Apple tổn thất hàng tỷ đô mỗi năm vì nạn gian lận sửa chữa iPhone tại Trung Quốc

Apple tổn thất hàng tỷ đô mỗi năm vì nạn gian lận sửa chữa iPhone tại Trung Quốc

Apple tổn thất hàng tỷ đô mỗi năm vì nạn gian lận sửa chữa iPhone tại Trung Quốc

Tờ The Information vừa có bài báo về khó khăn của Apple trong việc xử lý gian lận sửa chữa iPhone kéo dài 5 năm tại Trung Quốc. Theo đó, các băng nhóm tội phạm mua hoặc ăn cắp iPhone, gỡ bỏ các linh kiện giá trị như CPU, màn hình rồi đến Apple Store nói rằng thiết bị bị hỏng và được nhân viên thay thế theo chế độ bảo hành. Các linh kiện này sau đó được đem bán.

Cao điểm, Apple chứng kiến 60% sửa chữa iPhone theo bảo hành tại Trung Quốc và Hồng Kông là gian lận, khiến công ty tổn thất hàng tỷ USD mỗi năm. Lần đầu tiên “táo khuyết” nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề là vào năm 2013 và từ đó nảy sinh cuộc chiến giữa Apple và tội phạm.

Cửa hàng Apple từng áp dụng chính sách khá thoải mái trong việc thay iPhone lỗi miễn là chúng dường như không bị cố ý phá hoại. Quan chức công ty ước tính tỉ lệ lừa đảo chiếm chưa tới 10%. Dù vậy, sang năm 2013, dữ liệu Apple bắt đầu đếm số iPhone chuyển đổi Apple ID sau khi sửa chữa, cung cấp con số chính xác hơn về số thay thế gian lận do những khách hàng hợp pháp thường đăng nhập lại bằng Apple ID mà họ đang sử dụng. Trong khi đó, tội phạm yêu cầu sửa iPhone ăn cắp lại tăng lên đến mức báo động đỏ trong hệ thống của Apple. Lúc này, vấn đề mới được nội bộ hãng xem trọng.

Con số cho thấy thực tế gây sốc đang diễn ra: hơn 60% sửa chữa tại Trung Quốc là gian lận. Theo The Information, trong năm tài khóa 2013, Apple dự trữ 1,6 tỷ USD cho chi phí sửa chữa theo chế độ bảo hành. Cuối cùng, chi phí lên tới 3,7 tỷ USD trong cùng kỳ với phần lớn chênh lệch đến từ Trung Quốc.

Ban đầu, Apple dừng việc nhận sửa chữa của khách hàng không hẹn trước và lập hệ thống đặt chỗ để bảo đảm khách hàng là chủ nhân thật sự của thiết bị. Hệ thống sau đó bị hacker đánh sập nhờ khai thác lỗ hổng trong hệ thống web. Tiếp đến, Apple yêu cầu iPhone phải chạy phần mềm có khả năng xác nhận linh kiện giả mạo bên trong mà không cần nhân viên cửa hàng phải tháo rời linh kiện và kiểm tra thủ công. Tội phạm qua mặt phương pháp này chỉ bằng cách đơn giản là làm cho iPhone không bật lên được.

Một số tội phạm còn tinh vi hơn. Họ mua lại hồ sơ khách hàng Apple đã mua iPhone rồi cấu hình lại iPhone giả theo các số seri này. Chúng lừa Apple cung cấp bảo hành cho iPhone dù đã hết hạn bảo hành.

Apple phản ứng trước các thủ pháp lừa đảo song bọn tội phạm không hề nao núng. Trong một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, quản lý một cửa hàng Apple Store còn bị đe dọa bằng vũ lực khi chúng cố mua chuộc dữ liệu khách hàng.

Hiện nay, Apple yêu cầu tất cả iPhone cần thay thế linh kiện theo bảo hành phải được gửi đến trung tâm sửa chữa đặc biệt để làm các thử nghiệm khắt khe hơn. Hãng thậm chí còn bổ sung các biện pháp bảo mật cho linh kiện iPhone, bao gồm thuốc nhuộm vô hình trên pin và bọc CPU iPhone bằng chất bít kín chống nước được điều chỉnh theo các bước sóng cụ thể.

Bài báo của The Information đổ lỗi cho nguyên tắc bí mật nội bộ của Apple là nguyên nhân khiến Apple xử lý vấn đề này lâu như vậy. Nó cần có thời gian để chuỗi cung ứng nguồn, sản xuất và bộ phận AppleCare hợp tác cùng nhau phát triển các giải pháp hữu ích.

Quá trình đó mất gần 5 năm nhưng dường như cuối cùng Apple cũng tìm ra cách chống lại bọn tội phạm và gian lận sửa chữa iPhone đã giảm. Công ty ước tính số vụ gian lận tại Trung Quốc đã giảm từ cao điểm 60% xuống còn khoảng 20%. Dù vậy, họ đang đối mặt với tình trạng tương tự tại các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, UAE. Đây chính là cuộc chiến chưa có hồi kết đối với hãng công nghệ lớn nhất thế giới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận