Ấn Độ: Nở rộ các startup chăm sóc sức khỏe tư nhân

Ấn Độ: Nở rộ các startup chăm sóc sức khỏe tư nhân

Hệ thống y tế công tệ hại lại chính là cơ hội khổng lồ cho các doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ trong thị trường chăm sóc sức khỏe cho 1,34 tỉ dân.

Trang Dnaindia cho biết, theo một báo cáo của liên đoàn chăm sóc sức khỏe Ấn Độ (NATHEALTH) và Pricewaterhouse gần đây, Ấn Độ là một trong những quốc gia có hạ tầng y tế kém nhất thế giới với tỉ lệ thiếu hụt trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu lên tới 22%, số trung tâm sức khỏe cộng đồng còn thiếu là 1/3 nhu cầu (32%), tiêu chuẩn giường bệnh chỉ có 1,1/1.000 dân so với bình quân thế giới là 2,7 giường bệnh.

Điều này đã mở ra cơ hội khổng lồ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tư nhân Ấn Độ trong thị trường chăm sóc sức khỏe ở đất nước 1,34 tỉ dân, từ các giải pháp thông thường đến ứng dụng công nghệ số.

Ấn Độ: Nở rộ các startup chăm sóc sức khỏe tư nhân

Thị trường 1,34 tỉ dân ở Ấn Độ là mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe tư nhân (Ảnh: Topcount)

Trong thời đại thương mại điện tử là xu hướng chính, ngoài những giải pháp sức khỏe số đa dạng dựa trên điện toán đám mây thì nhu cầu về các trung tâm sức khỏe vật lý ở Ấn Độ đang ngày càng gia tăng hơn bao giờ hết, theo một bài báo gần đây trên tờ tiếng Anh DNA của nước này. Các doanh nhân dám đầu tư vào phân khúc trung tâm sức khỏe vật lý là những người muốn có mặt nhiều hơn trong nhóm thị trường ngách đang tăng trưởng về bệnh mãn tính, chăm sóc ban đầu và sức khỏe tinh thần.

Một vài startup sức khỏe tiêu biểu 

Một trong số các doanh nghiệp điển hình là startup sức khỏe D Care có trụ sở ở Mỹ và New Delhi do bác sĩ Ravi Durvasula sáng lập. Hiện D Care đang tập trung cung cấp dịch vụ chăm sóc ban đầu theo phương pháp Mỹ chú trọng các bệnh về lối sống như tiểu đường, ung thư, tim mạch và sức khỏe phụ nữ.

"Tốt hơn hết là (chúng ta) nên phòng ngừa các cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim bằng các phương pháp chăm sóc tích hợp ban đầu như kiểm soát cân nặng, giảm huyết áp, xử lý đường trong máu cao". Khả năng tương tác 24x7 với bệnh nhân là điều quan trọng trong việc quản lý bệnh tật, bác sĩ Ravi cho biết. D Care cũng đã lên kế hoạch mở thêm nhiều trung tâm ở một số bang khác ở Ấn như Gurgaon, Noida, Gujarat, Andhra Pradesh.

Một startup khác cũng có dự định mở rộng tương tự là Juno Clinic chuyên về sức khỏe tinh thần. Juno hiện có hai trung tâm ở Mumbai. Nhà sáng lập Juno Davesh Manocha cho biết các trung tâm vật lý sẽ xây dựng thương hiệu còn hoạt động trực tuyến đem lại sự linh hoạt. "Ngoài da liễu thì sức khỏe tinh thần là một trong số ít lĩnh vực rất hợp với hạ tầng trực tuyến hoàn toàn từ đặt chỗ tới tư vấn. Công nghệ tư vấn trực tuyến của chúng tôi là chat, hội nghị video, điện thoại. Còn tại các trung tâm vật lý, đó là các buổi làm việc cá nhân với các nhà trị liệu như chuyên gia tâm lý học và tâm thần học".

Ấn Độ: Nở rộ các startup chăm sóc sức khỏe tư nhân

Một trung tâm Juno Clinic ở Mumbai, Ấn Độ (Ảnh: Justdial)

Định hướng phát triển giải pháp thực tế hay công nghệ

Theo ước tính, ngành sức khỏe ở Ấn sẽ đạt tới 280 tỉ USD vào năm 2020. Các doanh nhân sức khỏe quan niệm rằng đây là lĩnh vực mà hai nhóm giải pháp thực và ảo đều sẽ tiếp tục phát triển tốt.

Một doanh nghiệp mạo hiểm khác về chăm sóc sức khỏe là trung tâm chuyên khoa tiểu đường (Diabetes Specialities Centre) đã có 30 trung tâm và đang lên kế hoạch mở thêm 70 trung tâm mới trong vài năm nữa. "Một số bệnh như tiểu đường cần chăm sóc toàn diện bằng một giải pháp nhóm bao gồm các chuyên gia tiểu đường lẫn chuyên gia dinh dưỡng, nhãn khoa, giáo dục...", bác sĩ V Mohan, chủ tịch trung tâm cho biết.

Ấn Độ: Nở rộ các startup chăm sóc sức khỏe tư nhân

Một trung tâm chuyên khoa tiểu đường của bác sĩ Mohan ở Bangalore (Ảnh: Practo)

Trong khi đó, D Care chuyên về giải pháp số lại đang phát triển các ứng dụng di động đảm bảo giao tiếp liên tục giữa bệnh nhân và các đội của phòng khám. "Sự kết hợp giữa chăm sóc trực tiếp với các phác đồ chăm sóc cá nhân mạnh và có hệ thống sẽ đảm bảo kết quả cao nhất", theo bác sĩ Ravi.

Còn với Juno Clinic, theo nhà sáng lập Manocha, tỉ lệ hoạt động trực tuyến và thực tế của công ty này hiện nay là 50:50 "nhưng sẽ nhanh chóng chuyên thành trực tuyến với kỳ vọng đạt tỉ lệ 75% trực tuyến trong sáu tháng kế tiếp. Khi thu thập được nhiều dữ liệu hơn, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo, nơi công nghệ sẽ hỗ trợ cả về khả năng tiếp cận của bệnh nhân lẫn các quá trình điều trị thực tế".

Ấn Độ: Nở rộ các startup chăm sóc sức khỏe tư nhân

(Ảnh: Zencos)

Trần Huyền Linh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận