Bphone được marketing theo những chiêu thức nào?

Bphone được marketing theo những chiêu thức nào?

Bphone là chiếc smartphone "Made in Vietnam" gây xôn xao dư luận suốt 2 năm qua, cao trào là thời điểm ra mắt vào năm 2015. Và từ khi rò rỉ tin tức về Bphone tái xuất, không chỉ "làng công nghệ" trở nên sôi động, có nhiều lời đồn đoán, bình luận về sản phẩm này mà người dân bình thường cũng nghe tới BPhone. Sản phẩm này đã được marketing theo những chiêu thức nào mà có sức lan tỏa như vậy và hiệu quả ra sao?

Bphone được marketing theo những chiêu thức nào?

Đồn đoán, rò rỉ... thẩm thấu

Thời buổi kinh tế thị trường doanh nghiệp nào cũng có hoạt động marketing. Doanh nghiệp mạnh thì có chiến lược riêng, doanh nghiệp nhỏ làm theo kiểu "vệt đợt" lăng xê một sản phẩm mới, nhằm tăng cường sự nổi tiếng của nhãn mác, tăng sự tin cậy của khách hàng vào sản phẩm, cải thiện hình ảnh doanh nghiệp. Có nhiều chiêu thức marketing, nhưng nhìn vào Bphone thấy có mấy chiêu vừa phổ thông vừa độc đáo.

Ca dao có câu: "Người khôn đón trước rào sau/ Để cho kẻ dại biết đâu mà ngờ". Người khôn thì hay nói năng rào đón, hư hư thực thực, làm cho người dại khó lòng đoán biết. Câu trả lời báo chí: "Hai tháng nữa Bkav quyết định có làm Bphone2  hay không" của người đúng đầu Bkav, thuộc loại hư, thực. Ngay sau đó đã tạo ra "sự nghi ngờ cần thiết", đồn đoán. Người thường nghĩ, đồn đoán là những điều không hay hoặc những điều quá tốt, nổi tiếng. Bkav đã tận dụng hình thức này để mở đầu dự luận.

Tiếp sau là từ từ rò rỉ thông tin về Bphone2, lúc thì bản mạch, khi thì cấu hình... cứ thế mà tạo sóng dư luận và thẩm thấu vào người tiêu dùng. Và đến cái Giấy mời dự buổi ra mắt Bphone2 mới độc đáo làm sao, làm cho giới truyền thông phải quan tâm, nhiều người biết đến. Đạt đến đỉnh cao là tổ chức sự kiện. Tổ chức sự kiện là một chiêu marketing các doanh nghiệp thường làm, nhưng trong các doanh nghiệp khoa học ít thấy doanh nghiệp nào tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm "hoành tráng" như sản phẩm Bphone 1 và Bphone 2 có lẽ cũng không kém.

Luôn tin tưởng, tự hào về trí tuệ người Việt

Niềm tự hào, tinh thần của một quốc gia là yếu tố chính và là nền tảng của chiêu marketing gọi là "Marketing dựa trên tinh thần dân tộc". Chiêu thức này không mới nhưng chẳng bao giờ cũ, nhiều nước vẫn dùng để quảng bá và kêu gọi người dân ủng hộ hàng nội.

Người bạn tôi đi Myanmar về có kể nhiều chuyện, nhưng có chuyện gần giống như phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt". Các chuỗi siêu thị City Mart tại Myanmar có chiến dịch quảng cáo rất lớn mang tên "Pride of Myanmar"(Niềm tự hào của Myanmar). Tất cả các hàng hóa được dán nhãn "Pride of Myanmar" đều là sản phẩm được sản xuất trong nước, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng truyền thống của đất nước này. Chương trình này nhằm bảo vệ hàng nội địa góp phần giúp các doanh nghiệp nước này phát triển.

Còn anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc một Công ty xuất khẩu lao động sang Nhật, thường xuyên đặt chân tới đất nước này, cho biết: "Nhiều nơi bán hàng ở Nhật xếp sản phẩm thành hai bên rõ rệt: Một bên ghi hàng sản xuất tại Trung Quốc, một bên ghi hàng sản xuất tại Nhật Bản với giá đắt gấp đôi. Nhưng người tiêu dùng Nhật Bản vẫn mua hàng của mình để bảo vệ hàng nội".

Từ năm 2011, hãng bia Budweiser nổi tiếng của Mỹ cho ra mắt những lon bia dành riêng cho mùa hè với hình ảnh quốc kỳ Mỹ và nữ thần tự do nhằm thể hiện lòng yêu nước. Ông Tosh Hall, Giám đốc sáng tạo của Công ty xây dựng thương hiệu JKR, nói: "Chúng tôi nghĩ không có gì mang tính biểu tượng Mỹ hơn là Budweiser". Khi bạn cầm một lon Budweiser trong tay, cũng có nghĩa rằng "America in your hands" (Nước Mỹ trong tay bạn).

Còn người Hàn Quốc đưa phim nội địa chiếu vào giờ vàng trên truyền hình. Các diễn viên trong phim cũng dùng hàng do Hàn Quốc sản xuất,ví như điện thoại Samsung, chứ không phải iPhone.

Sản xuất ra một chiếc điện thoại thông minh đã khó, đạt tới tầm trung, tầm cao cấp lại càng khó hơn. Đến nay trên thế giới vẫn chỉ vài quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ sản xuất được smartphone. Việt Nam lọt vào được danh sách đó, thật đáng tự hào! Các chi tiết như bo mạch, khung máy, loa đều được Bkav tự thiết kế và gia công bởi các đối tác có nhà máy đặt tại Việt Nam. Bkav đã chủ động định vị Bphone là một sản phẩm Việt Nam có thể sánh với thương hiệu ngoại.

Dù marketing có theo chiêu thức nào cũng vẫn là chuyện sau của một sản phẩm, quyết định số phận một sản phẩm là chất lượng. Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, có thể cạnh tranh ngang bằng với sản phẩm, dịch vụ cùng ngành trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu. Bkav đã ý thức rất rõ điều đó, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ Bphone 1 và đã nỗ lực sản xuất Bphone 2 sao cho đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng.

Nhân Bphone 2 sắp ra mắt, ông Ngô Nguyên Kha CEO và người đồng sáng lập hãng điện thoại thương hiệu Việt Mobiistar đã có những chia sẻ đầy thú vị: "Thị trường smartphone Việt Nam rất cần có thêm nhiều tay chơi như Bkav. Nhìn vào chiếc điện thoại Bphone, tôi thấy rất khâm phục đội ngũ Bkav.Tôi nhìn thấy ở họ sự nỗ lực đưa sản phẩm Việt tới tay người tiêu dùng, đó mới ra là điều đáng trân trọng". Người trong "sân chơi điện thoại" mà tỏ ra "tâm phục, khẩu phục" như vậy thật đáng để cho chúng ta suy ngẫm . Xin trích comment về của nicknam Phù Văn Tấn, sau khi đọc tin tức về Bphone 2: "Mọi người hãy ủng hộ hàng Việt Nam như các nước khác đều ủng hộ hàng của họ như thế thì đất nước mới phát triển và ngoại tệ sẽ không xuất ra nước ngoài". Và cứ nhìn vào số người "đặt gạch" mua Bphone2 tăng dần cũng phần nào thể hiện tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Nhưng ngược lại, một số bạn đọc chưa cảm thông với nỗi trăn trở, vất vả của những người làm ra sản phẩm, vẫn bám víu vào một vài khiếm khuyết Bphone 1 để dè bỉu, thậm chí văng tục, làm xấu đi văn hóa giao tiếp trong môi trường mạng, đó còn là sự xúc phạm tới cá nhân, tới nhà sản xuất. Bạn có thể chê sản phẩm nào đó chưa hoàn thiện, không mua nhưng hãy dùng những lời góp ý chân thành để doanh nghiệp làm ra những sản phẩm tốt hơn, đó cũng là cách ủng hộ hàng Việt Nam.

Có thể nói, lòng yêu nước và marketing là 2 yếu tố mà doanh nghiệp có thể kết hợp để mang lại nhiều giá trị. Những hoạt động marketing khơi gợi tinh thần dân tộc được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong thời gian qua không chỉ mang lại những lợi ích như doanh số hay ấn tượng đẹp về thương hiệu, mà còn cống hiến được nhiều giá trị cao cả hơn cho cộng đồng và đất nước. Khi một thương hiệu trở nên nổi tiếng có thể trở thành đại diện cho một quốc gia, một vùng lãnh thổ, sẽ tạo ra "sức mạnh mềm" cho quốc gia, lãnh thổ đó. Cứ nhìn vào các hoạt động và các sản phẩm của Bkav thì họ đang phấn đấu nhắm theo hướng đó. Rất đáng trân trọng, cổ vũ.

Ngọc Tân

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận