9 bài học thành công đắt giá từ Jeff Bezos: CEO của Amazon

9 bài học thành công đắt giá từ Jeff Bezos: CEO của Amazon

9 bài học thành công đắt giá từ Jeff Bezos: CEO của Amazon

Có thể nói, Jeff Bezos là hiện thân của một doanh nhân thông minh, có tầm nhìn xa, người có khả năng xây dựng một "đế chế” và bắt đầu triển khai các hoạt động kinh doanh khác theo phong cách quản lý độc đáo của riêng mình. Sau khi huyền thoại Steve Jobs qua đời, Bezos được mệnh danh là CEO lỗi lạc nhất nước Mỹ.

Dưới đây là 9 bài học được đúc kết trên con đường sự nghiệp của Jeff Bezos, người vừa vượt nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett để trở thành người giàu thứ ba trên thế giới:

1. Kiên định và linh hoạt

Theo Bezos, một doanh nhân giỏi cần phải vừa kiên định và linh hoạt. Dẫn chứng về Amazon, ông nói: "Chúng tôi kiên định về tầm nhìn song linh hoạt về tiểu tiết. Nếu bạn không kiên định, bạn sẽ sớm từ bỏ những thử nghiệm. Và nếu bạn không mềm dẻo, linh hoạt, bạn sẽ đi vào ngõ cụt và bạn sẽ không thấy một giải pháp nào khác cho vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết”.

2. Triết lý về 'Chiếc ghế trống'

Bezos luôn chú trọng đến khách hàng và đề ra tiêu chí làm vừa lòng khách hàng là kim chỉ nam hoạt động của Amazon. Trong những ngày đầu của Amazon, Bezos luôn đặt một chiếc ghế trống trong mỗi cuộc họp. Đối với tất cả những người tham dự, đây là 'khách hàng' của Amazon và chiếc ghế trống có ý nghĩa như là một lời nhắc nhở rằng không có quyết định nào họ đưa ra được phép làm phật ý 'thành viên' quan trọng nhất trong cuộc họp này.

Từ thuở mới lập nghiệp, Bezos đã nhen nhóm ước mơ đưa Amazon trở thành một công ty 'bị ám ảnh bởi khách hàng' (customer-obsessed). Triết lý lấy khách hàng làm trung tâm, "khách hàng là thượng đế” này đã góp phần đưa Amazon trở thành một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới hiện nay.

3. Nói lời xin lỗi không làm tổn thương 'cái tôi' của bạn

Năm 2009, Amazon đã khiến khách hàng nổi giận khi xóa các bản sao hai cuốn sách gây tranh cãi là "Animal Farm" và "1984" của nhà văn George Orwell. Đối với bất kỳ công ty nào thì "tai nạn” này cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ trung bình.

Tuy nhiên, đối với Bezos, bất cứ điều gì làm tổn thương khách hàng thì cũng làm tổn thương chính mình. Chính vì vậy, sau sự cố này ông đích thân viết một bức thư xin lỗi gửi đến tất cả các khách hàng. Trong bức thư có đoạn: "Cách giải quyết của chúng tôi đối với vấn đề này thật ngu ngốc, thiển cận và đáng buồn là trái các nguyên tắc kinh doanh cơ bản của công ty... Chúng tôi cam kết từ nay về sau sẽ đưa ra những quyết định thấu đáo hơn".

Đối với một startup, bạn có thể nghĩ rằng thừa nhận sai lầm có nguy cơ làm mất khách hàng song nếu không nói lời xin lỗi bạn sẽ đẩy khách hàng ra xa mình hơn. Trong ví dụ trên, hầu hết các công ty đơn giản sẽ đưa ra một thông cáo báo chí để cáo lỗi về sai sót đã mắc phải. Nhưng cũng có trường hợp tồi tệ là họ phủ nhận mình sai. Trong trường hợp của Amazon, khi xảy ra sai sót, khách hàng đã tức giận. Song bức thư xin lỗi đầy chân thành của Bezos đã thu phục khách hàng.

4. Triết lý 2 chiếc bánh pizza

Jeff Bezos đặc biệt tin vào những đơn vị làm việc nhỏ song hiệu nghiệm. Theo ông nói, nếu hai chiếc pizza không đủ cho cả nhóm ăn thì có nghĩa là nhóm làm việc đó quá đông và một nhóm chỉ cần từ 5 đến 7 người.

Tư duy này phù hợp với niềm tin khác của Bezos về việc thường xuyên gạt bỏ những yếu tố thừa thãi. Theo ông, các nhóm lớn thường hoạt động kém hiệu quả hơn, thường khó ra quyết định và gây lãng phí về nguồn lực.

Trên thực tế, ý tưởng này đang được các doanh nghiệp nhỏ nhân rộng. Các công ty như AMZInsight lựa chọn giải pháp giao nhiệm vụ cho các nhóm nhỏ. Qua đó, công việc hoàn thành nhanh hơn và cách làm này cho phép các thành viên tự do phát triển các ý tưởng.

5. Dài hạn mới là điều quan trọng

Nhiều dự án mở rộng hoạt động kinh doanh của Amazon thoạt đầu giống như công việc đầu tư hao tiền, tốn của. Đôi khi điều này khiến giá cổ phiếu của Amazon giảm sút và gây ra nhiều chỉ trích. Song những lời chê bai, dè bỉu không làm Bezos phân tâm và ngần ngại thực hiện đầu tư nếu một đề xướng hay một kế hoạch mới có ý nghĩa chiến lược và ông cảm thấy đúng. Bezos sẵn sàng chờ đợi 5 đến 7 bảy năm để dự án đầu tư bắt đầu có lãi. Ví dụ, khi sách điện từ (ebook) lần đầu tiên được giới thiệu, Amazon là cửa hàng duy nhất bán chúng với giá thấp hơn sách in và chấp nhận lỗ trong thời hạn ngắn. Nhờ nhập cuộc sớm, hiện nay Amazon gần như "bá chủ” thị trường sách điện tử đang phát triển mạnh.

6. Đây là ngày đầu tiên (Day 1) của Internet và chúng ta vẫn có nhiều thứ cần học hỏi

Năm 1997, ông đã đưa ra nhận xét này trong bức thư gửi các cổ đông của Amazon. Kể từ đó đến nay, ông không thay đổi lập trường này. Hai toà nhà lớn nhất ở trụ sở mới của Amazon có tên gọi là Day 1 Bắc và Day 1 Nam. Trong các cuộc phỏng vấn, Bezos vẫn nói về Internet như là một thế giới chưa khai phá hết, chưa được hiểu đầy đủ và luôn luôn đem lại những điều bất ngờ mới đầy thú vị.

7. Làm cho nhân viên nghĩ như người làm chủ

Khi Bezos viết tiêu chí này trong bức thư hàng năm đầu tiên của Amazon, Bezos chỉ có 614 nhân viên, tăng so với quân số 158 năm 1996. Hiện nay, số nhân viên đầu quân tại Amazon đạt 230.000 người.

Một thành tố chính của phương án này là sử dụng quyền mua cổ phiếu dành cho nhân viên trong quá trình tuyển dụng. Trong bức thư năm 1997 có đoạn: "Chúng ta sẽ tiếp tục chú trọng tuyển dụng và giữ chân những nhân viên tài năng, uyên bác và tiếp tục bù đắp cho họ bằng quyền mua cổ phiếu thay vì tiền mặt. Thành công của Amazon sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hút và giữ được một cơ sở nhân viên luôn có động cơ làm việc, mà mỗi người trong đó cần phải có lối suy nghĩ như những người làm chủ".

9. Trình bày, thảo luận, không trình chiếu trong các cuộc họp

Bezos cho rằng "Phương thức họp công ty truyền thống là ai đó đứng phía trước phòng họp và trình bày qua các slide (bản) trình chiếu. Cách làm này dễ cho người trình bày song khó cho thính giả. Chính vì vậy, cách làm khác của chúng tôi là tất cả các cuộc họp được thể hiện qua khoảng 6 trang báo cáo. Khi bạn phải viết ra các ý tưởng của bạn thành các câu hoàn chỉnh và các đoạn hoàn chỉnh, bạn phải đào sâu suy nghĩ."

Theo Bezos, các slide trình chiếu khiến tư duy của bạn bị bó hẹp trong những điểm trình bày chính.

9. Thất bại là đều kiện tiên quyết để đổi mới

Amazon được hình thành khi Internet vẫn còn sơ khai và thương mại điện tử phát triển trên mảnh đất chưa định hình rõ. Song khi đó, Bezos nhận thức đầy đủ về những thất bại ở phía trước. Ông đã nói với các nhà đầu tư rằng: "70% khả năng anh sẽ mất toàn bộ số tiền đầu tư, nên đừng đầu tư trừ phi anh có thể chịu được tổn thất đó”.

Tuy nhiên, thay vì cảm thấy chùn bước bởi thất bại có thể xảy ra, Bezos lại cảm thấy mạnh mẽ hơn. Ông biết mình có thể sẽ thất bại nhưng ông cũng biết rằng không có gì có thể ngăn cản ông đưa Amazon tiến lên. Ông cảm thấy được thăng hoa vì ông biết rằng tương lai đang chờ đợi mình và cách tư duy tích cực đó đã tạo nên thành công của Bezos. Bạn nên tính toán về những khả năng thất bại song đừng để điều đó cản trở các kế hoạch của bạn mà thay vào đó sẵn sàng đối mặt với thử thách.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận