Chiếc ghế cha truyền con nối và chuyện cạnh tranh nội bộ gay gắt của Samsung

Chiếc ghế cha truyền con nối và chuyện cạnh tranh nội bộ gay gắt của Samsung

Trước khi dính cú "phốt" cháy nổ Note 7, Samsung đã xây dựng được một đế chế điện thoại thông minh với một cấu trúc doanh nghiệp cạnh tranh nội bộ "không giống ai". Đế chế này đòi hỏi phải có một vị Giám đốc điều hành mạnh mẽ và quyết đoán để lèo lái doanh nghiệp hiệu quả.  

Sau khi tiếp quản ghế "nóng", đây là thời điểm Lee Jae-yong gặp thử thách lớn nhất.

Chiếc ghế cha truyền con nối và chuyện cạnh tranh nội bộ gay gắt của Samsung

Lee Jae-yong đang dần từng bước nắm quyền điều hành tập đoàn

Hôm 23/1, người khổng lồ điện tử Hàn Quốc đã công bố nguyên nhân Note 7 phát nổ. Sự cố Note 7 đã khiến chính quyền Mỹ ra lệnh cấm mang điện thoại này lên các máy bay thương mại, do lo sợ nó có thể tạo ra một "màn pháo hoa trên không". Samsung đổ lỗi cho các nhà cung cấp pin và hy vọng rằng việc thay thế loại pin khác cũng như tiến hành 8 công đoạn kiểm định pin ngặt nghèo sẽ khiến người tiêu dùng an tâm hơn đối với các sản phẩm của hãng.

Ngay cả khi nỗ lực đó thành công, Samsung vẫn phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong việc duy trì vị thế đứng đầu của hãng trong ngành công nghiệp di động. Samsung đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ Trung Quốc, cũng như smartphone Pixel của Google.

Thành công của Samsung trên thị trường di động là nhờ tài năng của Lee Kun-hee sau khi ông tiếp quản công ty từ người cha vào năm 1987. Ông đã tiến hành cải tổ công ty với cách thức quản lý kinh doanh mới, giúp Samsung trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Ngày nay, Samsung là công ty số một về kinh doanh điện thoại di động. Kết quả tài chính công bố tuần qua cho thấy Samsung vẫn đạt được lợi nhuận cao trong năm 2016 bất chấp cú "phốt" Galaxy Note 7.

Năm 2014, vị Chủ tịch Lee Kun-hee đã bị một cơn đau tim. Công ty Samsung sau đó hoạt động mà không có người lãnh đạo. Ông Lee Kun-hee đã có sự chuẩn bị để con trai là Lee Jae-yong kế thừa chức vụ. Nhưng phải mất một thời gian để ông Lee Jae-yong củng cố quyền lực trong công ty.

Hồi đầu tháng 1/2017, các công tố viên Hàn Quốc đã tìm cách bắt giữ Lee Jae-yong vì tội hối lộ chính khách. Tòa án đã bác bỏ yêu cầu của công tố viên đòi bắt giữ Lee, nhưng các công tố viên đã cam kết sẽ tiếp tục tiến hành điều tra. Ngay cả khi "tai qua nạn khỏi", Lee Jae-yong cũng sẽ phải chứng minh ông có tài năng quản lý và lèo lái con thuyền Samsung vượt qua những thử thách sắp tới.

Cạnh tranh nội bộ giúp Samsung thống trị lĩnh vực điện thoại thông minh

Chiếc ghế cha truyền con nối và chuyện cạnh tranh nội bộ gay gắt của Samsung

Chủ tịch Lee Kun-hee đưa Samsung trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu

Vào năm 1993, Samsung là một tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử lớn ở Hàn Quốc. Lee Kun-hee, Chủ tịch tập đoàn, đã tuyên bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải cách văn hóa doanh nghiệp buồn tẻ và thiển cận trước kia để đưa Samsung thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu giống như General Electrics hay Sony.

Lee yêu cầu các công ty con của Samsung phải thuê quản lý là người phương Tây, và gửi các quản lý trẻ tuổi người Hàn Quốc sang thực tập tại các công ty phương Tây. Ông cũng phổ biến cách thức làm việc theo kiểu phương Tây cho doanh nghiệp. Samsung đã trả lương cho nhân viên dựa theo hiệu quả công việc cũng như những thành tích của bộ phận nơi anh ta công tác.

Chủ tịch Lee Kun-hee cố gắng tạo ra sự cạnh tranh càng nhiều càng tốt giữa các bộ phận trong tập đoàn. Khi bộ phận A cần một linh kiện mà bộ phận B có, ví dụ bộ phận sản xuất điện thoại di động cần mua màn hình LCD để lắp vào điện thoại, thì họ được khuyến khích đặt mua linh kiện này từ 2 nhà cung cấp khác nhau - một của Samsung và một bên ngoài.

Trong một bài viết năm 2016 về văn hóa doanh nghiệp Samsung, các học giả Song Jae-yong, Lee Kyung-mook và Tarun Khanna cho biết: "Các công ty con của Samsung không được hưởng ưu đãi đặc biệt nào khi thực hiện giao dịch thương mại với nhau. Họ phải chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ mất hợp đồng vào tay công ty bên ngoài nếu họ không thể cạnh tranh được về giá cả, chất lượng hay thời gian giao hàng".

Nhân viên của bộ phận làm việc hiệu quả nhất sẽ nhận được tiền thưởng trị giá bằng 50% mức lương cơ bản của họ. Ngược lại, Samsung có một chính sách bất kỳ công ty con nào thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, ngoại trừ các công ty mới thành lập, sẽ bị bán hoặc thanh lý.

Những chính sách phát triển tập đoàn giống như thuyết tiến hóa của Darwin đã tạo ra sự thành công cho Samsung trong những năm đầu tham gia cuộc chiến điện thoại thông minh. Khi nhu cầu điện thoại thông minh bùng nổ, và khi Google cung cấp hệ điều hành Android miễn phí, Samsung đã nắm luôn lấy cơ hội này.

Vì Samsung chế tạo được rất nhiều linh kiện chủ chốt trong điện thoại, nên hãng này đã phát triển được các dòng điện thoại nhanh hơn các nhà sản xuất khác, và không ngừng nâng cấp chúng khi các con chip mới được đưa ra thị trường. Văn hóa cạnh tranh nội bộ khốc liệt đã ngăn cản các công ty con của Samsung trở nên tự mãn. Đến năm 2012, Samsung là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, chiếm 30% thị phần toàn cầu.

Mô hình doanh nghiệp Samsung đòi hỏi một nhà lãnh đạo mạnh mẽ

Chiếc ghế cha truyền con nối và chuyện cạnh tranh nội bộ gay gắt của Samsung

Mô hình để các công ty con cạnh tranh với nhau và với các công ty bên ngoài để đảm bảo họ luôn là người dẫn đầu công nghệ nghe có vẻ dễ dàng, nhưng để đưa vào thực tiễn thì cần một người lãnh đạo khéo léo.

Cạnh tranh nội bộ tích cực có thể đoàn kết mọi người trong công ty lại thành một khối "anh em như thể tay chân". Nhưng nếu cạnh tranh trở nên khốc liệt và mất kiểm soát, nó có thể biến doanh nghiệp thành một đống tro tàn. Nếu nhân viên cảm thấy họ bị đối xử bất công hơn so với bộ phận khác trong công ty, họ có thể bị cám dỗ để phá hoại đối thủ của mình. Họ có thể giấu các thông tin quan trọng hoặc đổ lỗi thất bại cho đối thủ, khiến cho tập đoàn như một mớ bòng bong.

Để tránh hậu quả này, ông Lee Kun-hee đã xây dựng một lực lượng các giám đốc điều hành trung thành với Samsung nói chung và với ông nói riêng. Những giám đốc điều hành này không thiên vị bất cứ bộ phận nào trong tập đoàn mà đặt lợi ích của tập đoàn lên hàng đầu. Ông Lee Kun-hee cũng thành lập Văn phòng Chiến lược Doanh nghiệp - nơi có quyền đề bạt hoặc thuyên chuyển các giám đốc điều hành.

Các quản lý cao cấp làm việc tại "Phòng Quản lý Nguồn lực Con người và Tài chính" của các công ty con sẽ kiểm tra hành vi sai phạm của các giám đốc điều hành. Phần lớn các quản lý cấp cao này đã có kinh nghiệm làm việc tại Văn phòng Chiến lược Doanh nghiệp và duy trì mối liên hệ mật thiết với Văn phòng. Các quản lý cấp cao này sẽ báo cáo trực tiếp lên Văn phòng hành vi cạnh tranh phản tác dụng của các giám đốc điều hành của họ.

Tất nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả khi những người trong tập đoàn có một sự tôn kính (hoặc sợ sệt) đối với những người lãnh đạo theo hệ thống phân cấp của tập đoàn. Nếu không, Văn phòng Chiến lược Doanh nghiệp chỉ có thể trở thành một chiến trường cho cuộc đấu đá giữa các bộ phận của Samsung.  

Nếu việc hợp tác tự nguyện giữa các bộ phận là không khả thi, Chủ tịch Lee và Văn phòng Chiến lược Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia vào các quyết định quan trọng và ra chỉ thị cho các bộ phận kinh doanh phải cạnh tranh với nhau hay hợp tác với bộ phận khác.

Điều này dẫn đến một mối nguy hiểm thực sự cho Samsung: nếu Lee Jae-yong trẻ tuổi thiếu các kỹ năng quản lý giống như cha mình, anh có thể thất bại trong việc duy trì sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác để Samsung có thể hoạt động trôi chảy. Các bộ phận của Samsung có thể bị lôi vào những trận đánh "tơi bời khói lửa" thay vì hợp tác với nhau, cùng nhau chia sẻ các cơ hội phát triển. Hoặc ngược lại, họ cũng có thể mất đi tinh thần cạnh tranh, trở nên quan liêu và tự mãn.

Cho đến nay, Lee Jae-yong có cách lãnh đạo tập đoàn hơi khác người cha. Anh ít can dự trực tiếp vào các công việc "triều chính" như Chủ tịch Lee Kun-hee. Theo kênh tin tức Bloomberg thì mặc dù Lee Jae-yong đã có nhiều quyền lực hơn trong tập đoàn, nhưng văn hóa Hàn Quốc chưa cho phép anh kế vị chức vụ khi người cha 74 tuổi vẫn đang còn sống. Còn theo tờ Wall Street Journal thì Jae-yong vẫn chưa trực tiếp tham gia vào các quyết định hàng ngày. Chẳng hạn như anh vẫn giao phó công việc giải quyết sự cố Note 7 cho D.J.Koh – Giám đốc mảng Di động của Samsung.

Samsung đang bị tấn công từ trên xuống dưới

Chiếc ghế cha truyền con nối và chuyện cạnh tranh nội bộ gay gắt của Samsung

Vào thời điểm này, Samsung rất cần một người lãnh đạo giỏi để thực hiện những sự thay đổi chiến lược giúp cho tập đoàn giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường điện thoại thông minh.

Samsung phát triển mạnh từ năm 2009 đến năm 2014. Đó là lúc thị trường điện thoại thông minh mở rộng nhanh chóng và mô hình hoạt động phân cấp dựa trên giá trị của Samsung đã cho phép hãng này ra mắt đồng thời nhiều sản phẩm khác nhau. Samsung vẫn đang có mức lợi nhuận cao, khoảng 25 tỷ USD trong năm 2016. Nhưng trong 3 năm qua thị phần điện thoại thông minh của hãng đã giảm từ mức 32% vào giữa năm 2013 xuống còn 20% hiện nay.

Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Samsung đang bị tấn công ở cả hai đầu cao và thấp. Ở cấp thấp, các nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc đang tiếp tục hạ giá các mẫu điện thoại Android giá rẻ. Samsung đã buộc phải liên tục cắt giảm giá thành trung bình điện thoại của mình. Đây giống như một cái bẫy mà các nhà sản xuất máy tính như Dell và HP đã gặp phải cách đây 15 năm. Theo thời gian, lợi nhuận từ phần cứng máy tính đã trở nên ít ỏi dần. Hầu hết lợi nhuận chảy vào túi các công ty cung cấp phần mềm và dịch vụ trên nền tảng phần cứng đó. Trong thời đại máy tính, đó là Microsoft. Còn trong kỷ nguyên điện thoại thông minh, đó là Google và Facebook.

Apple đã khôn ngoan tránh khỏi cái bẫy này bằng cách làm phần mềm riêng cho phần cứng của mình, khiến cho các sản phẩm máy tính và điện thoại của "Táo khuyết" khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại trên thị trường. Google cũng đang cố gắng tạo ra sự khác biệt bằng mẫu điện thoại Pixel. Đây là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của Google để làm một chiếc điện thoại của riêng mình.

Nếu Samsung muốn duy trì vị thế là một nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, hãng cần phải tạo cho sản phẩm của mình một sự khác biệt so với hàng tá điện thoại Android trên thị trường. Nhiều năm qua Samsung đã rất nỗ lực tạo ra một hệ điều hành riêng hoặc đưa các dịch vụ mang thương hiệu Samsung vào điện thoại. Nhưng những nỗ lực này đã không để lại ấn tượng với người tiêu dùng.

Chiếc ghế cha truyền con nối và chuyện cạnh tranh nội bộ gay gắt của Samsung

Apple có một lợi thế lớn là mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ mà hãng này ra mắt đều có sự hỗ trợ đầy đủ của nền tảng Apple đằng sau. Chẳng hạn khi "Táo khuyết" ra mắt dịch vụ Apple Pay, mọi người đều biết rằng nó sẽ được hỗ trợ bởi hàng chục triệu chiếc iPhone. Trong khi đó cách tiếp cận của Samsung lại ngược lại. Hãng cung cấp cho người dùng một loạt sự lựa chọn bằng việc tung ra rất nhiều dòng sản phẩm gần thời điểm với nhau, đồng thời quảng bá cho những sản phẩm hợp thị hiếu người dùng. Có vẻ như có bàn tay chỉ đạo của người đứng đầu Samsung trong chiến lược này.

Phóng viên Jeremy Wagstaff và Se Young Lee trong một bài viết cho Reuters năm 2015 nói rằng khi họ phỏng vấn các nhân viên của Samsung, họ nhận thấy có một sự chồng chéo giữa các bộ phận cạnh tranh với nhau. "Một người quản lý nói với tôi rằng ứng dụng điều khiển điện thoại rảnh tay mà nhóm của ông đang định cập nhật cho chiếc Galaxy S4 sắp ra mắt đã gặp phải một ứng dụng cạnh tranh khác. Ông đã biết được điều này qua người bên ngoài công ty. Nhưng trớ trêu là ứng dụng cạnh tranh ấy lại là của một bộ phận khác cũng trong tập đoàn Samsung".

Để giải quyết vấn đề này cần một sự thay đổi lớn trong mô hình vận hành của Samsung. Muốn vậy, Samsung cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, lôi cuốn và được kính trọng tuyệt đối. Lee jae-yong có một cơ hội tốt để tránh án tù. Chính cha của ông là Lee Kun-hee cũng đã từng được ân xá năm 2009 sau khi bị buộc tội hối lộ. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn khác cũng nhận được ân huệ tương tự từ chính phủ. Samsung là một thế lực quá lớn. Nếu Chính phủ trừng phạt Samsung có thể khiến kinh tế Hàn Quốc xuống dốc giống như những gì mà Phần Lan đã gặp phải khi Nokia suy tàn.

Nếu Lee Jae-yong được tuyên bố trắng án, ông phải chứng minh được tài năng lãnh đạo của mình. Nhiều người đang tự hỏi liệu Jae-yong có thể xỏ vừa đôi giày của người cha? Tất cả còn đang ở phía trước.

Đăng Khoa

Theo Vox

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận