Apple đã "lách" hàng tỷ USD tiền thuế như thế nào?

Apple đã "lách" hàng tỷ USD tiền thuế như thế nào?

Hôm thứ ba vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đưa ra phán quyết yêu cầu Apple trả lại Ireland 14,5 tỷ USD tiền thuế. Nhưng Ireland không muốn nhận và Apple cũng cho rằng, họ không cần phải trả số tiền này cho chính phủ Ireland. Vậy điều gì đang xảy ra ở đây và làm cách nào Apple không bị "sờ gáy" trong suốt thời gian qua?

Apple đã lách hàng tỷ USD tiền thuế như thế nào?

Apple cũng không muốn trả và Ireland cũng không muốn nhận khoản tiền 14,5 tỷ USD mà EU phán quyết

Theo Business Insider, 14,5 tỷ USD tiền thuế là một số tiền cực kỳ lớn gấp đôi tổng giá trị thuế mà Ireland thu được, vào năm 2015. Không những thế với một quốc gia như Ireland, số tiền này có thể giúp chính phủ chi trả toàn bộ ngân sách y tế hàng năm, xây dựng khoảng 100.000 ngôi nhà cho người nghèo hay trả dứt điểm một phần tiền nợ công của đất nước này (Ireland hiện đang nợ khoảng 200 tỷ USD).

Vào tháng trước, tổng số tiền mặt Apple đang nắm giữ vào khoảng 232 tỷ USD, trong đó có 214 tỷ đến từ các quốc gia nằm ngoài Mỹ. Như vậy, trung bình mỗi tháng Apple bỏ túi khoảng 4,45 tỷ USD, đồng nghĩa khoản tiền thuế 14,5 tỷ USD chỉ tương đương với 3 tháng lợi nhuận, không thấm tháp là bao so với "núi tiền" Apple đang sở hữu.

Theo Ủy ban châu Âu, Apple đã thành lập 2 công ty tại Ireland bao gồm Apple Sales International và  Apple Operations Europe, cả hai đều không có nhân viên hay một văn phòng thực sự nhưng lại tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Trong hàng thập kỷ qua, khi Apple bán iPhone, iPad và Mac tại một quốc gia nào đó thuộc châu Âu, như Pháp chẳng hạn, Apple luôn tìm cách chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được về Ireland, để từ đó Táo khuyết sẽ không phải đóng thuế cho cả hai quốc gia kể trên nhờ vào luật cũ ban hành ở nước này. Thậm chí, căn cứ theo luật thuế mới có hiệu lực từ năm 2015 tại Ireland, Apple Sales International cũng chỉ phải trả 0,005% tiền thuế, tức là cứ 1 triệu USD lợi nhuận Apple kiếm được, hãng chỉ phải đóng 50 USD.

Apple đã lách hàng tỷ USD tiền thuế như thế nào?

Theo Bloomberg, nếu Apple trả theo đúng mức thuế quy định là 12,5%, thì sẽ không có gì đáng bàn ở đây. Nhưng chính nhờ một văn bản mà Apple từng ký vào năm 1991, cho phép Apple được quyền "xử lý thuế có chọn lọc," không những thế, trong một văn bản thỏa thuận khác giữa chính phủ Ireland với Apple, cho phép nhà Táo được quyền chuyển tiền tới một "trụ sở ảo" chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào từ chính quyền.

Về mặt thực tế, Apple cũng phải đóng thuế theo quy định hiện hành cho các chi nhánh có mặt tại Ireland. Tuy nhiên, lợi nhuận của những chi nhánh này lại chuyển tới "trụ sở ảo" đã được miễn thuế, chính vì thế theo Ủy ban châu Âu "chỉ có một phần (rất) nhỏ lợi nhuận từ Apple Sales International bị đánh thuế tại Ireland, phần còn lại sẽ không bao giờ bị đánh thuế ở bất cứ đâu."

Trong năm 2011, Apple Sales International đã thu về 16 tỷ USD lợi nhuận. Và chưa tới 50 triệu USD được chuyển tới các chi nhánh ở Ireland, phần còn lại đều chảy về "trụ sở ảo" nơi nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan thuế.

Tất nhiên, để nhận được ưu ái chỉ cần trả "một khoản tiền tùy ý cho Ireland," Apple cũng đã ký cam kết tạo ra công ăn việc làm cho quốc gia này.

Apple đã lách hàng tỷ USD tiền thuế như thế nào?

Quy trình chuyển tiền để 'lách" thuế của Apple: lợi nhuận ở các store được đổ về Apple Sales International, một phần rất nhỏ được đóng thuế, phần còn lại chuyển về "trụ sở ảo" không bị mất thuế.

Vào năm 1980, kinh tế Ireland đang rơi vào tình trạng "nước sôi lửa bỏng", tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, rất nhiều người đã di cư sang các quốc gia khác nhằm tìm kiếm việc làm. Nhờ chính sách thuế doanh nghiệp thấp nhất châu Âu (12,5%) đã giúp Ireland cải thiện nền kinh tế, thu hút rất nhiều công ty lớn đặt trụ sở tại đây như: Facebook, Google, eBay và Twitter. Bản thân Apple cũng là một trong những công ty công nghệ đầu tiên thiết lập chi nhánh ở quốc gia này.

Cả Ireland và Apple đều cho rằng công ty (Apple) đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế của nước này, với 6000 công nhân làm trong một nhà máy đặt tại Cork, một thành phố nằm phía nam Ireland. Apple cũng tuyên bố công ty đã thuê nhiều lao động tư nhân, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho Ireland.

Giới chức châu Âu cho rằng, thỏa thuận giữa Apple và Ireland giúp Apple có được lợi thế tài chính lớn để qua mặt nhiều đối thủ khác, tạo thành viện trợ nhà nước bất hợp pháp (state aid). Chính phủ Ireland gọi hành động của Ủy ban châu Âu là sự "xâm lấn" chủ quyền. Nước này cho biết Apple sẽ phải trả những gì hãng còn nợ với Ireland. Bản thân CEO Apple, Tim Cook cũng đã phản đối phán quyết đồng thời đưa ra tối hậu thư "tiền thuế có thể được trả. Việc làm cũng có thể có. Nhưng Apple chỉ đáp ứng một điều kiện." Hơn nữa, theo các quy định của EU, phán quyết có thể buộc một quốc gia như Ireland trở về thời kỳ "đồ đá" 10 năm trước nếu thực hiện theo đúng yêu cầu từ phía Ủy ban châu Âu.

CNN cũng tiết lộ, không chỉ có Apple, vào tháng 10 năm ngoái, Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra phán quyết cho biết thỏa thuận về thuế giữa Starbuck và Hà Lan là bất hợp pháp, buộc Starbuck phải trả lại 32,7 triệu USD. Tương tự, vào tháng 10/2014, Ủy ban châu Âu đã bắt đầu điều tra thuế giữa Amazon với Luxembourg, tuyên bố các phán quyết ưu đãi thuế của quốc gia này dành cho Amazon, kể từ năm 2003, đã vi phạm nguyên tắc của khối thương mại chung châu Âu.

Hay thậm chí là Facebook có thể sẽ bị "sờ gáy" vào tháng tới. Mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook có nhiều hoạt động đáng kể tại Ireland, bao gồm việc xây dựng một trụ sở mới và trung tâm dữ liệu ở bên ngoài Dublin. Vì thế, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận thuế giữa Ireland và Facebook, tương tự như đã từng làm với Apple.

Hạnh Nhi

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận