Luận án tiến sĩ của Stephen Hawking được truy cập mở

Luận án tiến sĩ của Stephen Hawking được truy cập mở

Lần đầu tiên, bản gốc luận án tiến sĩ của Stephen Hawking được công bố trên mạng và cho truy cập mở, miễn phí.

119 trang tài liệu đã được Hawking đệ trình khi là một nghiên cứu sinh 24 tuổi tại Trinity Hall College, một thành viên của Viện Đại học Cambridge.

Tiêu đề của bản luận án là “Những đặc tính của một vũ trụ giãn nở” (Properties of an Expanding Universe), và trong phần dẫn nhập (abstract), Hawking hứa hẹn sẽ khảo cứu “một số ý nghĩa và hệ quả từ sự giãn nở của vũ trụ”. Vì vậy, trong trang 3, ông đã chọn những thiếu sót trong phát hiện của Einstein.

Bản luận án được đóng dấu chính thức của Đại học Cambridge vào ngày 01/02/1966 – năm mà Hawking nhận bằng Tiến sĩ. Đến nay, nó vẫn đang được lưu trữ trên danh mục Apollo về các công trình học thuật của Cambridge.

Tại thời điểm đó, Hawking bắt đầu bị chứng bệnh thoái hóa thần kinh vận động hành hạ, cuối cùng khiến ông không thể di chuyển các bộ phận trên cơ thể. Tuy vậy, ông vẫn có thể viết. Ông đã nhiều lần ký vào bản luận án, bao gồm cả một tuyên bố viết tay rằng bản tài liệu là công trình của riêng ông, và là bản gốc.

Tuyên bố viết tay của Stephen Hawking. Ảnh: Cambridge University Library

Tuyên bố viết tay của Stephen Hawking. Ảnh: Cambridge University Library

Một số trang cũng chứa những phương trình toán học phức tạp được viết bằng tay.

Các phương trình toán học phức tạp viết tay. Ảnh: Cambridge University Library

Các phương trình toán học phức tạp viết tay. Ảnh: Cambridge University Library

Bản luận án trên đã giúp ích nhiều cho khởi đầu sự nghiệp của Hawking, và tạo ra nền tảng cho danh tiếng của ông như là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới. Ngay sau khi bản luận án được chấp nhận, Hawking trở thành thành viên của Gonville và Caius College thuộc Viện Đại học Cambridge – nơi ông vẫn là giáo sư cho đến hôm nay.

Giống như tất cả các luận án tiến sĩ khác, công trình của Hawking đã được Cambridge lưu trữ sau khi chấp thuận, để cho những học giả khác có thể đọc, nghiên cứu và trích dẫn. Tuy nhiên, ai muốn đọc nó thì phải đến Cambridge, hoặc trả phí cho trường để được nhận bản sao. Sau này, cá nhân Hawking đã đồng ý cho Cambridge chuyển tài liệu thành công khai, truy cập mở (open access) như là một phần trong những nỗ lực của ông để mở rộng sự tiếp cận đối với các công trình học thuật.

Trong tuyên bố của mình, kèm theo ấn bản, Hawking cho biết ông hy vọng luận án của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa để theo đuổi khoa học. Ông nói:

“Để cho luận án của mình được phép truy cập mở, tôi mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới hãy nhìn lên các vì sao, thay vì chỉ nhìn xuống chân, để họ thấy băn khoăn về vị trí của mình trong vũ trụ và cố gắng hiểu rõ về nó. Bất cứ ai và ở bất cứ nơi nào trên trái đất cũng có quyền truy cập miễn phí, không bị giới hạn, không chỉ với nghiên cứu của tôi, mà còn là những bộ óc tò mò vĩ đại trong nỗ lực hiểu biết của con người.

"Mỗi thế hệ đều phải đứng trên vai những người tiền nhiệm, giống như tôi đã làm khi còn là một nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ ở Cambridge, chịu ảnh hưởng từ các công trình của Isaac Newton, James Clerk Maxwell và Albert Einstein. Thật tuyệt vời khi biết được sẽ có bao nhiêu người quan tâm tải xuống luận văn của tôi. Mong rằng họ sẽ không cảm thấy thất vọng khi cuối cùng đã có thể truy cập nó.”

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận