Cú bắt tay của Google và Xiaomi để ra chiếc Mi A1 báo hiệu sự thay đổi lớn của Android One

Cú bắt tay của Google và Xiaomi để ra chiếc Mi A1 báo hiệu sự thay đổi lớn của Android One

Hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi vừa giới thiệu chiếc Mi A1 trong sự kiện ở New Delhi, Ấn Độ. Một trong những điểm gây chú ý nhất ở sự kiện này là cú bắt tay hợp tác giữa Xiaomi với Google để ra mắt chiếc điện thoại Mi A1 theo chương trình Android One.

Tại sao cú bắt tay giữa Google và Xiaomi lại được chú ý như vậy? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về chương trình Android One.

Android One lúc khởi đầu

Vào năm 2014, Google đã giới thiệu chương trình Android One tại hội nghị thường niên của hãng với các nhà phát triển. Chương trình này khi đó ra đời là nhằm cung cấp trải nghiệm Android gốc chất lượng cho các smartphone tầm giá rẻ, khoảng 100 USD. Với các điện thoại Android One, Google cung cấp thiết kế phần cứng tham chiếu cho các công ty tham gia cùng với hệ điều hành Android được hãng này cam kết cập nhật đều đặn trong 2 năm.

Cú bắt tay của Google và Xiaomi để ra chiếc Mi A1 báo hiệu sự thay đổi lớn của Android One

Nhóm các nhà sản xuất đầu tiên ra mắt các thiết bị Android One vào tháng 9/2014 là các nhà sản xuất của Ấn Độ gồm Micromax, Karbonn và Spice ở mức giá khoảng 6.000 rupee (khoảng 2 triệu đồng). Vào thời điểm ra mắt lúc đó, phó chủ tịch Google là Sundar Pichai (bây giờ là tổng giám đốc điều hành Google) nói rằng chương trình Android One ra đời từ thực tế của thị trường Ấn Độ. Sau đó, chương trình Android One mở rộng ra nhiều quốc gia khác như Pakistan, Sri Lanka, Myanmar, Philippines, Bangladesh và Nepal.

Tuy vậy, giai đoạn đầu của Android One không thực sự thành công. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Couterpoint, các máy Android One chỉ bán được khoảng vài triệu máy sau 3 năm ra mắt và thâm nhập được tới 18 quốc gia.

Cú bắt tay của Google và Xiaomi để ra chiếc Mi A1 báo hiệu sự thay đổi lớn của Android One

Bảng thị phần Android One của các nhà sản xuất giai đoạn 2014-2015, theo số liệu của Counterpoint.

Cú bắt tay với Xiaomi và sự thay đổi bước ngoặt của Android One

Hợp tác giữa Google và Xiaomi ra mắt chiếc Mi A1 là sự kiện đánh dấu sự trở lại của chương trình Android One sau vài năm không thành công. Tuy nhiên, lần trở lại này Google đã có những thay đổi.

Trao đổi với trang All About Android mới đây, phó chủ tịch Sameer Samat của Google phụ trách Android và Google Play nói rằng trong thời gian đầu triển khai chương trình Android One, Google can thiệp vào 3 thứ: yêu cầu cấu hình phần cứng cho các nhà sản xuất, yêu cầu sử dụng Google UI (Android gốc) trên điện thoại và nhà sản xuất phải cam kết cập nhật bảo mật thường xuyên.

Nhưng hiện nay, phó chủ tịch Google nói rằng họ đã thay đổi. "Chúng tôi đã học được vài điều. Một điều chúng tôi học được là có nhiều người dùng thực sự thích Google UI và thực sự muốn được cập nhật bảo mật nhưng họ không chỉ muốn sử dụng thiết bị ở phân khúc thấp. Có nhiều người dùng thiết bị tầm trung và cao cấp muốn những điều này. Do đó, chúng tôi đã thay đổi chương trình Android One. Chúng tôi không xác định cụ thể về phần cứng nữa. Chúng tôi đề xuất phần cứng nhưng các nhà sản xuất có thể tự chọn phần cứng mà họ muốn", ông Sameer Samat chia sẻ.

Cú bắt tay của Google và Xiaomi để ra chiếc Mi A1 báo hiệu sự thay đổi lớn của Android One

Chiếc Xiaomi Mi A1, ra mắt vào ngày 5/9 ở Ấn Độ vừa qua ở Ấn Độ với giá khoảng 5,3 triệu đồng, đánh dấu bước khởi đầu về sự đổi mới của chương trình Android. Với sản phẩm này, Google nhắm đến những người dùng ở phân khúc tầm trung tại các thị trường mới nổi, là những thị trường có nhu cầu smartphone tăng cao. Tầm trung từ mức giá 4-6 triệu đồng cũng đang là phân khúc có tăng trưởng cao nhất ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

Với Xiaomi, Mi A1 là smartphone có thể giúp hãng này lấp được khoảng trống trong phân khúc tầm trung và cũng là sản phẩm để mở rộng kênh bán lẻ truyền thống (offline), một điểm mà Xiaomi đang đi sau các hãng đối thủ. Hơn nữa, với kế hoạch bán ở gần 40 quốc gia, Mi A1 có thể giúp Google nhanh chóng mở rộng chương trình Android One. Trước đó, Google chỉ đến được 20 nước trong 3 năm thực hiện chương trình Android One qua sự hợp tác với 18 nhà sản xuất. Do vậy, có thể nói cú bắt tay giữa Google và Xiaomi ở sản phẩm Mi A1 là chiến lược thắng lợi cho cả hai.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu Counterpoint, với chiếc Mi A1, Xiaomi có thể vượt toàn bộ sản lượng smartphone bán ra từ trước đến nay của chương trình Android One (khoảng vài triệu máy như đề cập phía trên). Dự báo này có cơ sở bởi Mi A1 là sản phẩm cấu hình tốt và giá cạnh tranh. Việc sử dụng Android gốc có thể không phải là tiêu chí quá quan trọng trong quyết định mua sắm nhưng việc được cập nhật phần mềm nhanh trong quá trình sử dụng sẽ là điều mà người dùng quan tâm.

Cú bắt tay của Google và Xiaomi để ra chiếc Mi A1 báo hiệu sự thay đổi lớn của Android One

Counterpoint cho rằng một trong những lý do chính dẫn đến sự thất bại của loạt máy Android One đầu tiên là sự thiếu quan tâm thúc đẩy Android One của các nhà sản xuất. Những thiết bị riêng của các hãng này ở thời điểm đó có cấu hình và lợi nhuận tốt hơn. Hơn nữa, các nhà sản xuất không muốn bị điều khiển về phần cứng từ một bên thứ ba. Trong chiếc Mi A1 mới, Google đã nói rõ rằng họ chỉ quan tâm đến trải nghiệm phần mềm, còn phần cứng sẽ do Xiaomi chịu trách nhiệm.

Trên bình diện rộng hơn, sau hợp tác với Xiaomi, Google muốn bắn tín hiệu rằng họ muốn mở cửa hợp tác với nhiều nhà sản xuất có tên tuổi khác trong phân khúc tầm trung, không chỉ giới hạn ở những nhà sản xuất nhỏ như giai đoạn đầu của chương trình Android One. Điều này có thể khiến nhiều nhà sản xuất quan tâm bởi sự hợp tác trong chương trình Android One có thể giúp các hãng tạo sự khác biệt trong sản phẩm ở phân khúc tầm trung và còn có thể nhận được sự hỗ trợ tiếp thị từ Google.

Android Go, Android One và Pixel

Trong 1 năm qua, chúng ta đã chứng kiến 3 chiến lược khác nhau của Google: Google Pixel, Android Go và sự trở lại của Android One. Cả 3 chương trình này nhìn có vẻ khác nhau nhưng đều có cùng một mục tiêu là xử lý vấn đề phân mảnh của Android.

Xử lý vấn đề phân mảnh sẽ giúp Google giành sự kiểm soát trực tiếp cơ sở người dùng Android và hỗ trợ các tính năng phần mềm mới kịp thời. Điều này hiện nay là một mục tiêu quan trọng với Google, nhất là bối cảnh sự khác biệt về phần mềm của các smartphone đang nhiều hơn khác biệt phần cứng.

Hơn nữa, nếu để ý về Android Go, Android One và Google Pixel sẽ hiểu rõ hơn về cách Google nhắm đến người dùng dựa trên những phân khúc giá. Android Go dành cho phân khúc giá rẻ với RAM 1GB trở lại (thay thế cho mục tiêu của Android One lúc ban đầu), Android One bây giờ chuyển sang phân khúc tầm trung và Google Pixel là phân khúc cao cấp. Bên cạnh đó, cũng có thể là sự khác biệt về cấp độ nhà sản xuất: Android Go dành cho các nhà sản xuất bản địa, Android One là dành cho các thương hiệu Trung Quốc và toàn cầu, còn Pixel là thương hiệu của bản thân Google.

>> Trên tay Xiaomi Mi A1: smartphone đầu tiên của Xiaomi chạy Android gốc

>> Chụp thử camera kép của Xiaomi Mi A1: xoá phông, zoom 2X và chụp thông thường

>> Xiaomi Mi A1 chính thức: chạy Android gốc, thiết kế và cấu hình của Mi 5X

Thanh Phong

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận