Chiếc smartphone và nền kinh tế số

Chiếc smartphone và nền kinh tế số

Chiếc smartphone và nền kinh tế số

Thời đại số hóa và di động lên ngôi

Được hình hình thành với sự bùng nổ Internet ở Việt Nam (nhất là khi có ADSL và cáp quang), trong những năm qua, ngành công nghiệp NDS Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu ngành CNTT đất nước. Trong giai đoạn 2008-2014, ngành công nghiệp NDS tăng trưởng 20%/năm, thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất, tạo điều kiện cho hơn 70.000 lao động. Tính riêng năm 2015, lĩnh vực công nghiệp NDS ước đạt doanh thu trên 1,5 tỷ USD tăng khoảng 10% so với năm 2014. Cho đến nay, Việt Nam đã có một ngành công nghiệp NDS phong phú, trong đó có sản phẩm giáo dục, giải trí trực tuyến, ứng dụng di động… và đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực. Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, việc phát triển trên cơ sở nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế chung khi nền kinh tế truyền thống đang bão hòa. Ứng dụng sâu rộng của CNTT đã hình thành một nền kinh tế số “không biên giới” mang lại lợi nhuận giá trị cao. Trong “cuộc chơi này”, Việt Nam có một số lợi thế nổi trội như nhân lực trẻ, dịch vụ di động và smarphone phổ biến, hạ tầng viễn thông và CNTT phát triển nhanh và đồng bộ… Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng khuyến nghị, không chỉ các doanh nghiệp viễn thông, CNTT sẵn sàng cho kỷ nguyên số hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà tất cả các thành phần kinh tế Việt Nam đều phải sẵn sàng đón nhận, chuẩn bị cho các cơ hội phát triển mới. Bởi cuộc cách mạng số hóa đã và đang diễn ra, không thể đảo ngược được.

 Nếu như 3-4 năm về trước, nói đến NDS là nói đến game online, các ứng dụng, dịch vụ trực tiếp dành cho máy tính (kể cả để bàn và xách tay), tức là những thiết bị sử dụng, kết nối Internet theo truyền thống. Thì hiện nay, nói đến NDS, tức là nói đến những dịch vụ, ứng dụng dành cho smartphone. Sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng viễn thông với các dịch vụ băng thông 3G, 4G và sự gia tăng như vũ bão số lượng smartphone đã thay đổi khái niệm đó, không chỉ trên thế giới, mà còn trực tiếp ở Việt Nam. Báo cáo của Bộ TT-TT cho hay, năm 2015 được xem là cột mốc đánh dấu sự phát triển và tầm ảnh hưởng lan rộng của game mobile. Theo đó, doanh thu thị trường game di động Việt trong năm 2015 đạt khoảng 107 triệu USD (tương đương khoảng 2400 tỷ đồng), chiếm khoảng 50% tổng doanh thu thị trường game online ở Việt Nam. Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG cho biết,  từ năm 2013 tới nay, doanh thu game máy tính ở Việt Nam liên tục giảm và dự báo xu hướng này còn tiếp tục tới 2020 với tốc độ -12%/năm. Ngược lại, thị trường mobile game đang tăng, đặc biệt phát tiển mạnh trong giai đoạn 2016-2020 với tốc độ 40%/năm.

Smarphone chính là Internet

Cũng theo ông Lê Hồng Minh, kết nối Internet từ máy tính cá nhân, đồng nghĩa với ít di chuyển là một cản trở rất lớn đối với những người trẻ tuổi. Hiện nay, smartphone mang tính cá nhân hóa rất lớn, kết nối Internet dễ dàng và linh động với thời lượng dùng từ 2-3 giờ mỗi ngày, mọi người có thể sử dụng liên tục mọi lúc mọi nơi và mức độ chuyên sâu cao hơn từ 10 đến 30 lần. Đối với những người trẻ từ 25 tuổi trở xuống thì Internet với họ chính là smartphone và không có khái niệm máy tính cá nhân (PC). Nếu như năm 2010, số lượng người dùng smartphone ở Việt Nam còn thấp thì tới 2016, con số này vào khoảng 30 triệu và tới 2020 sẽ là khoảng 60 triệu người dùng, trong khi lượng người dùng máy tính vào Internet sẽ vào khoảng 15 triệu. “Cơ hội cho thị trường Internet di động cao hơn 40-100 lần so với thị trường Internet máy tính truyền thống” - ông Minh khẳng định. Nói cách khác, mọi động thái của ngành công nghiệp NDS giờ đều xoay quanh chiếc smartphone. Nếu như Internet là cuộc cách mạng, sự thay đổi lớn lao cách thức giao tiếp, truyền thông của con người, thì chính chiếc smaphone đã làm đơn giản hóa cách thức tiếp cận sử dụng Internet của con người!

Cùng với kết nối Internet (qua 2G, 3G, 4G hay Wifi…) chiếc smartphone đã len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội cũng như nền kinh tế. Từ giải trí, giáo dục, quản lý con cái, đến thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, game hay các thị trường mới như taxi... Cụ thể, mức độ thâm nhập của di động vào thị trường quảng cáo trực tuyến tăng 40% mỗi năm, game di động cũng tăng 40% mỗi năm, thị trường thương mại điện tử di động tăng 60% mỗi năm, thanh toán di động trực tuyến tăng 80% mỗi năm. Báo cáo mới nhất của Google về hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2016 cho hay, số lượng dùng thiết bị di động hiện nay gấp 2 lần số lượng dùng máy tính và đang thâm nhập vào mọi mặt của đời sống. Khi nói, Internet và công nghiệp NDS đang xoay quanh, đang chính là chiếc smartphone không có gì sai hay quá đáng cả. Đó là xu thế chung của thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận