BIP 91, kế hoạch vừa giúp Bitcoin tránh khỏi nguy cơ chia tách là gì?

BIP 91, kế hoạch vừa giúp Bitcoin tránh khỏi nguy cơ chia tách là gì?

Đồng tiền ảo Bitcoin đã thoát khỏi nguy cơ bị chia tách vào tối thứ Năm vừa qua , sau khi phần lớn "thợ mỏ" đã đồng ý thực hiện một kế hoạch cải tiến mã hóa có tên gọi là BIP 91. Điều này ngay lập tức đã đẩy giá của Bitcoin lên mức gần 3.000 USD.

BIP 91, kế hoạch vừa giúp Bitcoin tránh khỏi nguy cơ chia tách là gì?

Theo Motherboard, đối với cộng đồng Bitcoin, ngày 20/7 vừa qua là một cột mốc quan trọng vì đó là câu trả lời của họ đối với vấn đề lớn nhất hiện nay của Bitcoin: nó đang quá chậm chạp. Mạng Bitcoin không được thiết kế để có thể xử lý một khối lượng lớn giao dịch khi ngày càng nhiều người muốn tham gia kiếm tiền từ đồng tiền ảo này. Điều này khiến cho các "khối" có kích thước 1 MB chứa dữ liệu giao dịch nhanh chóng lấp đầy "chuỗi khối" (blockchain) của Bitcoin.

Kết quả là một số lượng lớn giao dịch Bitcoin đã bị tồn đọng do phải mất hàng giờ, hoặc thậm chí là vài ngày để được xác nhận trên blockchain (bình thường chỉ mất 10 phút). Nếu muốn được giao dịch nhanh hơn, người dùng sẽ buộc lòng phải trả thêm một khoản phí khác.

Các nhà phát triển Bitcoin đã nhận thức được vấn đề này trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc tìm ra biện pháp giải quyết đã dẫn tới một cuộc tranh luận gay gắt và được ví như nội chiến giữa các nhà phát triển và "thợ mỏ" Bitcoin. Mâu thuẫn này đã dẫn tới nguy cơ Bitcoin có thể bị chia tách thành ít nhất là hai loại tiền ảo khác nhau trong đợt cập nhật phần mềm vào tháng 8 tới đây.

Điều may mắn là vào hôm thứ Năm vừa qua, cuộc nội chiến trong cộng đồng Bitcoin có thể cuối cùng đã chấm dứt khi một giải pháp có tên là "Kế hoạch cải tiến Bitcoin 91" hay còn gọi là BIP 91 đã được thông qua.

Để được thông qua, BIP 91 cần phải được đủ sự ủng hộ của các "thợ mỏ", những người thường xuyên xử lý các "khối" chứa dữ liệu giao dịch Bitcoin. Sự ủng hộ này được thể hiện bằng cách thêm một dữ liệu đặc biệt vào các "khối" tiền ảo. Vào đêm hôm 20/7 vừa qua, 90% số "khối" được giao dịch trên mạng lưới đã được ghi nhận là đều chứa dữ liệu ủng hộ BIP 91.

Cụ thể, BIP 91 là một kế hoạch để khuyến khích việc kích hoạt segwit (hay còn gọi là Segregated Witness), một loại mã hóa cải tiến được hứa hẹn sẽ tăng tốc độ giao dịch của Bitcoin. Ngoài ra, BIP 91 sẽ tăng gấp đôi kích thước của một "khối", từ 1 MB lên 2 MB. Nhờ vậy, Bitcoin sẽ được giao dịch một cách nhanh chóng với số lượng nhiều hơn.  Tuy nhiên, mục tiêu chính của BIP 91 là giúp ngăn chặn nguy cơ Bitcoin bị chia tách.

BIP 148 và BIP 91

Nguy cơ bị chia tách của Bitcoin đã được nhắc tới từ tháng 2/2017 khi một người dùng đề xuất BIP 148 (Kế hoạch cải tiến Bitcoin 148) và được nhiều người ủng hộ cũng như phản đối. Về cơ bản, đây là kế hoạch ép buộc tất cả các "thợ mỏ" Bitcoin phải chuyển sang kích hoạt segwit, bất chấp họ có đồng ý hay là không.

Hạn chót để áp dụng kế hoạch BIP 148 là ngày 1/8. Sau ngày này, Bitcoin sẽ có hai phiên bản, một phiên bản sử dụng segwit và một phiên bản không sử dụng segwit. Thậm chí, những người ủng hộ kế hoạch BIP 148 đã gọi ngày 1/8 là "Ngày độc lập" (ám chỉ việc chia tách Bitcoin).

Nếu là sự thật, cộng đồng Bitcoin sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong giao dịch và bảo mật khi có hai loại tiền ảo khác nhau. Vì vậy, BIP 91 đã được các nhà phát triển đề xuất như là một cơ chế để kích hoạt segwit trên toàn bộ mạng lưới trước ngày 1/8. Nhờ vậy, BIP 148 sẽ trở nên không có hiệu lực.

Cơ chế hoạt động của BIP 91 thực ra rất đơn giản. Một khi kế hoạch này đã được áp dụng, những "khối" đã được các "thợ mỏ" Bitcoin đào nhưng không chứa dữ liệu hỗ trợ segwit sẽ bị mạng lưới tự động bỏ qua. Điều này thúc đẩy các "thợ mỏ" phải nhanh chóng chuyển sang kích hoạt segwit để được giao dịch. Thời gian từ nay đến ngày 1/8 chỉ còn khoảng hơn một tuần nhưng như vậy là đủ để gần như toàn bộ mạng lưới chuyển sang kích hoạt segwit trước thời điểm kế hoạch BIP 148 được áp dụng và chia tách Bitcoin.

Nguy cơ chia tách Bitcoin vẫn còn?

Thực tế, từ nhiều tháng trước, segwit đã được nhiều "thợ mỏ" Bitcoin đồng ý chuyển sang sử dụng dần dần thông qua BIP 141, kế hoạch khởi xướng sử dụng segwit ban đầu. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có khoảng 40% "thợ mỏ" chuyển sang sử dụng segwit đúng như lời cam kết. Nói cách khác, việc thực hiện segwit đã bị đình trệ trong một thời gian và khiến cho tình trạng giao dịch chậm chạp của Bitcoin tiếp tục kéo dài.

Điều này khiến cho nhiều người dùng Bitcoin cảm thấy thất vọng và họ đã phản ứng bằng cách đề xuất BIP 148 nhằm tạo áp lực cho giới "thợ mỏ". Tuy nhiên, việc áp dụng BIP 148 lại khiến cho Bitcoin bị chia tách ra thành ít nhất là hai loại tiền ảo khác nhau, một kết quả ẩn chứa nhiều rủi ro.

Vào cuối năm ngoái, một loại tiền ảo có tên là Ethereum đã bị chia tách ra làm hai loại tiền ảo là Ethereum và Ethereum Classic. Nếu bị chia tách giống như Ethereum, rất có thể sẽ có một đồng tiền ảo mới là Bitcoin Classic sẽ ra đời.

BIP 91, kế hoạch vừa giúp Bitcoin tránh khỏi nguy cơ chia tách là gì?

Đồng Ethereum đã bị chia tách ra làm hai loại vào năm ngoái, điều tương tự có đến với Bitcoin?

Nhờ tỉ lệ ủng hộ cao dành cho BIP 91, đồng Bitcoin hiện đã tránh khỏi được kịch bản bị chia tách. Tuy nhiên, một số người dùng Bitcoin vẫn cho rằng BIP 91 sẽ không đảm bảo rằng tất cả các "thợ mỏ" sẽ chuyển sang sử dụng segwit. Nhà phát triển Bitcoin Petter Todd mới đây đã chỉ ra rằng, hiện chỉ có một số ít người dùng là nghiêm túc tuân thủ theo các nguyên tắc của BIP 91. Điều này khiến cho kịch bản chia tách đồng Bitcoin của BIP 148 vẫn có thể được xét tới trong tương lai.

Mặc dù vậy, tâm trạng chung trên các diễn đàn Bitcoin hiện nay đang khá là vui vẻ khi kế hoạch BIP 91 được thông qua vào ngày 20/7. Rủi ro đồng Bitcoin bị chia tách lắng xuống đã ngay lập tức tác động đến mạng lưới và đẩy giá của đồng tiền ảo này lên tới mức gần 3.000 USD và có thể tăng lên cao hơn nữa trong thời gian tới.

Nguyễn Long

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận