Cuộc chiến ngầm truyền hình trả tiền

Cuộc chiến ngầm truyền hình trả tiền

Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần củ̀a AVG thất bại, VTVcab "tạo sóng" khi công bố hệ thống kênh mới ngay trước thềm cổ phần hóa (17/4) và K+ "rụt rè" tăng cước phí… chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cho dù đã có lúc "miếng bánh truyền hình trả tiền" được hình dung là "dát vàng".

Cuộc chiến ngầm truyền hình trả tiền

Kỳ 1: Sự thật về cuộc đua giá cước

Giá cước truyền hình trả tiền ở Việt Nam (PayTV) thuộc loại rẻ nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên sẽ rất khó có chuyện "ngon, bổ mà rẻ" trong lĩnh vực truyền hình. Các nhà đài cạnh tranh, giành giật khách hàng bằng giá cước. Cuộc đua này, tưởng là vì khách hàng, nhưng thực tế chưa hẳn là như vậy bởi chất lượng dịch vụ đã bị đặt sang một bên.

Khốc liệt

Chưa có con số thống kê chính thức về số thuê bao truyền hình trả tiền năm 2017 nhưng năm 2015, Bộ TTTT công bố tại Việt Nam có khoảng 11 triệu thuê bao. Nếu căn cứ vào mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm như công bố của các doanh nghiệp thì đến nay con số này dao động khoảng 14 triệu thuê bao - một mảnh đất được cho là màu mỡ - trong bối cảnh ở Việt Nam có trên 10 doanh nghiệp tham gia mảng này. Đứng đầu là SCTV, tiếp đến là VTVcab, AVG (chuyển lại từ MobiTV), VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel (NextTV), K+, FPT…

Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực này, điều đáng nói là dù số lượng thuê bao vẫn tăng khá đều nhưng doanh thu lại chững, thậm chí thụt lùi. Con số chưa chính thức được tờ Infonet dẫn lại là tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền năm 2017 chưa đạt 8.000 tỉ trong khi năm 2016, số lượng thuê bao hơn 12 triệu nhưng doanh thu lên đến 12.000 tỉ đồng.

Lý giải cho câu chuyện ngược đời này, một lãnh đạo lĩnh vực truyền hình trả tiền đã dùng cụm từ "giữa muôn trùng vây" để nói về thực trạng truyền hình trả tiền. Đầu tiên là câu chuyện cạnh tranh lẫn nhau khi hàng loạt doanh nghiệp tung ra các gói khuyến mại quá thấp. Đỉnh điểm là năm 2015, thực tế người dùng chỉ cần phải trả 20.000 đồng đã có một tháng thuê bao.

Cuộc đua "giảm giá cước" tạo ra một trào lưu kéo khá dài. Nhìn bề nổi, có vẻ như người dùng sẽ được lợi (vì cước rẻ) nhưng thực tế không phải như vậy. Khuyến mại nhiều, cước rẻ, các nhà đài không còn nhiều tiền và cơ hội để đầu tư vào nội dung, tạo ra những chương trình mới hấp dẫn và đặc biệt là không còn cơ hội để mua bản quyền truyền hình chất lượng. Nghĩa là người dùng bị lạc giữa ma trận giá cước rẻ nhưng không ngờ rằng món ăn của mình thật sự chất lượng ngày càng thấp đi: Các kênh na ná nhau, chương trình cũ và không có những sự kiện có bản quyền.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thành Chung - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cũng thừa nhận các nhà mạng kinh doanh ở lĩnh vực truyền hình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh. Nội dung các gói dịch vụ họ đưa ra quá giống nhau. Vì thế họ chỉ còn biết cạnh tranh vào giá cả hay việc chăm sóc khách hàng.

Hiện nay, giá cước của các nhà mạng ở Việt Nam thấp hơn so với thế giới khá nhiều. Trong khi đó, họ phải chịu mức phí bản quyền rất cao, đa phần là tiền bản quyền từ các sản phẩm của nước ngoài.

Cuộc đua về giảm giá cước, đã từng được ví như "cuộc đua" xuống… vực thẳm. Một số đài chấp nhận đầu tư nhưng thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ phá sản, hoặc đổi chủ sở hữu.

Khó khăn đến cả với những "ông lớn" ngành truyền hình. Chẳng hạn như VTVcab - đơn vị chiếm khoảng 25% thị phần hiện nay (số liệu năm 2016, kém hơn so với SCTV khoảng 29% thị phần). Những con số về kinh doanh cho thấy, doanh thu hằng năm của VTVcab khá cao. Doanh thu của VTVcab giai đoạn 2014-2016 có tốc độ tăng trưởng thì ngược lại, lợi nhuận sau thuế Công ty giảm mạnh từ mức 126,5 tỉ năm 2014, 130,5 tỉ năm 2015 xuống còn hơn 76 tỉ đồng năm 2016 khiến tỉ suất lợi nhuận trên vốn chỉ còn 12%. Ngoài ra báo cáo tài chính trước thềm IPO của VTVcab cũng cho thấy đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỉ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỉ đồng, chiếm 68,6% tổng nợ phải trả. Áp lực chi trả ngắn hạn của VTVcab không hề nhỏ, buộc doanh nghiệp này phải có một kế hoạch tái cơ cấu tài chính quyết liệt hơn sau khi cổ phần hóa để giảm thiểu rủi ro.

Một trong những ông lớn khác là K+ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ 2/4, K+ tăng cước phí với các thời hạn thuê bao 1, 3, 6 tháng một cách rất "dè dặt" ở mức 135.000 đồng/tháng (tăng 10.000 đồng/tháng). Lý do đưa ra là chi phí quản lý các thuê bao gia hạn với thời hạn ngắn phát sinh nhiều hơn so với các thuê bao dài hạn.

Thực tế K+ cũng như SCTV, VTVcab... đang đứng trước những bài toán quá nan giải về kinh tế.

Cuộc chiến ngầm truyền hình trả tiền

Các nhà mạng đang chịu cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: P.V

Giữa muôn trùng vây

Theo đánh giá, kinh doanh truyền hình trả tiền dù vẫn còn dư địa tiềm năng (bất chấp lượng thuê bao và lãi có xu hướng đi ngang hoặc giảm) nhưng đang phải chịu quá nhiều áp lực.

Áp lực đầu tiên có thể kể đến chính là việc các công ty trung gian nắm đầu mối bản quyền và rất bị động, phụ thuộc vào những nhà phân phối.

Chẳng hạn trong câu chuyện VTVcab cắt hàng loạt kênh quen thuộc của khán giả như: HBO, CineMAX, RED, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News…vừa qua thì ngoài yếu tố thay đổi chiến lược kinh doanh thì còn có câu chuyện là hợp đồng với nhà phân phối hết hạn, hai bên không thể tìm được tiếng nói chung. Điều đáng nói là nhà phân phối này lại đang giữ quyền của 23 kênh truyền hình nước ngoài vốn được khán giả VTVCab ưa thích như HBO, CineMAX, RED, AXN, WarnerTV, Fox Sports, Fox Sports 2, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News… để phân phối cho hầu hết các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Như vậy một đơn vị phân phối nắm giữ tới hơn 20 kênh, chi phối các đài, có thể đẩy giá lên cao dẫn đến độc quyền.

Cuộc "giằng co" giữa VTVcab với nhà phân phối kéo dài trong 3 tháng và cuối cùng là cuộc chia tay. Tất nhiên VTVcab buộc phải tìm những đối tác khác, với những kênh mới "dậy sóng" như đã biết. Yếu tố tích cực ở đây chính VTVcab đã chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt: Có thể mất một số lượng khán giả nhưng họ có quyền tự chủ trong việc định hướng phát triển mà không phải phụ thuộc vào một công ty trung gian chuyên phân phối.

Thứ hai là vấn đề giá bản quyền các chương trình truyền hình ngày càng cao. 4 năm trước, trước thềm World Cup 2014, theo nhiều nguồn tin, VTV đã phải chấp nhận xuống tay số tiền kỷ lục là 7 triệu USD. Năm nay, dù chỉ còn 2 tháng nữa là World Cup 2018 khởi tranh nhưng hầu như chưa một đối tác nào lên tiếng về việc có được bản quyền World Cup. Các đài nhìn nhau thăm dò và theo giới trong nghề, đây là một cuộc "thi gan" với đối tác rao bán bản quyền World Cup và kết quả chỉ xuất hiện trước giờ G.

Và cuối cùng không thể không nói tới những cuộc chiến giữa các nhà đài với những cuộc cạnh tranh có bề ngầm, bề nổi. Thậm chí, nhiều nhà đài không ngại dùng "thủ đoạn" để lôi kéo khách hàng. Ví dụ đơn giản nhất, trong khi VTVcab đang khiến khách hàng tức giận thì một đối thủ cạnh tranh không ngần ngại vào hẳn fanpage của VTVcab để quảng cáo thu hút khách hàng…

Thế nhưng đối với các đơn vị truyền hình trả tiền hiện nay, đối thủ lớn nhất đối với họ lại đang ở phía trước khi thói quen người dùng đang có dấu hiệu chuyển đổi mạnh. Lượng người xem trực tiếp qua TV, qua màn hình vi tính đã giảm rất sâu và chuyển qua hình thức xem khác cơ động và thuận tiện hơn. Trước tình hình này, các nhà đài sẽ phải làm gì?

Theo Lao Động

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận