Cùng chuyên gia ngôn ngữ phân tích tâm thư của CEO Facebook: Lời xin lỗi muộn màng!

Cùng chuyên gia ngôn ngữ phân tích tâm thư của CEO Facebook: Lời xin lỗi muộn màng!

Andy Maslen là một chuyên gia ngôn ngữ gạo cội với hơn 30 năm trong nghề đã có bài phân tích bức tâm thư của CEO Mark Zuckerberg gửi tới toàn bộ người dùng Facebook.

“Một công ty truyền thông hàng đầu sở hữu nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới mà lại sử dụng cách viết thư ư? Thật cổ điển làm sao!” - Andy Maslen nhận xét.

Tiêu đề bức thư là một cú ra đòn mạnh, nhưng lại chẳng trúng được đích.

“Chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ thông tin cá nhân của bạn.
Nếu như chúng không tôi làm được, chúng tôi không xứng đáng với nó.”

Dòng đầu tiên làm người đọc nghĩ: “Ừ, rồi sao?”
Còn dòng thứ hai lại tương đối tối nghĩa: Nếu anh không làm được cái gì, thì anh không xứng đáng với cái gì cơ?

Nếu hiểu theo đúng cú pháp của câu đầu, thì có nghĩa là: “Nếu chúng tôi không thể bảo vệ (thông tin của bạn), chúng tôi không xứng đáng (có được) nó.

Nhưng câu nói không toát lên bất kỳ sắc thái cảm xúc nào bởi lẽ hai câu nói được gộp lại với nhau một cách lệch lạc, thiếu ăn khớp: Một câu thuộc ngôn ngữ trang trọng bậc nhất trong khi câu còn lại chuyển ngay xuống ngôn ngữ thường nhật.

Không dừng lại ở đó, kết thúc câu bằng từ “nó” là một cách kết thúc yếu ớt đến hời hợt - một cách kết thúc vô cảm.

Nhưng chưa hết, hãy nhìn vào bảy từ cuối của tiêu đề:

“Chúng tôi không xứng đáng với nó”.

Thoạt nghe, ta cảm thấy giống một lời biện hộ hơn là một lời xin lỗi chân thành từ đáy lòng.

Một câu nói bày tỏ sự hối lỗi tột cùng liệu có khó gì để bắt đầu bằng cách cổ điển: “Tôi xin lỗi”? Chẳng phải mục đích của tiêu đề này là để bày tỏ sự hối lỗi và lấy làm tiếc của Facebook sao?

Vậy có lẽ tiêu đề nên sửa thành thế này nếu CEO Facebook thực sự muốn xin lỗi:

“Tôi xin lỗi chúng tôi đã không trông coi và bảo vệ dự liệu cá nhân của bạn được tốt hơn”.

Hay thậm chí là như vậy:

“Tôi xin lỗi Facebook đã không bảo vệ quyền riêng tư của bạn”.

Nhưng có lẽ Mark Zuckerberg sẽ không bao giờ nói được điều đó, bởi sự thật đó quá phũ phàng với người dùng.

Tiếp đến tới phần thân bức thư. Câu đầu tiên là một chiêu tung hỏa mù kinh điển trong sách:

“Có thể gần đây bạn đã nghe nói về việc một ứng dụng câu đố được phát triển bởi nhà nghiên cứu trường đại học đã rò rỉ dữ liệu Facebook của hàng triệu người hồi năm 2014”.

Thứ nhất, đây là một câu nhàm chán, Thứ hai, nó quá dài dòng và quan trọng nhất, người đọc không cảm thấy một chút tình cảm, sự ăn năn hối lỗi nào trong đó. Bằng khả năng sử dụng từ ngữ điêu luyện, người viết bức thư đại diện cho Facebook đã tinh tế chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho một “nhà nghiên cứu trường đại học” vô danh nào đó.

Liệu có chân thành hơn khi Mark Zuckerberg viết như thế này:

“Tên tôi là Mark Zuckerberg. Tôi là người đứng đầu Facebook. Tôi đã phạm phải một sai lầm lớn. Và tôi thật lòng xin lỗi”.

Chưa kể đến khúc “hồi năm 2014”, vậy nên bạn biết đấy, chuyện xưa cũ rồi, đâu có gì phải lo đúng không nào?

Câu tiếp theo, bức thư viết:  “Đây là một sự vi phạm về lòng tin, và tôi xin lỗi chúng tôi đã không làm gì hơn tại thời điểm xảy ra vụ việc”.

“Vi phạm lòng tin” ư? Có vẻ như một luật sư đã viết ra bức tâm thư này thay cho Mark Zuckerberg vậy. “Mẹ ơi, hôm nay con đã vi phạm lòng tin và ăn trộm 5 đồng trong ví của mẹ.” Liệu có cô cậu bé nào thực sự nói vậy ngoài đời?

Từ “xin lỗi” được khéo léo đính vào giữa khổ dài nhất của bức thư - cũng là khổ dễ bỏ qua nhất.

“Chúng tôi đã ngừng các ứng dụng tương tự ngăn không cho chúng thu thập quá nhiều thông tin. Giờ chúng tôi đang và sẽ giới hạn lượng dữ liệu một ứng dụng có thể thu thập được khi bạn đăng nhập vào chúng qua tài khoản Facebook. Ngoài ra chúng tôi còn đang điều tra mọi ứng dụng được truy cập một lượng lớn dữ liệu trước khi vụ việc này xảy ra. Chúng tôi tin vẫn còn nhiều ứng dụng tương tự. Và khi tìm ra được, chúng tôi sẽ cấm chúng ngay cũng như lập tức thông báo tới những người đã cài đặt các ứng dụng này”.

Thêm một đoạn văn tối nghĩa của Mr. Z (ám chỉ CEO Facebook). Làm ơn đi, nhắc đi nhắc lại từ “ứng dụng” quá đủ rồi. Ứng dụng không phải là thứ tạo ra thảm họa rò rỉ thông tin này đâu Mark! Mà chính là con người - không ngoại trừ trường hợp có cả những “chóp bu” của Facebook. Tuy nhiên từ “cấm” là một động từ mạnh, dễ hiểu và hợp lý ở đây.

“Cuối cùng, chúng tôi sẽ nhắc nhở bạn những ứng dụng nào đã được bạn cấp quyền truy cập thông tin cá nhân - để bạn có thể tắt chúng đi nếu không còn muốn sử dụng nữa”.

“Tắt chúng đi”? Nghe thật là lạ, tại sao không phải là “xóa chúng đi”? Và có gì đảm bảo sau khi xóa các ứng dụng đó, dữ liệu của tôi không còn tồn tại trên cơ sở dữ liệu của máy chủ của ứng dụng đó?

“Cảm ơn bạn vì đã tin tưởng vào cộng đồng này. Tôi hứa sẽ làm tốt hơn vì bạn”.

Một câu kết quy chụp trốn tránh trách nhiệm kinh điển. Bản thân người viết không “tin” vào cái gọi là “cộng đồng” Facebook, cộng đồng Facebook không tồn tại. Facebook là một ứng dụng. Và là một ứng dụng không thể bảo vệ lấy chính khách hàng của mình.

Lời kết cho bài phân tích, vụ bê bối của Facebook vừa mới được phơi ra ánh sáng vài tuần gần đây, nhưng đã xảy ra từ 4 năm về trước, cho thấy trong mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm hơn với thói quen sử dụng mạng xã hội của mình. Bạn hãy bảo vệ mình bằng cách tự trang bị thêm những thông tin về ứng dụng mình sử dụng, từ chối bất kỳ lựa chọn đăng nhập qua Facebook hay qua bất cứ tài khoản nào, dù cho lựa chọn đó có tiết kiệm thời gian tạo tài khoản mới cho bạn đến đâu. Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái và chuẩn mực.

Andy Maslen là một chuyên gia ngôn ngữ gạo cội với hơn 30 năm trong nghề, ông đang giữ vị trí Giám đốc điều hành và Trưởng phòng marketing tại Sunfish - công ty marketing ông sáng lập cùng với giám đốc sáng tạo Jo Kelly hồi 1996. Andy còn là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy, trong đó có thể kể tới hai cuốn Write to Sell và Persuasive Copywriting.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận