Chính phủ Ấn Độ tìm cách giết Bitcoin nhưng lại "lỡ yêu" công nghệ blockchain

Chính phủ Ấn Độ tìm cách giết Bitcoin nhưng lại "lỡ yêu" công nghệ blockchain

Chính quyền của Thủ tướng Narandra Modi đang tìm cách xoá sổ mọi hoạt động liên quan tiền mã hoá tại Ấn Độ, nhưng lại tỏ ra hào hứng với công nghệ "xương sống" của loại tiền này - công nghệ blockchain.

Chính phủ Ấn Độ tìm cách giết Bitcoin nhưng lại lỡ yêu công nghệ blockchain

Theo trang tin Quartz, công nghệ sổ cái phân phối đang ngày càng được ưa thích tại nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này trong việc củng cố thông tin, cảnh báo tất cả các bên liên quan và ngăn ngừa giả mạo. Trong một bài phát biểu vào ngày 1/2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley thậm chi còn công bố kế hoạch ứng dụng công nghệ blockchain tại nước này.

"Chính phủ sẽ tìm hiểu việc sử dụng công nghệ blockchain một cách chủ động để mở ra cánh cửa vào nền kinh tế số" - Jaitley nói.

Được biết đến như là công nghệ xương sống của các loại tiền mã hoá như bitcoin và Ether, blockchain là một cuốn sổ cái công cộng được số hoá và phân quyền ghi lại mọi giao dịch tiền mã hoá. Bên cạnh ứng dụng trên lĩnh vực tài chính, blockchain về cơ bản là một nền tảng kế toán có thể được truy cập bởi bất kỳ ai trên Internet nhưng không thuộc sở hữu của ai cả.

"Khi bạn có một blockchain, bạn có một bảng tính lớn trên đám mây đóng vai trò một hệ thống lưu trữ bản ghi, không thể giả mạo và không thể đảo ngược" - Nicolas Cary, đồng sáng lập và chủ tịch của công ty Blockchain cho biết.

Các chính quyền tỏ ra hào hứng với công nghệ blockchain

Công nghệ blockchain đã tạo ra những làn sóng phấn khích tại bang phía Nam của Ấn Độ là Andhra Pradesh.

Chính quyền tại đây hiện đang làm việc với startup đến từ Thuỵ Điển là ChromaWay để thiết lập một hệ thống đăng ký đất đai dựa trên blockchain, cho phép mọi người thế chấp tài sản, vay vốn và đầu tư vào tài sản đó. Việc theo dõi quyền sở hữu tài sản bằng cách sử dụng blockchain cho phép mọi người tránh được các tranh chấp, gian lận và sai sót, đồng thời giảm bớt rắc rối hành chính về đăng ký và chuyển nhượng quyền sở hữu.

Các cơ quan đăng ký trên toàn thế giới hiện thực hiện việc nhập liệu theo một trong ba cách: ghi lên giấy, ghi vào một cơ sở dữ liệu dưới hình thức các tập tin PDF đã được ký, hoặc ghi dưới hình thức các tập tin kỹ thuật số mà máy tính có thể đọc được. Cách thứ ba là cách mà hầu hết các cơ quan đăng ký đất đai hi vọng sẽ thực hiện được. August Botsford - trưởng bộ phận phân tích an ninh của Chromaway cho biết: "Nó hiệu quả hơn, và bạn có thể làm nhiều thứ với dữ liệu của mình, bao gồm cả phân tích và tự động hoá. Nếu xem xét quy trình chuyển nhượng quyền sở hữu đất và đăng ký vào blockchain như một phương thức tốt hơn và có thể thực hiện được trong tương lai, thì giá cả của nó sẽ rất tương xứng với các giải pháp IT quy mô lớn khác".

"Hàng xóm" của bang Andhra Pradesh là bang Telangana cũng đang số hoá hệ thống quản lý tài sản của mình.

Ngoài đăng ký đất đai, blockchain còn có thể đặt dấu chấm hết cho các loại hình lừa đảo khác như đánh cắp danh tính. Để giảm khả năng bị hack - một vấn nạn đang nổi lên tại Ấn Độ - nền tảng web có thể quản lý ID kỹ thuật số. "Hiện tại, nếu bạn đăng ký hoặc chi trả thứ gì đó trên Internet, bạn đã khiến thông tin cá nhân chưa được mã hoá của mình bị lưu trữ trên khắp Internet, vô tình tạo thành một hũ mật thu hút những kẻ tấn công đánh cắp dữ liệu của dịch vụ đó" - Cary nói. Với blockchain, chỉ các thông tin đã mã hoá và có liên quan được đưa ra những khi cần thiết.

Bang Andhra Pradesk đang đi trước một bước trong việc ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý đăng ký đất đai so với các bang khác. Họ cũng thiết lập quan hệ đối tác với công ty an ninh mạng WISekey để một lần nữa đi đầu trong ứng dụng blockchain vào bảo mật các dữ liệu của công dân.

Chính phủ Ấn Độ tìm cách giết Bitcoin nhưng lại lỡ yêu công nghệ blockchain

Gần đây, chính quyền bang Maharashtra (một bang ở miền Tây Ấn Độ) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo công nghiệp, các nhà nghiên cứu và nhiều cá nhân, tổ chức khác để lên kế hoạch ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động chính quyền điện tử.

"Chính phủ là một trong những tổ chức tạo ra và tiêu thụ lượng dữ liệu khổng lồ. Blockchain sẽ giúp luồn dữ liệu trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn, đồng thời nâng cao khả năng giải trình và tiếp cận" - Thống đốc bang Devendra Fadnavis nói tại Hội nghị công nghệ Maharashtra (MTech) hồi 17/1 vừa qua.

Giữa làn sóng bi quan và kêu gọi kiềm chế hoạt động tiền mã hoá, thì ngân hàng trung ương của Ấn Độ là Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ vẫn tin rằng công nghệ blockchain đã thực sự trưởng thành để có thể đưa vào ứng dụng. Các ngân hàng tại nước này đã và đang dựa vào blockchain để hỗ trợ các giao dịch ra nước ngoài, giao dịch quốc tế, và nhiều tiến trình khác.

Sự phát triển rộng rãi của blockchain trong ngành kinh tế tư nhân như bảo hiểm, chăm sóc sức khoẻ, công nghiệp chế tạo... có thể giúp giảm đáng kể gánh nạnh đối với chính phủ.

"Tận dụng công nghệ blockchain có thể giúp mở ra những phương thức bảo mật giao dịch ngang hàng mới, đẩy mạnh các ngành tài chính thương mại, tài chính công nghệ và lưu trữ thông tin" - Sapan Gupta, lãnh đạo mảng ngân hàng và tài chính tại công ty luật Shardul Amarchand Mangaldas cho biết - "Việc phân biệt rạch ròi giữa công nghệ blockchain và tiền mã hoá cho thấy ý định của chính phủ trong việc sử dụng công nghệ theo hướng ngày một rộng rãi và an toàn hơn, trước khi họ đưa ra những kế hoạch khác, như thay thế các loại tiền tệ".

Tác dụng phụ tích cực

Sử dụng blockchain để giám sát chuỗi cung ứng nghĩa là quá trình vận chuyển của một món hàng có thể được theo dõi từ nguồn đến nơi bán thông qua thu thập thông tin từ các sổ các bảo mật đặt trên "đám mây".

Ví dụ, trong ngành công nghiệp thực phẩm và bán lẻ, các lô hàng có thể được theo dõi và ghi lại thông qua một blockchain theo thời gian thực.

"Nó có thể giúp cứu nhiều mạng sống trong các sự kiện như một đợt bùng phát dịch bệnh lây qua đường thức ăn" - Daniele Bianchi, trợ lý giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Warwick cho biết - "Điều này rất hữu ích đối với cả người tiêu dùnglẫn chính phủ. Đặc biệt đối với những nền kinh tế đang phát triển, nơi chuỗi cung ứng thường không hề dễ dàng để theo dõi".

Chính phủ Ấn Độ tìm cách giết Bitcoin nhưng lại lỡ yêu công nghệ blockchain

Một hội thảo về blockchain tại Ấn Độ

Cũng như khiến tội phạm đánh cắp danh tính trở nên khó thực hiện hơn, việc can thiệp trái phép vào các tài sản kỹ thuật số quan trọng - như hồ sơ bệnh nhân trong ngành y tế, hay các khoản thanh toán bảo hiểm - cũng trở nên ít đáng lưu tâm hơn bởi không một cơ quan nào có thể chỉnh sửa các bản ghi đó cả. Tại Bajaj Finserv - công ty cổ phần của công ty tài chính phi ngân hàng (NBFC) và bảo hiểm thuộc tập đoàn Bajaj Group, công nghệ blockchain đang được sử dụng để đơn giản hoá việc yêu cầu bảo hiểm du lịch. Nếu một chuyến bay bị hoãn, thông tin sẽ được chuyển đến hệ thống và lượng bảo hiểm được yêu cầu sẽ tự động được tính toán và chi trả mà khách hàng thậm chí không cần phải đệ trình bất kỳ một thủ tục nào cả.

Hiện có hơn 40 startup tại Ấn Độ hoạt động trên lĩnh vực công nghệ blockchain trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như tài chính, chăm sóc sức khoẻ, an ninh mạng và kho vận. Thế nhưng tính ứng dụng trong thực tế của công nghệ này vẫn còn khá ít.

Vẫn còn đang học hỏi

Sau một số cuộc phỏng vấn với những tổ chức đầu tiên ứng dụng blockchain, cả về phía khách hàng lẫn doanh nghiệp, công ty tư vấn Deloitte đã nhận ra một số rào cản trong sử dụng công nghệ blockchain hiện vẫn tồn tại trong thị trường Ấn Độ. Nhiều thách thức đang nổi lên, từ sự thiếu hụt nhận thức về blockchain, đến thiếu những đối tác đáng tin cậy, đến những quan ngại về an ninh mạng.

"Mối nguy hại chủ yếu đến từ vấn nạn hack. Sự cải tiến của blockchain cũng mang lại những phương thức tấn công khác nhau mà rất ít người hiểu được, và cũng rất khó để giảm thiểu thiệt hại như đối với những vụ tấn công truyền thống nhắm vào các kiến trúc quản trị cơ sở dữ liệu thông thường".

Thế nhưng, những quan ngại này cũng không ngăn được chính phủ Ấn Độ lạc quan về những ứng dụng của công nghệ blockchain mà họ đang theo đuổi.

Minh.T.T

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận