CEO Huawei CBG Việt Nam khen Viễn Thông A, FPT Shop ngang chuẩn châu Âu

CEO Huawei CBG Việt Nam khen Viễn Thông A, FPT Shop ngang chuẩn châu Âu

Từng có thời gian làm việc tại Đức và phụ trách thị trường Tây Âu trước khi làm tổng giám đốc Huawei Consumer Business Group Việt Nam, ông Shawn Shu nói khá “sốc” khi chứng kiến sự phát triển của smartphone tại Việt Nam ở lần đầu ông đến đây. Thị trường smartphone tại Việt Nam được cho rằng đã đạt độ chín nhất định, với hệ thống phân phối, bán lẻ chuyên nghiệp và thói quen tiêu dùng của khách hàng rất năng động. Hai yếu tố này không khác nhiều so với thị trường châu Âu.

CEO Huawei CBG Việt Nam khen Viễn Thông A, FPT Shop ngang chuẩn châu Âu

Ông Shawn Shu, Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam - Ảnh: H.Đ

Ông Shu cho biết các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam xây dựng được quy trình tốt ngay từ khâu nhập hàng đến khi bán hàng, ứng dụng nhiều chương trình quản trị tiên tiến, về tổng thể ngang hàng với các hệ thống phân phối, bán lẻ tại châu Âu – nơi ông có thời gian làm việc ít nhất 4 năm. Thêm vào đó, người dùng Việt cũng rất năng động và thông minh khi mua sắm điện thoại. Họ bỏ nhiều thời gian để so sánh thông số kỹ thuật, giá cả, thương hiệu… trước khi mua hàng. Tuy nhiên mặt bằng chung người tiêu dùng Việt Nam trẻ hơn châu Âu.

Ngoài ra, nếu ở châu Âu chỉ có khoảng 10 hãng điện thoại cùng nhau chia sẻ thị phần, thì ở Việt Nam có hàng chục thương hiệu điện thoại lớn nhỏ khác nhau, do đó tính cạnh tranh cũng cao hơn rất nhiều, ông Shu nói trong cuộc trao đổi hôm nay 29/6 trước vài phóng viên.

Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam – công ty chuyên về sản phẩm tiêu dùng như smartphone, đồng hồ thông minh… của tập đoàn Huawei cho biết thị trường điện thoại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Ông dẫn số liệu GfK gần đây cho biết, người Việt bỏ ra trung bình 250USD để mua smartphone – một con số rất lớn nếu so với thu nhập đầu người tại đây. Lý giải về mức giá smartphone tăng cao, tăng trưởng tốt, ông Shu cho biết các chương trình bán hàng trả góp là nguyên nhân chính của các con số ấn tượng này. Tăng trưởng cũng tập trung vào các khu chế xuất, các cụm công nghiệp, nơi tập trung đông người trẻ tuổi.

CEO Huawei CBG Việt Nam khen Viễn Thông A, FPT Shop ngang chuẩn châu Âu

Nhận định về kênh bán hàng online của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị Huawei CBG Việt Nam cho biết, ngành này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Nhận định này xuất phát từ việc Huawei bán sản phẩm Honor 4C qua kênh online của Thế Giới Di Động cách đây một năm. Với mức giá gần 3 triệu đồng và cấu hình tốt, Honor 4C khi đó trở thành hiện tượng khi đạt doanh số cao, một sản phẩm có thể xem là “phá thị trường” do mức giá cạnh tranh trong phân khúc. Tuy nhiên, dù chỉ bán qua kênh online của Thế Giới Di Động nhưng bà Trà cho biết, có đến 80% các giao dịch thành công đều có yếu tố offline. Ví dụ người dùng đặt hàng online nhưng đến cửa hàng lấy máy, trải nghiệm tại cửa hàng trước khi mua… Chính vì lý do này mà Huawei CBG Việt Nam hiện đang tập trung phát triển thương hiệu Huawei, riêng Honor – vốn được định hướng cho các kênh online toàn cầu sẽ bớt được chú trọng hơn cho đến khi thương mại điện tử tại Việt Nam lớn mạnh.

Chia sẻ về thị phần hiện nay, Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam nói đang nắm khoảng 2% thị phần sau một năm rưỡi ra mắt thị trường, đạt tăng trưởng rất cao, và kỳ vọng chiếm 5% thị phần smartphone Việt Nam cuối năm nay.

Nói về chiến lược sắp tới, bà Trà cho biết Huawei sẽ tập trung vào phát triển phân khúc điện thoại tầm trung, tầm cao tại Việt Nam. Trước đó công ty đã giới thiệu GR5 thuộc phân khúc tầm trung, và sẽ ra mắt P9 – chiếc điện thoại cao cấp nhất hiện nay của hãng trên toàn cầu – vào tuần tới. Bà Trà cũng chia sẻ rằng, sẽ ra mắt GR5 Mini trong tháng 7, với mức giá được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng như Honor 4C ra mắt cách đây đúng một năm.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận