, như vi khuẩn sẽ lây lan, dính vào bề mặt xung quanh và tồn tại qua thời gian sau những cú hắt hơn.

Với khả năng làm việc của TARSIS, Morawska đã dùng nó để nghiên cứu những cú ho và hắt hơi của hai bệnh nhân xơ nang và nhiễm trùng pseudomonas aeruginosa mạn tính. Điều mà bà đã phát hiện:

“Ngay khi những giọt nhỏ từ cú ho nổ tung vào không khí, chúng nhanh chóng khô đi, bị làm lạnh và trở nên đủ nhẹ để bay trong không khí. Chúng cũng bị làm yếu một phần khi tiếp xúc với oxy trong môi trường. Những giọt lớn hơn thì mất nhiều thời gian hơn để bay hơi”, Morawska nói.

Hầu hết các giọt trong đám mây sẽ bị làm khô đến mức vi khuẩn không thể tồn tại bên trong chúng. Quá trình này thường diễn ra rất nhanh. Cứ mỗi 10 giây, một nửa số vi khuẩn trong các giọt này sẽ chết.

Thế nhưng, vẫn có một tập hợp nhỏ các giọt mà vi khuẩn sống trong đó có thời gian bán hủy dài hơn. Phải mất tới mỗi 10 phút, lượng vi khuẩn trong đó mới bị giảm đi một nửa. Nó giải thích tại sao vi khuẩn sẽ tồn tại tới 45 phút trong phạm vi 4 mét từ cú hắt hơi.

“Điều này chỉ ra một số vi khuẩn như P. aeruginosa có khả năng đề kháng với sự phân hủy nhanh chóng gây ra bởi các quá trình sinh học tự nhiên. Và do vậy, chúng vẫn tồn tại được trong không khí đủ lâu để tạo ra những nguy cơ lây nhiễm”, Morawska cho biết.

Bạn không thể nhịn những cú hắt hơi, nhưng nếu có lỡ, hãy che miệng.
Bạn không thể nhịn những cú hắt hơi, nhưng nếu có lỡ, hãy che miệng.

Nguyên nhân tận cùng giải thích sự kháng cự dai dẳng này của P. aeruginosa chưa được xác định rõ. Nhưng các nhà khoa học đã đưa ra vài giả thuyết:

“Chúng tôi nghĩ rằng điều này xảy ra, bởi các giọt đã được sinh ra ở những vị trí khác nhau trong đường hô hấp, vì vậy chúng mang những "khoản" vi khuẩn khác nhau”, Morawka đề nghị. “Những giọt lớn chứa vi khuẩn mất nhiều thời gian hơn mới bốc hơi, làm cho vi khuẩn có khả năng kháng cao hơn, duy trì sự tồn tại dai dẳng của chúng trong không khí”.

Mọi lời giải thích sẽ cần phải tiếp tục được kiểm tra bằng thí nghiệm. Nhưng thực tế vi khuẩn tồn tại tới 45 phút và trong bán kính 4 mét từ cú hắt hơi đã được xác nhận. Điều đó có ý nghĩa gì? Nó sẽ cung cấp thêm những hiểu biết quan trọng, giúp các bác sĩ kiểm soát nhiễm trùng trong môi trường bệnh viện.

Thế còn ngoài đời thực, nghiên cứu tiếp tục củng cố cho một nguyên tắc lịch sự tối thiểu: Bạn không thể nhịn những cú hắt hơi, nhưng nếu có lỡ, hãy che miệng rồi rửa tay để không làm ảnh hưởng đến người khác.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận